Hòa bình Afghanistan: Biết đáp số, vẫn khó giải

Mỹ tuyên bố rút quân đội khỏi Afghanistan. Nhưng, sẽ là kịch bản 'xôi hỏng bỏng không' đối với Washington nếu Taliban lại thắng thế và lấn át ở Afghanistan. Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.

Hòa bình cho Afghanistan. Biếm họa của báo South Asia Journal.

Mong manh hòa bình, hòa giải

Ở Afghanistan, hiện không chỉ thấy có tình hình an ninh và ổn định tiếp tục không được đảm bảo và diễn biến theo chiều hướng tồi tệ hơn mà triển vọng có được giải pháp chính trị hòa bình cũng thêm phần ảm đạm. Mới đây nhất là vụ đánh bom tự sát vào trụ sở của ứng cử viên phó tổng thống Amrullah Saleh và hoạt động quân sự được gia tăng đáng kể của Taliban.

Sau lần tiếp xúc đầu tiên với phía chính phủ Afghanistan, Taliban đã tuyên bố không đàm phán hòa bình và hòa giải trực tiếp với chính phủ Afghanistan chừng nào quân đội nước ngoài chưa rút hết ra khỏi Afghanistan. Gần như ngay sau đấy, phía Mỹ công bố kế hoạch từ năm 2020 rút quân đội ra khỏi Afghanistan.

Tuyên bố như thế của Taliban thực ra không có gì mới. Lâu nay, quan điểm chính thức của Taliban vẫn luôn là như vậy. Năm 2001, Mỹ và đồng minh đã nhanh chóng lật đổ được chính thể Taliban ở Afghanistan nhưng suốt từ đó đến nay, tốn kém rất nhiều tiền của và sinh mạng binh lính, vẫn không tiêu diệt được Taliban và thậm chí vẫn chưa làm Taliban bị suy yếu về quân sự đến mức không còn có thể là mối đe dọa về an ninh cho chính thể mới ở Afghanistan. Taliban trỗi dậy mạnh mẽ về quân sự và vẫn chưa bị lụi bại về ý thức hệ tôn giáo cực đoan nhưng không có cơ hội thắng thế trở lại chừng nào còn quân đội Mỹ và đồng minh được triển khai trên lãnh thổ Afghanistan.

Tại sao Mỹ quyết tâm rút?

Mỹ hiện có khoảng 14000 binh lính ở Afghanistan. Rút hết số binh lính này về nước và chấm dứt thật sự hoàn toàn cuộc chiến tranh ở nơi đây là một trong những cam kết tranh cử trọng tâm của tổng thống Donald Trump vào năm 2016. Việc thực hiện cam kết tranh cử này lại có thể đóng vai trò rất quyết định đối với cơ may tái đắc cử của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới ở Mỹ. Nhưng, sẽ là kịch bản "xôi hỏng bỏng không" và "mất cả chì lẫn chài" đối với Washington nếu Taliban lại thắng thế và lấn át ở Afghanistan sau khi Mỹ và đồng minh triệt thoái hết quân đội ra khỏi Afghanistan.

Mỹ cần giải pháp chính trị hòa bình cho Afghanistan, chính vì thế, để Mỹ có thể yên tâm rút quân và Taliban không quay lại trị vì đất nước này, các đối tác bên ngoài khác như Nga hay Trung Quốc, LHQ hay EU, Ấn Độ hay Pakistan cũng đều phải chủ động có những nỗ lực ngoại giao để tìm kiếm giải pháp chính trị hòa bình cho Afghanistan.

Đa phần, các nỗ lực này đều thông qua cách là gây dựng những khuôn khổ diễn đàn đối thoại đa phương để lôi kéo cả chính phủ Afghanistan và Taliban cùng tham dự, đều theo cách tiếp cận dùng viện trợ quốc tế nhằm tái thiết Afghanistan để khích lệ chính phủ Afghanistan và Taliban đàm phán trực tiếp để vãn hồi hòa bình, thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc. Tuy nhiên, ba tác nhân quyết định nhất vẫn là Mỹ, Taliban và chính phủ Afghanistan - theo đúng thứ tự này.

Ba mục tiêu chiến lược

Cũng vì tình hình nói trên mà Mỹ theo đuổi 3 định hướng chiến lược sau đây ở Afghanistan hiện nay.

Thứ nhất là đàm phán trực tiếp với Taliban. Tiến trình này hiện đã đạt được kết quả quan trọng và rất có thể thỏa thuận cuối cùng sẽ được Mỹ và Taliban ký kết trong tháng 9 tới. Cốt lõi ở đây là gắn việc Mỹ rút hết quân đội ra khỏi Afghanistan với việc Taliban cam kết đàm phán hòa bình trực tiếp với chính phủ Afghanistan. Những tuyên bố mới đây của Mỹ về lịch rút quân và của Taliban về điều kiện đàm phán trực tiếp với chính phủ Afghanistan có liên quan trực tiếp tới thực trạng và triển vọng của tiến trình này.

Thứ hai là thúc ép và khích lệ chính phủ Afghanistan và Taliban đàm phán trực tiếp với nhau. Hiện tại, chắc phía Mỹ cho rằng tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Taliban đã đi trước và đạt kết quả đến mức để tiến trình thứ hai này có thể được khởi động và sẽ có tiến triển.

Thứ ba là thuyết phục, vận động các nước xung quanh Afghanistan cùng hội chung thuyền là kiềm chế và kiểm soát Taliban về quân sự và thôi thúc Taliban tham gia giải pháp chính trị, hình thành những cấp độ liên kết khác nhau nhằm bảo hộ an ninh và ổn định cho Afghanistan trong giai đoạn thực hiện giải pháp chính trị hòa bình.

Taliban vừa tăng cường hoạt động quân sự vừa khước từ đàm phán trực tiếp với chính phủ Afghanistan là chiêu thức vừa làm cao giá với Mỹ vừa tăng thế với chính phủ Afghanistan. Phía Mỹ tung ra kế hoạch và lộ trình rút quân, cho dù mới chỉ là ý tưởng chứ chưa được cụ thể hóa, là để tranh thủ Taliban và ràng buộc Taliban vào khuôn khổ đàm phán hiện tại và cam kết đã đưa ra với Mỹ.

Tất cả các bên liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp đều biết rằng cái đích cuối cùng sẽ là giải pháp chính trị hòa bình cho Afghanistan, sẽ là hòa giải và hòa hợp dân tộc ở Afghanistan, sẽ là chính trị hóa Taliban và chia sẻ quyền lực chính trị nhà nước cho Taliban. Nhưng không bên nào hiện dám chắc là con đường họ đang đi rồi sẽ dẫn đưa họ tới cái đích ấy.

Nói theo cách khác, chuyện tương lai của Afghanistan giống như bài toán mà các bên cùng giải biết trước đáp số nhưng cho tới nay vẫn chưa tìm ra cách giải và cũng không biết đến khi nào mới tìm ra nó.

Dịch Dung

Dịch Dung

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoa-binh-afghanistan-biet-dap-so-van-kho-giai-98471.html