'Hố tử thần': Rơi vào là chết, Pantsir-S1 Nga đã phải tan xác hàng loạt ở Syria và Libya

Phiên bản xuất khẩu của Pantsir dường như chỉ có duy nhất một hệ thống điều khiển quang học, vì vậy nó đã không được trang bị tốt để đánh trả các UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ.

Đầu tháng 6/2020, kênh truyền thông Defense Express của Ukraine đưa tin ít nhất 23 hệ thống tên lửa - pháo phòng không Pantsir -S1 do Nga chế tạo đã bị các máy bay không người lái (UAV) của Thổ Nhĩ Kỳ phá hủy trong các cuộc xung đột quân sự gần đây ở Syria và Libya.

Trong đó, ít nhất 8 hệ thống Pantsir do Nga sản xuất đã bị tiêu diệt tại Trung Đông còn 15 tổ hợp khác bị phá hủy ở châu Phi. Tổng số hệ thống phòng không Pantsir bị thiệt hại có thể còn lớn hơn con số trên nếu tính cả những phương tiện bị Israel phá hủy ở Syria.

Bình luận về vấn đề này, tờ Krasnaya Zvezda (Sao Đỏ) của Bộ Quốc phòng Nga mới đây cho rằng việc Pantsir-S1 bị phá hủy hàng loạt như vậy ở Syria và Libya có thể là do hệ thống phòng thủ tên lửa này đã rơi vào "hố tử thần" hay “vùng chết” (dead zone).

Theo lý giải của Krasnaya Zvezda, Pantsir đã gặp phải những hạn chế liên quan tới khả năng phát hiện mục tiêu ở cả các trần bay thấp, trung bình và bay cao, đặc biệt khi mục tiêu lại bay ở độ cao thấp nhất với tốc độ nhanh nhất hoặc ở trần bay cao nhất với tốc độ tối đa.

Hệ thống tên lửa - pháo phòng không Pantsir -S1 tại Syria. Ảnh: South Front

Hệ thống tên lửa - pháo phòng không Pantsir -S1 tại Syria. Ảnh: South Front

Tuy nhiên, Krasnaya Zvezda lại vẫn khẳng định Pantsir có thể đối phó được với các UAV trinh sát Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo xét tới tốc độ và phạm vi hoạt động hiệu quả của chúng.

Hồi tháng 6, cũng tờ báo này đã tiết lộ phiên bản xuất khẩu của Pantsir chỉ có duy nhất một hệ thống điều khiển quang học và bởi vậy nó đã không được trang bị tốt để đánh trả các mục tiêu như Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong Chiến dịch Lá chắn Mùa Xuân (OSS) chống lại Quân đội Syria cùng các lực lượng đồng minh do Iran hậu thuẫn, Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng tỏ được năng lực tác chiến bằng máy bay không người lái do nước này tự thiết kế, phát triển và sử dụng. OSS là chiến dịch chứng kiến Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng nhiều nhất các UAV nội địa Anka-S và Bayraktar TB2.

Đầu tháng 3/2020, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng tên lửa thông minh MAM-L phóng đi từ hệ thống UAV ANKA do nhà thầu quốc phòng ROKETSAN chế tạo để phá hủy một tổ hợp Pantsir S-1 được vận chuyển trên một xe tải 8 bánh nhưng khi đó đang ở trạng thái đứng yên.

Hệ thống radar của Pantsir S-1 dường như đã không phát hiện được tên lửa tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc có thể chiếc máy bay không người lái lúc đó hoạt động ở ngoài tầm với của radar.

Anh Tú

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/ho-tu-than-roi-vao-la-chet-pantsir-s1-nga-da-phai-tan-xac-hang-loat-o-syria-va-libya-82020107193228910.htm