Hồ Trung Dũng: 'Đi dạy tôi đeo hoa tai, mặc quần jean dù trường cấm'

Nam ca sĩ cho biết, hình ảnh của anh trên sâu khấu với hình ảnh người thầy trên giảng đường hoàn toàn đối lập.

Nhắc đến Hồ Trung Dũng, khán giả sẽ nhớ đến một nam ca sĩ có niềm đam mê mãnh liệt với jazz. Trái ngược với hình ảnh cứng nhắc, nghiêm túc trên sân khấu, ngoài đời, Hồ Trung Dũng là chàng trai trẻ trung, năng động.

Anh thừa nhận mình là người không giấu được cảm xúc, có thể cười nói suốt ngày với bạn bè, người thân. Nhưng với công chúng, anh thừa nhận mình khá trầm, nhiều người không hiểu sẽ nhầm tưởng anh rất khó gần.

Hồ Trung Dũng từng là sinh viên khoa Tiếng Đức của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (niên khóa 2000-2004). Từ khi ra trường anh vừa đứng lớp giảng dạy khoa Ngữ văn Đức, đồng thời tham gia ca hát cùng nhóm bè Cadillac.

Với nghệ thuật, Hồ Trung Dũng không vội vã, ồn ào. Anh chỉn chu và cầu toàn trong từng ca từ, nốt nhạc. Có lúc, giọng ca “Hoài niệm” giật mình vì suốt 6 năm qua, anh cùng Võ Thiện Thanh góp nhặt chất liệu từ khắp nẻo đường, ngóc ngách ở Sài Gòn để hoàn thành album “Sài Gòn Feel”, gồm 9 ca khúc quen thuộc như Tình 2000, Xích lô, Quán cóc, Đôi mắt…

Ngày “Sài Gòn Feel” ra mắt, Hồ Trung Dũng mới thở phào nhẹ nhõm. “Ôi mình làm album lâu thế sao?”, anh hài hước.

Hồ Trung Dũng và Võ Thiện Thanh mất 6 năm để hoàn thành album “Sài Gòn Feel".

- Chuyên trị dòng nhạc jazz, cơ duyên nào khiến anh bắt tay với nhạc sĩ Võ Thiện Thanh – tác giả của loạt bản hit nhạc pop, dance…?

- “Sài Gòn Feel” là cảm xúc của hai người đàn ông hát về Sài Gòn, mang một màu sắc hoàn toàn khác từ trước đến nay, khi tôi kết hợp với anh Võ Thiện Thanh. Album mang âm hưởng jazz, không quá sâu lắng, trầm buồn, mà thay vào đó là sự nhộn nhịp, đậm chất thành thị.

Khi nhắc về jazz chắc hẳn mọi người sẽ không nghĩ đến anh Võ Thiện Thanh. Nhưng một lần tôi và anh Thanh cà phê tán gẫu, thì mới phát hiện cả hai rất mê jazz. Sau cuộc nói chuyện, tôi và anh bắt tay thực hiện “Sài Gòn Feel”. Chúng tôi bắt đầu dự án từ năm 2012 và sau 6 năm mới hoàn thành.

Có thể nói đây là album khó tính và cầu toàn. Điều cần nhất là tôi và anh Thanh phải có cảm hứng. Có khoảng thời gian nửa năm, chúng tôi không đụng vào sản phẩm vì không có cảm xúc. Một nửa ca khúc trong album là cover lại các bản hit, còn lại là viết mới. Vì vậy, đây không phải là điều dễ dàng với anh Thanh.

Cả hai có cùng niềm đam mê với jazz.

Cá nhân tôi cũng vậy, có lúc tôi chỉ mất 30 phút để thu âm một bản nhạc pop, kỹ lắm là 3 đến 4 lần… Còn trong album này, ca khúc "Từ khi em đến", tôi mất 5 năm để thu âm hoàn chỉnh.

Có rất nhiều cung bậc cảm xúc trong album, đa phần đều quan sát về thành phố. Từ sự nhộn nhịp, vội vã, ồn ào của mỗi người đến cuộc sống của mỗi ngành nghề khác nhau. Trong mỗi thông điệp đều có sự chiêm nghiệm cuộc sống, chứ không hề hời hợt.

