Họ vẫn ăn Tết Việt...

Không được định danh bằng những 'mỹ từ' như Việt kiều hay 'kiều bào hải ngoại', không sống quần cư giữa cộng đồng người Việt trên đất nước Triệu voi, họ là những đứa con Việt tha hương bởi li loạn, sống một cuộc sống lam lũ, nghèo khó xen lẫn giữa các tộc Lào Sủng (người Lào ở trên cao), Lào Thơm (người Lào ở lưng chừng núi) và Lào Nùng (người Lào ở dưới thấp) trên dọc tuyến biên giới Việt Lào. Nhưng điều đáng quý là dẫu không mang một cái họ Trần, Lê, Nguyễn, Phạm… cụ thể nào cả, nhưng những gia đình này vẫn hướng về quê cha đất tổ bằng cả tấm lòng. Họ vẫn ăn Tết Việt theo một cách của riêng mình.

Nàng Thơm và Nàng Phà, hai thiếu nữ Lào gốc Việt chuẩn bị đi chợ Tết.

Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng, Trạm trưởng trạm y tế Thoọng Pẹ chở tôi đi một vòng quanh hai bản Na Pê và Na Hạt thuộc huyện Căm Cớt, tỉnh Bô-ly-khăm-xay. Gọi là bản, nhưng địa thế của các bản khá rộng và tương đương với đơn vị hành chính cấp xã của ta. Không quá khó khăn để tìm được những gia đình có nguồn gốc là người Kinh ở khu vực Cầu Treo – Nước Sốt. Anh Phu Phong, một người Lào gốc Việt rất rành tiếng Việt, vốn từng là bộ đội xăng dầu của Lào được đào tạo ngành Xăng dầu tại Đức Giang, Gia Lâm, Hà Nội, kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện mà ông nội anh truyền lại về nguồn gốc của mình.

Những năm đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp mở khu mỏ khai thác quặng quý trên địa bàn bản Kim Cương, xã Sơn Kim, huyện Hương Sơn ngày nay. Chúng chiêu mộ phu phen là những người nghèo khổ, người nợ tô, thuế ở các vùng quê cùng đám lưu manh thành thị bị bắt bớ về đây làm công nhân khai thác mỏ. Cuộc sống chốn rừng thiêng nước độc khiến cho đám dân phu chết quá nửa, những người khác khiếp hãi nhưng không dám trở lại quê nhà, đành vượt rừng trốn sang bên này từ trước những năm 45 của thế kỷ trước.

Thời điểm ấy, cánh đồng Na Hạt có một khu vực quân Pháp đồn trú, nên những người bỏ trốn phải sống lẫn vào các tộc người khác ở nơi này vì sợ bị bắt lại. Ông nội của Phu Phong là một người trong số ấy. Theo anh Phu Phong, đến đất này, thế hệ những người Việt đầu tiên ấy đã phải chịu biết bao khổ nhục.

Định cư chưa được bao lâu, họ lại phải đối mặt với những nguy hiểm mới. Sau khi Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ, bắt buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương, các nước tham gia hội nghị tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia. Nhưng trên thực tế, Pháp vẫn giữ quyền cai trị tại Lào, nên những người Việt tha hương này một lần nữa phải trốn chui trốn nhủi để không rơi vào vòng truy bức và tàn sát để trả thù của bọn thực dân. Hầu hết họ đều bị bắt và bị hành hình trên giá treo cổ để thị uy cho người Lào thấy oai lực của quân đội Pháp. Số khác may mắn hơn được các gia đình bản địa bao bọc, nhận làm con nuôi.

Để không bị lẫn và đồng hóa cùng các tộc người sinh sống ở nơi này, họ đành phải chọn cách bỏ những cái họ Nguyễn, Trần, Lê... mang theo từ Việt Nam để tránh tai mắt của bọn do thám và cũng ngầm quy định rằng, những ai không mang họ là người Việt mình. Chính vì lẽ đó mà hầu hết những người Lào gốc Việt sống rải rác ở khu vực biên giới khắp tuyến Việt - Lào đều không có họ. Đơn giản, họ chỉ gọi nhau bằng tên như Thào (anh) Giàng, Thào Phử, Thào Hùng; Nàng (chị) Mau, Nàng Lùng, Nàng Hoa...

Đại úy Phạm Hùng Sơn, phiên dịch viên tiếng Lào của đồn Biên phòng cửa khẩu Cầu Treo cho chúng tôi biết, dẫu cuộc sống của những người Lào gốc Việt này có nhiều điểm giống với người Lào, nhưng họ vẫn không từ bỏ những phong tục gốc của mình. Họ vẫn lập bàn thờ gia tiên và đặt ở trên cao, nơi trang trọng nhất trong nhà. Phong tục ở Lào là khi gia đình có người chết, người ta đem đi thiêu rồi đưa tro cốt lên chùa là xong. Ở bên này, các gia đình gốc Việt vẫn chọn cách hung táng rồi cát táng và tổ chức cúng giỗ bố mẹ hàng năm. Họ vẫn dạy con cháu nói tiếng Việt và sinh hoạt gia đình theo tôn ti trật tự của người Việt. Riêng ở huyện Căm Cớt, có thể tìm thấy người Lào gốc Việt sống rải rác ở các bản Na Pê, Na Hạt, Noọng Ó, Lắc Hạ, Lắc Chết, Lắc Xíp Xoỏng, Na Liêng, Thoọng Pẹ.

