Hố tử thần: Do 'tai biến' địa chất?

Gọi là 'hố tử thần' vì nó xảy ra ở nơi tập trung dân cư, kèm theo các sự cố như sập nhà cửa, đổ ô tô, chết người…

Hố tử thần xuất hiện tại Hà Nội.

Hố tử thần xuất hiện tại Hà Nội.

Thực chất thì đó là hiện tượng sụt sập hay sụt lún nền đất, một quá trình địa chất vẫn thường xảy ra trong tự nhiên hay còn gọi là “tai biến” địa chất.

Hay xảy ra ở vùng núi đá vôi

Ở các vùng đá vôi thì luôn luôn có những chỗ mà đá vôi chìm dưới lớp đất phủ. Tính chất đặc biệt của đá vôi (và một số loại đá có thành phần vôi, hoặc các loại đá muối) là dễ bị dòng nước hòa tan, rửa lũa, tạo nên hang hốc.

Những hang hốc này rộng lớn dần và sập đổ cơ học ngày càng chiếm ưu thế so với hòa tan, rửa lũa, càng làm hang hốc rộng lớn thêm. Quá trình hòa tan, rửa lũa, sau kết hợp với sập đổ cơ học tạo thành hang hốc, gọi chung là quá trình karst.

Những nơi đá vôi bị lớp đất phủ che lấp có thể xảy ra quá trình karst ngầm. Đến một lúc nào đó thì khoảng trống bên dưới lớp đất phủ có thể trở thành quá lớn, trần hang có thể trở thành quá mỏng để đỡ được lớp đất phủ bên trên và có thể xảy ra sụt sập một cách tự nhiên hoặc khi có một yếu tố kích hoạt tự nhiên (thí dụ do hạ mực nước ngầm đột ngột) hoặc nhân sinh (thí dụ do khoan khai thác nước) nào đó.

Do vậy phát triển đô thị ở các vùng đá vôi, thí dụ như các thành phố Sơn La, Lai Châu, Lạng Sơn, thậm chí là rìa Tây Nam Hà Nội (khu vực các huyện Mỹ Đức, Quốc Oai…) luôn có nguy cơ phải đối mặt với các hố sụt karst. Ở ven sông, nơi có cấu tạo đan xen luân phiên giữa các tập cát (thoát nước tốt) với các lớp sét (thoát nước kém) lại hay xảy ra hiện tượng sủi đường ống, hay còn gọi là hiện tượng giả karst.

Về mùa khô, đặc biệt là những đợt không mưa kéo dài, nước sông có thể hạ thấp đến mức nước ngầm từ trong bờ chảy ra sông, kéo theo các hạt đất, hạt cát, dần dần tạo nên các khoảng trống dưới mặt đất, hệ quả là cũng tạo nên các hố sụt, có thể gây sập đổ nhà cửa, ruộng vườn.

Thường thì những hố sụt này nhỏ và nông, kích thước chỉ khoảng 1 – 2 m, nhưng chúng khá nhiều, có khi tới vài chục hố liên tiếp nhau trên một khu vực hẹp, gây hoang mang cho người dân, như xảy ra gần đây ở xã Phong Vân, Ba Vì.

Ở các đồng bằng châu thổ sông Hồng hay sông Mê Công thường có nhiều dấu tích của các dòng chảy, ao hồ cổ đã bị bồi lấp bởi lũ lụt hay các hoạt động san lấp nhân sinh khác.

Nền đất ở những nơi đó thường yếu hơn so với các khu vực xung quanh, đặc biệt rất nhiều bùn hữu cơ, dễ hình thành các túi khí mê tan có khả năng gây cháy, nổ. Người ta thường nói về sự tồn tại của các túi bùn, túi khí chính là ở những vị trí như thế.

Các công trình, tuyến cống thi công qua đó dễ xảy ra hiện tượng lún lệch, gây hư hại, sập đổ công trình, gây rò rỉ nước ngầm. Cuối cùng thì các hố sụt đôi khi còn xảy ra bên trên các khu vực khai thác mỏ hầm lò, tạo nên những khoảng trống lớn trong lòng đất.