Trong 6 năm, tôi từ 29 tuổi nay đã 35 tuổi. Tôi trải qua nhiều biến động, kể cả khoảng thời gian bị trầm cảm, thất vọng. Song dù có chuyện gì, tôi vẫn giữ được sự hồn nhiên. Chính sự đối lập đó đã mang lại chiều sân cho âm nhạc.

Tôi thấy, đôi khi mình cứ mải mê chạy đi hát, kiếm tiền, thì đến một lúc nào đó mình nhận ra lời ca, tiếng hát của mình đã không còn ý nghĩa. Tôi cũng không lo lắng nếu ca khúc mình thể hiện bị mang ra so sánh với những ca sĩ đã thể hiện và thành công trước đây. Tôi tự tin thì mới quyết định hát.

- Các ca sĩ hiện tại đa số đều phát hành ca khúc, MV… lên các trang nghe nhạc trực tuyến, YouTube… Anh vẫn chọn cách truyền thống là phát hàng dưới dạng CD. Anh có lo lắng đến doanh thu?

- Tôi nghĩ nếu ai cũng sợ, cũng cố chạy theo những gì đang hot thì thị trường âm nhạc sẽ rất chán và một chiều. Tôi biết nếu phát hành album dạng CD thì sẽ bị mọi người bắt bẻ, dèm pha. Song tính tôi từ xưa giờ đã nổi loạn ngầm như vậy rồi. Mọi người hay hỏi tôi nổi loạn kiểu gì khi bất đồng nhất? Hồ Trung Dũng sẽ không bao giờ phát ngôn gây sốc, hay ăn mặc giật gân. Cách nổi loạn của tôi là làm đúng những gì bản thân tin, dù mọi người có nói hiện tại việc đó sẽ là khó. Tôi sẽ kiên định và tin nó sẽ mang lại cho mình những giá trị nhất định.

Bên cạnh những giá trị cốt lõi, tôi vẫn phát hành album của mình qua các kênh trực tuyến, ứng dụng… Đó là cách khuyến khích khán giả nghe có trách nhiệm và hợp thời đại nhất.

- Một thầy giáo lại hoạt động trong showbiz có khiến hình ảnh của anh bị bó buộc?

- Tôi chỉ ngưng dạy 1 năm đầu lúc mới đi hát. Suốt 8 năm qua, tôi vẫn giảng dạy bình thường. Đi dạy là nghề phụ của tôi.

Việc đi hát và giảng dạy là hai con đường thể hiện khác nhau về tôi, nó bổ trợ nhau chứ không hề gây cản trở. Sự chỉn chu và cầu toàn trong âm nhạc không xuất phát vì tôi là thầy. Nếu không phải là thầy thì tôi vẫn như vậy. Đó là con người, tính cách của tôi.

Trên giảng đường, tôi là người thầy nghệ sĩ tính hơn người khác. Tôi mặc đồ thoải mái. Trường có cấm mặc quần jean thì tôi vẫn mặc như thường. Tôi đeo hoa tai đi dạy. Tôi bỏ áo ngoài quần. Đối với tôi tất cả những thứ đó chỉ là bề ngoài, sự nghiêm túc với nghề mới là quan trọng. Còn trang phục miễn là không quá giới hạn là tôi sẽ mặc, không ai có quyền ý kiến, mà nếu có ý kiến thì tôi sẽ không làm nữa.

Thầy giáo Hồ Trung Dũng sẵn sàng phá cách khi đi dạy.

- Ít sử dụng mạng xã hội, không bàn luận các vấn đề nóng xã hội, cũng không xuất hiện nhiều ở các sự kiện giải trí… Có vẻ cuộc sống của anh khá êm đềm giữa một showbiz nhộn nhịp?

- Tôi tự đặt ra cho mình thói quen là không theo dõi những ồn ào diễn ra xung quanh mình, bởi nếu bận tâm đến chúng tôi dễ mất cảm hứng làm nghề.

Mới đây, tôi có đọc chia sẻ của nghệ sĩ người Mỹ nổi tiếng rằng anh ấy rất chán thị trường giải trí vì có nhiều người đi lên bằng việc khoe này, khoe kia, tai tiếng nhiều hơn sự nổi tiếng. Tôi rất đồng cảm với việc đó. Đôi lúc tôi vô tình theo nhiều sự việc gì đó thì cả ngày hôm đó của tôi sẽ không tập trung, không muốn làm gì nữa hết.

