HỖ TRỢ VÀ ĐỒNG HÀNH CÙNG NÔNG DÂN

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, chỉ trong 6 tháng qua, các ngân hàng thương mại đã giải ngân khoảng 36.000 tỷ đồng.

Điều này cho thấy nỗ lực và tinh thần trách nhiệm cao của ngành ngân hàng với ngành kinh tế được coi là nền tảng của Việt Nam. Đây cũng là một tin vui cho ngành nông nghiệp vốn đang gặp nhiều khó khăn, ách tắc từ nguồn lực đầu tư, thiên tai cho tới tìm chỗ đứng trên thị trường.

Hỗ trợ nguồn lực cùng nông dân phát triển sản xuất là rất cần thiết, bởi với xuất phát điểm kinh tế thấp, nông dân khó bứt phá bằng chính nghề nông. Tuy nhiên, điều quan trọng không kém là nông dân vẫn cần sự đồng hành trong quá trình sản xuất. Nếu chỉ hỗ trợ nông dân gia tăng sức sản xuất, việc xuất hiện trở lại tình trạng cung vượt quá cầu về nông sản là điều khó tránh, cả nông dân và cộng đồng sẽ lại vất vả với những cuộc “giải cứu” không ai mong muốn.

Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn

Khẳng định Việt Nam là nền kinh tế thị trường, Nhà nước Việt Nam đã không còn quản lý kinh tế bằng quy hoạch sản phẩm, trong đó có sản phẩm nông nghiệp. Người dân sẽ phải dần quen với việc tự quyết định hướng đi và khả năng thành công của mình. Trong giai đoạn chuyển đổi, nông dân vẫn cần sự đồng hành của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức bằng những cách thức không đi ngược lại quy luật thị trường. Chẳng hạn, các cơ quan quản lý, các tổ chức nghề nghiệp hoặc các đơn vị nghiên cứu có thể giúp nông dân phân tích thị trường, thống kê số liệu nuôi trồng và dự báo sản lượng cung ứng cũng như nhu cầu tiêu dùng, đưa ra những khuyến nghị hữu ích để nông dân quyết định việc đầu tư mở rộng sản xuất sản phẩm này hay chuyển hướng đầu tư sản xuất sản phẩm khác, tránh việc sản xuất ồ ạt một cách tự phát.

Cùng với việc đáp ứng nhu cầu của nông dân, hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch cũng là sự đáp ứng mong mỏi của chính người tiêu dùng với nông sản Việt Nam. Với thu nhập ngày càng cao và hiểu biết ngày càng rộng, người Việt Nam có nhu cầu được tiêu dùng sản phẩm an toàn, chất lượng ngày càng tốt hơn. Vì thế, củng cố niềm tin cho người tiêu dùng bằng cách phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch là cần thiết. Muốn vậy, cần có những giải pháp thiết thực giúp nông dân có liên kết chặt chẽ trong chuỗi sản xuất-chế biến-cung ứng-kinh doanh-tiêu thụ nông sản. Có như thế, người tiêu dùng mới có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chỉ khi truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, người tiêu dùng mới có thể tin tưởng vào sự an toàn và chất lượng sản phẩm để lựa chọn.

Điều quan trọng hơn cả, nông dân không chỉ cần sự hỗ trợ mà còn cần cả sự đồng hành của chính những ngân hàng thương mại. Khi quyết định mở một hợp đồng tín dụng, mỗi ngân hàng đều có một đội ngũ chuyên gia phân tích kỹ lưỡng về hiệu quả và khả năng thu hồi nợ khi đáo hạn. Bởi vậy, nông dân rất cần sự trợ giúp của đội ngũ chuyên gia để nhận biết hướng đầu tư của mình có hiệu quả hay không thay vì chỉ nhận được sự hỗ trợ ào ào vì thành tích, chỉ tiêu. Sự thận trọng vừa đủ bên cạnh những thủ tục vay vốn không quá khó khiến nông dân dễ nản lòng là cần thiết. Điều đó không chỉ giúp cho ngân hàng không phải đón những khoản nợ xấu mà còn giúp nông dân phát triển sản xuất an toàn, bền vững, qua đó giúp nền kinh tế tránh được những rủi ro từ sự bất ổn nội tại được sản sinh từ chính cơ chế tín dụng vay và trả lãi lâu nay…

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/ho-tro-va-dong-hanh-cung-nong-dan-524186