Hòa Bình cần phát huy, khai thác các thế mạnh của tỉnh

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình.

Một góc thành phố Hòa Bình

Một góc thành phố Hòa Bình

Trong thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình đã nỗ lực phấn đấu, đạt được thành tựu quan trọng. Kinh tế liên tục đạt tăng trưởng khá (năm 2018 đạt 8,36%, năm 2019 đạt 6,75%), cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng thị trường và đi đầu trong một số lĩnh vực như dịch vụ du lịch, sân golf...

Trong 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh Hòa Bình vừa tích cực triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm khác, vừa nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã và đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho đầu tư, cho sản xuất kinh doanh của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong năm 2020.

Bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh Hòa Bình cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Quy mô nền kinh tế còn nhỏ, GRDP bình quân đầu người thấp hơn mức trung bình của cả nước; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt yêu cầu; gặp nhiều khó khăn và còn nhiều điểm nghẽn trong việc khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có. Tình hình thiên tai (lũ quét, sạt lở đất ...), thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, cực đoan ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn.

Để phát huy, khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phấn đấu đạt kết quả cao trong năm 2020 và phát triển kinh tế - xã hội toàn diện trong các năm tới, tỉnh Hòa Bình cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có thể còn kéo dài và diễn biến khó lường, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hòa Bình tuyệt đối không được chủ quan, luôn đề cao cảnh giác, theo dõi sát tình hình; thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, kiên quyết không để dịch bệnh quay trở lại và lây lan trong cộng đồng.

Đồng thời, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cũng như vốn đầu tư xã hội.

Tỉnh Hòa Bình cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch trên địa bàn; triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chuyên ngành (xây dựng, giao thông, đô thị, dân cư, phòng chống thiên tai, sử dụng đất rừng, … ), đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Hòa Bình phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trong việc xây dựng các kế hoạch để triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh như kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch huy động các nguồn vốn đầu tư (ngân sách nhà nước, ODA, FDI, tư nhân …); trong đó chú trọng, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là hệ thống giao thông (đối nội và đối ngoại) để tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Chủ động làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và chuẩn bị quỹ đất để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch.

Minh Hiển

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/hoa-binh-can-phat-huy-khai-thac-cac-the-manh-cua-tinh/403810.vgp