Tôi không trách những nghệ sĩ ấy, bởi có cầu mới có cung. Tôi cảm thấy lo lắng về thị hiếu, gu thẩm mỹ của một số người. Nếu là của tất cả mọi người thì tôi đã nghĩ làm.

Có những khán giả họ im lặng, nhưng họ luôn mong muốn có những sản phẩm nghệ thuật chất lượng, thay vì những chiêu trò, đặt tiêu đề ca khúc gây sốc, tục tĩu. Tôi thật sự không thích và không bao giờ làm những điều như vậy. Đó là lý do tôi phải cố gắng làm những thứ mình tin nhiều hơn.

Có nhiều nghệ sĩ cùng dòng nhạc của tôi họ đã ở mức an toàn. Thú thật, dòng nhạc của tôi kiếm tiền tốt từ sự kiện. Sản phẩm sạch, có chuyên môn, văn minh, đạo đức… chỉ cần vậy là tôi có thể kiếm tiền tốt mà không cần làm gì nhiều. Vì vậy, tại sao mọi người không cố gắng hoàn thiện mà cố chạy theo những điều tiêu cực.

Hồ Trung Dũng tin rằng, một ngày không xa, các khán giả sẽ nhìn nhận được giá trị âm nhạc thực thụ, thay vì chạy đua với những trend trên mạng xã hội.

- Anh mất 6 năm để ra một album, trong khi không ít nghệ sĩ chỉ mất vài ngày, thậm chí là 1 ngày đã hoàn thành 1 ca khúc, MV ca nhạc. Anh có thấy sự bất công?

- Tôi nói không trăn trở là nói xạo. Tôi phải tự bình tĩnh lại và nhìn được bản chất của vấn đề. Thị trường hỗn loạn là bề nổi, mặc dù bề nổi đó rất hào nhoáng. Nó càng ồn ào bấy nhiêu thì những người muốn thưởng thức âm nhạc họ sẽ im, tránh xa bấy nhiêu. Nhiệm vụ của tôi phải kéo họ ra trở lại. Hết sóng ồn ào này sẽ đến sóng ồn ào khác, cái mọi người hay bảo đó là trend. Tôi có cố chạy theo họ thì sẽ không bao giờ bằng họ cả, bởi tính cách, bản chất khác nhau.

Âm nhạc là điều khó nói trước được điều gì nhưng tôi tin một lúc nào đó những ồn ào sẽ bão hòa. Không chỉ mình tôi, nhiều nghệ sĩ khác cũng đang hết mình làm cho âm nhạc sống một cách nghiêm túc, tử tế.

- Fan có đồng cảm và đứng về phía anh?

- Tất cả khán giả mến tôi vì thấy tôi không đi theo những cái trend đó. Họ ủng hộ tôi một cách nhẹ nhàng, không ồn ào. Thậm chí có những antifan vào chửi tôi nhưng fan của tôi vẫn không la lối, họ nói gì cũng rất cẩn trọng, không dễ dàng lăng mạ người khác. Nếu có phản ứng, fan của tôi cũng chọn cách văn minh nhất để phản hồi.

Mọi người cứ nghĩ khán giả của tôi đa số là người lớn tuổi. Tuy nhiên, khán giả trẻ của tôi cũng rất nhiều. Từ 13 tuổi đến hơn 60 tuổi. Tôi giữ niềm tin làm những gì mình muốn và làm bằng cách gần gũi nhất. Tôi không khư khư cái riêng của mình vì phải hát cho mọi người nghe. Đừng hiểu lầm người Việt không nghe jazz. Như tôi nói, họ không phải là những người ồn ào, thích lên mạng xã hội chia sẻ.

Nếu có thể hiện tình cảm mến mộ tôi, fan cũng không thể hiện trên Facebook mà chỉ vào inbox. Họ bảo theo dõi tôi mà không like, không bình luận, nhưng luôn luôn mua tất cả sản phẩm của tôi. Và đối tượng khán giả đó rất là lớn.

Tôi vẫn bán đĩa tốt, vẫn đi diễn đều. Nhưng nói bán đĩa lời thì chắc chắn là không. Ít nhất khán giả vẫn trả lại cho tôi được tiền vốn, để tôi có thể sản xuất những sản phẩm khác.

Phan Trai Úc

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/giai-tri/ho-trung-dung-di-day-toi-deo-hoa-tai-mac-quan-jean-du-truong-cam-929930.html