Có thể hạn chế hố tử thần

Nước luôn luôn là thủ phạm trong các vụ sụt sập, sụt lún nền đất, tạo nên các khoảng trống ngầm trong nền đất. Điều này cũng đúng cả trong trường hợp các hố tử thần ở các đô thị lớn nằm trên nền đất yếu như TPHCM và Hà Nội. Ở đây có một chi tiết đặc biệt đáng lưu ý là các hố tử thần thường xuất hiện dọc theo và bên trên các tuyến cống ngầm.

Dọc theo đó có thể thấy rằng ở rất nhiều đoạn, mặt đường sau khi thi công, mặc dù đã được đầm nén, lu phẳng nhưng sau một thời gian vẫn thấy lồi lõm và sụt sập có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, nhiều khi không hề có dấu hiệu gì báo trước.

Để xảy ra hiện tượng hố tử thần ở các đô thị lớn như TPHCM và Hà Nội thời gian gần đây, thủ phạm chính vẫn là do con người, ít nhất thì cũng là do hiểu biết không đầy đủ về bản chất nền đất yếu ở những khu vực này, từ đó mà có những giải pháp thi công chưa hợp lý.

Hố tử thần ở các đô thị lớn mặc dù quy mô còn nhỏ, còn nông, thiệt hại chưa lớn lắm nhưng cũng đã đủ làm dư luận quan ngại do xảy ra khá thường xuyên. Đặc biệt, cần gióng lên những hồi chuông cảnh báo rất nghiêm khắc.

Ở TPHCM và Hà Nội đang và sẽ có những dự án tầu điện ngầm, sử dụng không gian ngầm lớn hơn và sâu hơn nhiều lần so với việc đào đắp, thi công các hệ thống cống. Nguy cơ sụt lún, sụt sập nền đất do đó sẽ lớn gấp bội.

Có thể giảm thiểu hố tử thần bằng nhiều cách. Không nên coi nhẹ công tác đào đắp, lắp đặt các hệ thống cống, hệ thống đường ống cấp, thoát nước, đường dây điện, điện thoại cũng như các công trình ngầm khác, mặc dù hiện nay quy mô đào đắp còn nhỏ, còn nông.

Trước khi thi công nên có điều tra, khảo sát kỹ bản chất của nền đất, phân loại và trên cơ sở đó có giải pháp thi công thích hợp đối với từng loại. Việc đào đắp, xây lắp công trình nên tiến hành cẩn thận, đúng quy trình, quy phạm, đủ thời gian, không nên vì các áp lực khác như nhu cầu đi lại hoặc tiến độ mà phải làm gấp, làm vội, dẫn đến làm ẩu. Cũng không vì các áp lực khác mà giảm chất lượng thi công.

Đối với nền đất yếu cần có giải pháp thi công hợp lý, giảm thiểu xáo động, duy trì tối đa nguyên trạng của đất, lựa chọn vật liệu san lấp thích hợp.

Đặc biệt lưu ý đến vấn đề thoát nước (thời gian, tốc độ, thể tích), giảm thiểu lún sụt xảy ra ngay từ và trong quá trình thi công. Nhiều khi để thuận lợi hơn cho công tác thi công mà người ta tháo khô triệt để các hố đào, làm hạ thấp cục bộ mực nước ngầm, gây sụt sập.

Đầm lèn đủ, bảo đảm lớp đất san lấp đạt độ chặt và thể trọng đầm tối đa. Thi công cẩn thận các đoạn nối. Xem xét giải pháp sử dụng lớp nhựa – cao su lót trong các đoạn cống bê tông để giảm số lượng mối nối, tạo thêm độ bền chắc, tránh bị rách vỡ, rò rỉ nước. Xem xét giải pháp xây lắp cống mà không cần đào lộ thiên…

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/ho-tu-than-do-tai-bien-dia-chat-UuBMDsuGR.html