Riêng bản Na Pê thì gần như 100% đều là người gốc Việt thuộc các dân tộc Kinh, Thái, Thanh (đây là cách gọi một dân tộc của người Lào, chưa có điều kiện tìm hiểu xem là dân tộc nào của nước ta - PV). Nhiều người Lào gốc Việt rất được cộng đồng dân cư nơi đây tôn kính và bầu vào các chức vụ quan trọng của bản. Cá biệt có trường hợp Nàng Khon (bà Khon) được bầu làm Trưởng bản Na Hạt - chức vụ tương đương với Chủ tịch xã của nước ta. Bà Khon là một trong số rất ít những phụ nữ làm trưởng bản trên toàn nước CHDCND Lào.

Ngoài những ngày Tết của người Lào như Tết Pi May (năm mới) thường được tổ chức vào giữa tháng tư dương lịch, họ còn tổ chức đón Tết Nguyên đán theo phong tục Việt vào ngày đầu tiên của năm âm lịch. Cũng rộn ràng làm mứt, đùm bánh chưng, bánh tét và quan trọng hơn cả là dứt khoát không thể thiếu mâm cỗ cúng tổ tiên lúc giao thừa. Trong những ngày Tết Việt, bà con ở các bản thường tụ tập nhau lại để ăn uống và chơi đùa trong suốt một tuần. Ai nấy đều mặc quần áo đẹp để đến thăm nhau. Trẻ con được nhận tiền mừng tuổi. Ở các bản có đông người Kinh thì còn tổ chức dựng cây nêu, cây đu ở bãi đất trống hay tập hợp người vui kéo co, múa sạp. Nước bạn không cấm pháo nên bà con đốt pháo tung trời... Những ngày cuối năm Tân Mão, chúng tôi có mặt ở Na Pê, đã thấy tiếng pháo đì đẹt vang khắp nơi như thể báo rằng, bản chúng tôi sắp đón Tết Việt.

Một góc bản Na Pê, huyện Căm Cớt, Lào.

Ở ngay bản Thoong Pẹ, chúng tôi gặp được Thào Khắt, một ông chủ nhỏ chuyên bán hàng tạp phẩm ngay mặt đường. Thào Khắt là con trai của ông May Mắn. Cái tên May Mắn ấy là do ông cụ tự đặt lại sau khi bị thực dân Pháp đưa lên giá treo cổ nhưng may mắn thoát chết, do ông trưởng bản Na Hương ngày ấy đến nhận là con trai. Thào Khắt có rất nhiều anh em sống ở quanh đây.

Cô em gái ở Lạc Xao lấy chồng người Lào không làm Tết theo phong tục Việt, nhưng ngày tết Việt vẫn làm “bun”, làm “sử” theo phong tục của người Lào để mời gia đình chồng và bạn bè đến chung vui. Vợ của Thào Khắt cũng là người Lào nhưng lấy chồng thì phải theo chồng, giờ chị làm cơm cúng, đùm bánh chưng khéo léo không kém người Việt.

Với vốn tiếng Việt đủ để giao tiếp, anh cho biết gia đình anh vẫn giữ được mối dây liên lạc với người thân ở quê cũ. Năm 2009, do lịch âm của Lào muộn hơn nước ta gần nửa tháng, cả gia đình Thào Khắt đã về làng Chè, Sơn Kim huyện Hương Khê, Hà Tĩnh để nhận họ và ăn Tết tại quê nhà. Anh bảo, người cô ruột họ Nguyễn đấy, nhưng sang đây đã mấy đời không có họ rồi nên cứ mặc thế mà sống thôi. Năm nay cũng muốn về quê nhưng lịch âm của hai nước giống nhau, mình về thì lấy ai cúng con ma bên này nên đành chịu.

Hôm chúng tôi đến nhà anh cũng là ngày giỗ của mẹ anh, vợ anh, chị Sôm Liên bày biện một mâm cỗ cúng có thịt luộc, xôi trắng và vài ba thứ hoa quả hái trong vườn. Thào Khắt cười xuề xòa: “Có chi thì cúng nấy cho hắn, cho con ma ăn thôi”. Tôi thấy anh thắp hương và lầm rầm khấn theo tiếng Lào, bèn hỏi vì sao không khấn bằng tiếng Việt. Anh bảo: “Mình đang ở nước Lào, muốn bố mẹ hắn về ăn cơm cúng của mình thì phải khấn tiếng Lào, có thế người cai quản con ma Lào mới cho phép về mà. Nhưng mình vẫn dạy con cháu mình tiếng Việt, phải nhớ tổ tiên mình là người Việt chứ, Thào Hùng (Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng) nhỉ!”.

Còn lúc này, khi đang ngồi viết những câu chuyện về họ giữa lúc năm mới đã cận kề, tôi vẫn có một cảm giác nao nao thương nhớ những con người đang sống trên một vùng biên cương xa ngái của nước bạn nhưng vẫn nặng lòng với quê theo một cách mộc mạc, giản đơn mà vô cùng đáng quý.

Phạm Vân Anh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ho-van-an-tet-viet/