Hồ Xuân Hoa có còn cơ hội kế nhiệm ông Tập Cận Bình?

Dù không lọt vào danh sách 7 người đàn ông quyền lực nhất trong hệ thống lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Xuân Hoa (giữa)

Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Xuân Hoa (giữa)

Dù không lọt vào danh sách 7 người đàn ông quyền lực nhất trong hệ thống lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc sau khi kết thúc Đại hội 19 diễn ra vào thời điểm gần cuối tháng 10/2017 nhưng ông Hồ Xuân Hoa vẫn được xem là một trong rất ít những người có tiềm năng được chọn làm người kế nhiệm ông Tập Cận Bình trong tương lai.

Tại Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Hồ Xuân Hoa được bầu là Ủy viên Bộ Chính trị. Việc chưa được bầu vào Thường vụ tại Đại hội 19 vừa qua có thể cho thấy ông Hoa cần có thêm thời gian để thử thách.

Thời niên thiếu và bước ngoặt cuộc đời

Theo dữ liệu của Nhà xuất bản Minh Kính, Hồ Xuân Hoa sinh tháng 4/1963 trong một gia đình thuần nông tại thôn Mã Nham Đôn, huyện Ngũ Phong, tỉnh Hồ Bắc. Bố của Hồ Xuân Hoa có tên là Vương Minh Tuấn, sinh thời làm nhân viên trông kho ở thôn Mã Nham Đôn.

Mẹ Hồ Xuân Hoa là bà Hồ Trường Mai, từng làm Hội trưởng Hội Phụ nữ thôn, hiện đang an hưởng tuổi già tại quê nhà. Hồ Xuân Hoa vốn mang họ cha tên là Vương Xuân Hoa, nhưng sau khi chị gái ông Hồ Xuân Hoa mất sớm, Hồ Xuân Hoa đổi sang họ mẹ.

Ông Hồ Xuân Hoa với tư chất thông minh, cần cù và tháo vát - người được nguyên Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình) gửi gắm hay còn gọi là “bổ nhiệm cách đời” theo thông lệ xưa nay của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hồ Xuân Hoa cũng được ông Lý Khắc Cường, Đương kim Thủ tướng Trung Quốc, 1 trong 7 thành viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc rất quý mến.

Hồ Xuân Hoa hiện có 6 anh chị em. Anh trai cả công tác tại Phòng Văn hóa huyện Ngũ Phong, chị dâu làm nông nghiệp. Khi Hồ Xuân Hoa còn nhỏ, chị gái ông đi lấy chồng, nhà chỉ còn 4 anh chị em, nguồn sống chủ yếu dựa vào canh tác nông nghiệp.

Ngày từ khi còn bé, Hoa đã biết thương cha mẹ và thạo việc nhà. Khi đi học cấp II, để đến được trường học, Hồ Xuân Hoa hàng ngày vẫn phải trải qua quãng đường dài 8km và lên cấp III là 13km.

Để giảm gánh nặng cho cha mẹ, Hoa thường xuyên đi bộ đến trường đến nỗi đôi chân lúc nào cũng chai sần, dép thì luôn đứt quai. Trong các bữa trưa, thức ăn phổ biến là khoai lang.

Hồ Xuân Hoa học rất giỏi, năm 16 tuổi (1979), Hoa đã là thủ khoa Trung văn Đại học Bắc Kinh. Để có tiền ăn học, ông đã ra cổng trường vác cát thuê, mỗi tháng kiếm được trên dưới 100 nhân dân tệ để bù, phụ vào chi phí mà cha mẹ đã phải vay mượn để nuôi ông ăn học.

Trong thời gian đi học ở Bắc Kinh, Hồ Xuân Hoa là sinh viên ít tuổi nhất và cũng là người có vóc dáng nhỏ bé nhất lớp. Bù lại, với tố chất thông minh và sự cần cù chịu khó, Hồ Xuân Hoa luôn đứng đầu lớp về thành tích học tập. Khi tốt nghiệp, ông cũng là sinh viên xuất sắc nhất khóa.

Đến năm 1983, Hồ Xuân Hoa có một quyết định mang tính bước ngoặt của cuộc đời và trở thành chủ đề nóng trên nhiều mặt báo sau khi xung phong đi Tây Tạng cống hiến.

Con đường thăng tiến

Sau khi đến Tây Tạng cống hiến, sự nghiệp chính trị của Hồ Xuân Hoa phát triển rất nhanh khi lần lượt nhận nhiệm vụ công tác tại Phòng tổ chức Đoàn Thanh niên Khu tự trị Tây Tạng. Năm 1987, khi đang ở tuổi 24, ông Hoa đã giữ chức Phó Bí thư Đoàn thanh niên Khu tự trị Tây Tạng.

Năm 1988, Bí thư Tỉnh ủy Quý Châu khi đó là ông Hồ Cẩm Đào (sau này là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc) được điều về làm Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Tây Tạng. Cuối năm 1988, trong khi chỉ huy cuộc trấn áp nhằm vào các cuộc biểu tình đòi độc lập Tây Tạng, Hồ Cẩm Đào đã đưa Hồ Xuân Hoa về làm việc với mình với chức danh mới là Ủy viên Ban Liên lạc đặc biệt.

