Hòa Bình: Bát nháo các dự án 'ma' tại huyện Kỳ Sơn

Nhóm Phóng Viên

Dự án “ma” công khai trước mặt chính quyền

Chỉ riêng tại xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, mọc lên 3 quần thể dự án sinh thái nghỉ dưỡng Kai Village Resort, Welham Charmlake, Sakana Spa&Resort. Trong đó, Kai Village Resort (Zen Group là Chủ đầu tư), nằm tại vị trí Cầu Mè có quy mô trên 10 ha, với 112 biệt thự nghỉ dưỡng. Tháng 9/2019, dù chưa được cấp phép, nhưng Chủ đầu tư đã cho san gạt, xây dựng một khu nhà điều hành, 4, 5 căn biệt thự kiên cố và bể bơi, rộng tới hàng nghìn mét vuông trên đỉnh đồi.

Biệt thự và bể bơi “mọc” trên dự án ma Kai Resort

Biệt thự và bể bơi “mọc” trên dự án ma Kai Resort

Trái ngược với những hình ảnh đẹp mắt, những lời mời chào hấp dẫn trên website mua bán nhà đất, các dự án: Welham Charmlake (Công ty Cổ phần Chí Thành), Sakana Spa&Resort (Công ty Cổ phần phát triển nghỉ dưỡng Ngoại ô) nằm bên hồ Dụ - Mông Hóa và The Moon Village (Làng trăng Hòa Lạc nằm tại xã Yên Quang, huyện Kỳ Sơn) đều trong tình trạng ngổn ngang, tài nguyên đất đai bị khai thác ồ ạt. Những quả đồi trước đây là lá phổi xanh của người dân, nay trở nên trơ trọi màu đất, nham nhở vết cào cấu của máy ủi, máy múc. Bụi mù mịt mỗi khi có cơn gió xoáy qua khiến bầu không khí như đặc quánh đến ngạt thở.

Trong khi đó, những dự án “ma” như The Moon Village nằm cách UBND xã Yên Quang không xa, cả một dự án quy mô hoành tráng đến thế mà chính quyền nơi đây lại để cho nó “phình to” và không có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu.

“Có những dự án lần đầu tôi nghe thấy”

Đó là chia sẻ của bà Phạm Thị Mơ – Chi cục trưởng Chi cục quản lý đất đai, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hòa Bình trong buổi làm việc với PV. Bà cho biết, các dự án trên, cho đến thời điểm này, đều chưa có quyết định giao đất cho chủ đầu tư, thậm chí có một số dự án bà Mơ chưa từng nghe qua.

Bà Phạm Thị Mơ – Chi cục trưởng Chi cục QLĐĐ, Sở TNMT Hòa Bình

Bà Mơ phân tích: “Đối với các chủ trương đầu tư, nhà đầu tư phải hoàn thiện thủ tục thành lập dự án, trình các Sở ban ngành của tỉnh để xem xét. Đồng thời, tự thỏa thuận việc bồi thường giải phóng mặt bằng với người dân. Khi thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý, lúc đó mới được cấp phép xây dựng. Nhưng ngay từ bước đầu tiên là bước cấp phép đầu tư, các dự án này đều chưa có – nghĩa là chưa có gì cả.”

Hoạt động xây dựng không phép tại dự án The Moon Village, đối diện UBND xã Yên Quang

Ông Đinh Vĩnh Ngọc – Chánh văn phòng huyện Kỳ Sơn cho biết: đơn vị đã nhận được thông tin từ phía báo chí và đang yêu cầu các bộ phận chuyên môn kiểm tra. Trước đây, khi phát hiện các hoạt động xây dựng trái phép, Chính quyền huyện cũng đã có lập biên bản, yêu cầu đơn vị dừng thi công.

Ông Ngọc trần tình thêm: “Hoạt động mua bán, giao dịch trên các website, mạng xã hội…thì huyện khó quản lý, chỉ khi người dân đến hỏi hoặc báo chí phản ánh, chúng tôi mới nắm được thông tin này”

Ông Đinh Vĩnh Ngọc – Chánh văn phòng huyện Kỳ Sơn

Trong một chiều hướng khác, ngày 13/09/2019, Sở Xây Dựng tỉnh Hòa Bình đã gửi công văn số 2659/SXD – TTr gửi UBND huyện Kỳ Sơn trong đó khẳng định 4 dự án nêu trên đang triển khai nhưng chưa thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định. Qua đó, Sở Xây Dựng tỉnh Hòa Bình đề nghị UBND huyện Kỳ Sơn chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tổ chức kiểm tra, xử lý và chấn chỉnh hoạt động xây dựng đối với các dự án trên địa phận huyện Kỳ Sơn.

Có hay không việc “vẽ” dự án “tuồn” tài nguyên ra ngoài kiếm lợi?

Trước thực trạng tài nguyên bị tàn phá nặng nề bởi các dự án chưa được cấp phép, triển khai chậm chạp nhưng lại liên tục mời chào, huy động vốn trái phép ở Kỳ Sơn- Hòa Bình. PV báo Đời sống và Pháp luật đã vào cuộc điều tra và phát hiện những điều mờ ám núp bóng dự án “ma”.

Liên tục những chiếc xe ben cỡ lớn hoạt động hết công suất làm nhiệm vụ chở đất đá, không chỉ hoạt động trong phạm vi của dự án mà liên tục “tuồn” ra ngoài, chạy theo hướng đường Láng – Hòa Lạc về phía Thành phố Hà Nội.

Xe chở tài nguyên từ dự án The moon Village “tuồn” về Hà Nội.(Ảnh cắt từ Clip)

“Lập dự án ma – khai thác tài nguyên khoáng sản – bán lấy tiền thực hiện dự án – bán dự án ra bên ngoài” là một vòng tròn khép kín mà chủ đầu tư chỉ việc “tay không bắt giặc”, cộng với sự thiếu quyết liệt của chính quyền địa phương khiến tình trạng trên vẫn diễn ra không ngừng, bất chấp pháp luật.

Sau nhiều ngày theo dõi, nhóm PV được biết các xe vận chuyển đất đá đi nhiều nơi trong đó có một trong những công trình nằm tại xã Yên Sở - Hoài Đức – Hà Nội với nguồn vốn sử dụng ngân sách nhà nước.

Báo Đời sống & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin vào các số tiếp theo.

Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản mà không có Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định, trừ các trường hợp đã quy định tại Khoản 1 Điều này hoặc khai thác vượt quá 100% trở lên so với công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong Giấy phép khai thác khoáng sản, cụ thể như sau:

a) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh;

b) Từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; khai thác than bùn;

c) Từ 250.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với khoáng sản làm nguyên liệu xi măng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; khai thác nước khoáng;

d) Từ 500.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng đối với các loại khoáng sản khác trừ trường hợp quy định tại Điểm a, b và Điểm c Khoản này;

đ) Từ 800.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với vàng, đá quý, bạc, platin, khoáng sản độc hại.

Ngoài các hình phạt tiền chính thì người vi phạm phải bị áp dụng các hình phạt bổ sung như sau tùy theo mức độ vi phạm thực tế của hành vi và các biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản; tịch thu phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

+ Đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản từ 06 (sáu) tháng đến 12 (mười hai) tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;

+ Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác khoáng sản từ 06 (sáu) đến 12 (mười hai) tháng đối với trường hợp khai thác vượt quá 100% công suất nêu tại Khoản 3 Điều này.

+ Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện các giải pháp phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều này.

Nhóm Phóng Viên

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/kinh-doanh/bai-1hoa-binh-bat-nhao-cac-du-an-ma-tai-huyen-ky-son-a294697.html