Hòa Bình: 'Cầu chết' giữa xóm Sống được 'hồi sinh'

Trong những ngày đầu xuân, người dân xóm Sống, xã Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đã thỏa niềm mong mỏi khi cây cầu treo dân sinh độc đạo có thể đổ sập bất cứ lúc nào đã được đầu tư xây mới.

Theo đó, cây cầu treo dân sinh cũ của xóm Sống được đầu tư xây dựng từ năm 2008 đã xuống cấp trầm trọng không chỉ cản trở sự phát triển kinh tế của trên 100 hộ dân xóm Sống, mà tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi lưu thông. Do mặt cầu được chắp vá bằng cây đã mục nát nên không ít người khi đi xe máy qua đây đã bị ngã. Cầu hỏng và yếu nhưng bà con vẫn phải đi qua hàng ngày vì ruộng vườn đều ở bên kia suối.

Trong năm 2020, Báo Gia đình & Xã hội đã có nhiều bài viết phản ánh về thực trạng xuống cấp của cây cầu này, cũng như niềm mong mỏi của người dân xóm Sống về một cây cầu mới chắc chắn. Đáng lo nhất khi trong xóm có đám hiếu, người dân phải dùng cây tre để dựng chống cầu tránh nặng quá hoặc lội qua suối để đưa linh cữu người mất về nơi an nghỉ cuối cùng.

Đây là cây cầu huyết mạch giữa xóm Sống. Bởi nếu không có cầu, người dân sẽ không thể sang bên kia để làm đồng áng, trẻ con không thể đến trường. Ảnh chụp tháng 6/2020.

Đây là cây cầu huyết mạch giữa xóm Sống. Bởi nếu không có cầu, người dân sẽ không thể sang bên kia để làm đồng áng, trẻ con không thể đến trường. Ảnh chụp tháng 6/2020.

Trước thông tin báo chí phản ánh và từ nắm bắt thông tin cơ sở, UBND huyện Tân Lạc có văn bản gửi Sở GTVT tỉnh Hòa Bình xin hỗ trợ kinh phí để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp công trình. Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định về việc phân bổ kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ năm 2020 để sửa chữa cải tạo cầu treo xóm Sống, xã Nhân Mỹ với tổng kinh phí là 800 triệu đồng.

Đầu năm 2021, bà con xóm Sống vô cùng phấn khởi khi cây cầu chính thức hoàn thành và đưa vào sử dụng. Sau Tết, bà con đã ra đồng làm mùa kịp thời vụ. Trước đây bà con phải gánh phân, gánh mạ từ bờ bên này sang phía bên cầu thì hiện nay, mạ được chở bằng xe máy, xe cải tiến rất thuận lợi. Cây cầu treo được xây dựng chắc chắn, mặt cầu được làm hoàn toàn bằng kim loại nên việc đi lại vô cùng thuận tiện.

Cây cầu treo xóm Sống được xây mới, mặt cầu làm bằng kim loại, tạo thuận lợi cho bà con đi lại, vận chuyển nông sản. Ảnh chụp tháng 3/2021

Ông Bùi Văn Lịch, Trưởng xóm Sống cho biết: "Cây cầu treo không chỉ có vai trò quan trọng đối với 25 hộ dân ở phía bên kia suối Cái, mà cả các hộ dân khác trong xóm. Do ruộng vườn, đồi rừng phần lớn ở phía bên kia suối nên để vào khu sản xuất, bà con đều phải đi qua cầu. Cây cầu cũ xuống cấp, hàng năm, bà con phải góp tre, gỗ để tu sửa, việc đi lại vào mùa mưa tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Người dân cũng không còn phải lo cạnh lội suối để đưa người quá cố về khu nghĩa trang như trước nữa…".

Có cây cầu mới, những đứa trẻ ở xóm Sống có lẽ vui hơn cả. Cầu mới đã xua tan nỗi ám ảnh, nỗi lo có thể bị rơi xuống suối khi đến trường, giờ các cháu có thể tự mình đi qua cầu mà không cần người lớn đưa đón.

Cây cầu được đầu tư với số tiền 800 triệu đồng.

Cháu Bùi Tuyết Nhung, nhà ngay đầu cầu treo xóm Sống chia sẻ: "Ngày trước, cháu đi học hoặc muốn vào xóm đi chơi đều phải có bố mẹ đưa đón. Cháu rất sợ khi đi qua cây cầu cũ, còn cây cầu mới được làm chắc chắn, đẹp nữa nên chúng cháu có thể tự đi qua cầu được một mình".

Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Hòa Bình, UBND huyện Lân Lạc cũng gửi lời cảm ơn đến Báo Gia đình & Xã hội đã quan tâm, chia sẻ tới những khó khăn về đời sống, cơ sở hạ tầng của địa phương. Cây cầu mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và sản xuất của người dân địa phương cũng như nâng cao trách nhiệm trong việc đảm bảo giao thông.

Cao Tuân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/hoa-binh-cau-chet-giua-xom-song-duoc-hoi-sinh-20210312101607246.htm