Năm 1992, khi ông Hồ Cẩm Đào về Trung ương và vào Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hồ Xuân Hoa khi đó đã trở thành người tâm phúc của ông. Hồ Xuân Hoa bắt đầu được bổ nhiệm giữ chức Phó chuyên viên Cơ quan Hành chính khu Lâm Chi.

Sau khi nhậm chức ở Lâm Chi từ tháng 3/1992, Hồ Xuân Hoa chủ yếu tập trung giải quyết những công việc khó khăn, gai góc nhất ở địa phương này. Hồ Xuân Hoa thường xuyên đi thị sát địa phương, luôn mong muốn tìm ra những ý tưởng thúc đẩy phát triển kinh tế Tây Tạng.

Tháng 5/1993, Hồ Xuân Hoa trúng cử vào Trung ương Đoàn TNCS Trung Quốc khóa XIII. Tháng 7/1995, Hồ Xuân Hoa nhậm chức Phó bí thư Sơn Nam thuộc Khu tự trị Tây Tạng. 14 tháng sau, Hồ Xuân Hoa được cử đi học ở trường Đảng Trung ương. Sau khi tốt nghiệp, ông được bổ nhiệm Phó Bí thư thường trực Sơn Nam. Tuy nhiên, chỉ một tháng sau đó, ông lại được điều ngay về Bắc Kinh.

Tháng 12/1997, khi mới bước sang tuổi 34, Hồ Xuân Hoa được sắp xếp làm Bí thư Trung ương Đoàn, kiêm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên toàn quốc. Khi đó, Hoa trở thành một trong những quan chức cấp Thứ trưởng trẻ nhất Trung Quốc.

Trong 3 năm thực hiện nhiệm vụ được giao, một lần nữa Hồ Xuân Hoa lại được cử đi học chuyên ngành Kinh tế thế giới tại trường Đảng Trung ương.

3 năm sau, Hồ Xuân Hoa trở lại Tây Tạng công tác. Từ tháng 7/2001, ông Hoa giữ chức Thường vụ Đảng ủy, Tổng thư ký kiêm Bí thư Ủy ban Công tác các cơ quan trực thuộc Khu tự trị Tây Tạng. Tháng 3/2003, Hồ Xuân Hoa được tấn thăng làm Phó bí thư Đảng ủy, Phó chủ tịch thường trực Khu tự trị Tây Tạng.

Từ năm 2005, Hồ Xuân Hoa giữ chức Phó bí thư thường trực Đảng ủy, Phó chủ tịch thường trực, Hiệu trưởng trường Đảng Khu tự trị Tây Tạng.

Tháng 11/2006, Hồ Xuân Hoa được điều về Bắc Kinh làm Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khi đang ở tuổi 43. Hồ Xuân Hoa đã trở thành quan chức cấp Bộ trưởng trẻ nhất, đứng đầu một tổ chức với quy mô lên đến 72 triệu thành viên.

Vượt qua nhiều thử thách

Tháng 3/2008, Hồ Xuân Hoa được bổ nhiệm giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc, tiếp sau đó là Phó chủ tịch tỉnh và quyền Chủ tịch tỉnh này. Sau khi đảm nhận cương vị người đứng đầu Hà Bắc được ít tháng, trên địa bàn tỉnh này xảy ra một số sự kiện gây chấn động cả Trung Quốc khiến Hoa rất căng thẳng, trong số này có vụ nổ mỏ than Lý Gia Oa làm nhiều người thương vong nhưng chủ mỏ than lại tìm cách che giấu, thậm chí phi tang thi thể các thợ mỏ.

Tương tự vụ hàng trăm trẻ em ở Hà Bắc bị nhiễm bệnh thận do uống sữa do Tập đoàn Tam Lộc, ở TP Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc sản xuất. Đáng chú ý, khi đó, thế lực Bí thư Thành ủy TP Thạch Gia Trang là Ngô Hiển Quốc đang rất mạnh, chính Thành ủy Thạch Gia Trang đã ém nhẹm vụ sữa Tam Lộc, không báo cáo lên cấp trên dẫn đến hậu quả ngày càng nghiêm trọng.

Hơn thế, Ngô Hiển Quốc gần như không coi Hồ Xuân Hoa ra gì, ông ta từng có ý định cản trở sự nghiệp của Hồ Xuân Hoa để dằn mặt.

Trước tình thế đó, ông Hồ Cẩm Đào, Tổng Bí thư Trung Quốc khi đó đã bãi miễn mọi chức vụ của Ngô Hiển Quốc ngầm giúp đỡ Hồ Xuân Hoa. Từ sự kiện này, Hồ Xuân Hoa cũng tạo dựng cho mình được hình ảnh một nhà lãnh đạo cứng rắn.

Ngoài ra, ông Hồ Xuân Hoa còn được đương kim Thủ tướng Lý Khắc Cường có cảm tình đặc biệt. Năm 1983, khi còn là Bí thư Đoàn Trường Đại học Bắc Kinh, ông Lý Khắc Cường rất quý trọng Hồ Xuân Hoa, một sinh viên sắp tốt nghiệp đã tình nguyện đi Tây Tạng công tác.

Lê Cường

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/ho-xuan-hoa-co-con-co-hoi-ke-nhiem-ong-tap-can-binh-d238809.html