Hỗ trợ tối đa cho Điện Biên phòng, chống dịch

Khẩn cấp hỗ trợ Điện Biên nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19, ngay trong ngày 6-2 đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai đã về Điện Biên hỗ trợ xây dựng Bệnh viện dã chiến, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ; đồng thời hỗ trợ Điện Biên một máy xét nghiệm RT-PCR, giúp Điện Biên có thêm điều kiện chống dịch trước nguy cơ dịch diễn biến phức tạp.

PGS,TS Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra hệ thống hồi sức, cấp cứu tại bệnh viện dã chiến.

PGS,TS Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra hệ thống hồi sức, cấp cứu tại bệnh viện dã chiến.

Khẩn cấp hỗ trợ Điện Biên nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19, ngay trong ngày 6-2 đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai đã về Điện Biên hỗ trợ xây dựng Bệnh viện dã chiến, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ; đồng thời hỗ trợ Điện Biên một máy xét nghiệm RT-PCR, giúp Điện Biên có thêm điều kiện chống dịch trước nguy cơ dịch diễn biến phức tạp.

Sáng ngày 7-2, tại Trung tâm Y tế TP Điện Biên Phủ, UBND tỉnh Điện Biên, Bộ Y tế phối hợp tổ chức công bố Quyết định đưa bệnh viện dã chiến đi vào hoạt động. Dù đã có thông tin thành lập bệnh viện dã chiến nhưng người dân Điện Biên vẫn vô cùng ngạc nhiên, khâm phục tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm của đội ngũ chuyên môn. Bởi đây là lần đầu tiên người Điện Biên chứng kiến một bệnh viện dã chiến quy mô 300 giường đã hoàn thành trong thời gian chưa đầy một ngày. Bắt đầu từ 14 giờ ngày 6-2 vậy mà đến 5 giờ sáng ngày 7-2, đã hoàn thành lắp đặt các thiết bị phục vụ bệnh viện.

Phát biểu tại lễ công bố quyết định đưa bệnh viện dã chiến vào hoạt động, PGS,TS Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: Từ 2 giờ chiều ngày 6-2 chúng tôi bắt tay thiết lập hệ thống bệnh viện dã chiến, đặc biệt là thiết lập hệ thống hồi sức cấp cứu cho bệnh viện dã chiến với trang thiết bị đa số vận chuyển từ Hà Nội lên bằng đường bộ. Đội ngũ kỹ sư của chúng tôi phải làm xuyên đêm và đến giờ đơn vị hồi sức cấp cứu (đơn vị quan trọng nhất của bệnh viện dã chiến) cơ bản hoàn thiện với tổng số 16 giường đủ hệ thống oxy, bồn khí nén… “Khi chúng ta ở đây dự lễ công bố đưa Bệnh viện dã chiến vào hoạt động thì đội ngũ kỹ sư của chúng tôi đang chìm sâu trong giấc ngủ, vì họ làm việc suốt hơn 10 giờ đồng hồ xuyên đêm từ chiều qua đến bây giờ” – PGS,TS Đào Xuân Cơ nói thêm.

Ngoài khối lượng việc khổng lồ là vận chuyển máy móc, trang thiết bị từ Hà Nội lên Điện Biên bằng đường bộ để lắp đặt bệnh viện dã chiến, ngay trong chiều 6-2 và sáng nay (7-2), Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hơn 100 cán bộ, y, bác sĩ thuộc các cơ sở y tế tại Điện Biên giúp đội ngũ này có thể sử dụng thành thạo hệ thống trang thiết bị hiện đại mới được trang bị trong tình huống khẩn cấp. Quá trình đào tạo, bồi dưỡng, các chuyên gia của đoàn công tác chia thành các tổ, nhóm riêng biệt để hướng dẫn trên cơ sở lý thuyết và tổ chức thực hành theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”.

Tại buổi tập huấn nghiệp vụ chiều 6-2, các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai đã chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi với đội ngũ cán bộ y tế tỉnh Điện Biên những nội dung trọng tâm trong công tác: Chẩn đoán và điều trị Covid-19; các nguyên tắc phòng và kiểm soát nhiễm trùng có nguy cơ gây dịch trong các cơ sở khám, chữa bệnh; những yếu tố trong chuỗi lây truyền nhiễm gây dịch.

Bên cạnh đó, các chuyên gia còn chia sẻ những kinh nghiệm trong việc tổ chức hoạt động sàng lọc, phân luồng, cách ly người bệnh nghi nhiễm; thực hiện tốt quy trình vệ sinh tay, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân tại khu vực thăm khám, điều trị; bảo vệ nhân viên y tế và các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2.

Tiếp nhận kiến nghị của Sở Y tế Điện Biên về khó khăn trong xét nghiệm vì toàn tỉnh chỉ có một máy xét nghiệm đã hoạt động tối đa công suất mà không đáp ứng nhu cầu, cũng ngay trong chiều 6-2, Bộ Y tế đã hỗ trợ Điện Biên một máy xét nghiệm RT-PCR, với công suất 500 mẫu/ngày. Như vậy, với việc có thêm một máy xét nghiệm RT-PCR, Trung tâm Phòng chống bệnh tật tỉnh Điện Biên đã phần nào yên tâm hơn. Bởi ngoài một máy hiện có, Trung tâm đã có thêm một máy, nâng tổng số máy xét nghiệm hiện có lên hai máy.

Về phía UBND tỉnh Điện Biên, cũng quyết định bổ sung ngay 1,2 tỷ đồng cho Sở Y tế mua sắm vật tư, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Ông Phạm Giang Nam, Giám đốc Sở Y tế Điện Biên, cho biết: Với nguồn kinh phí được bổ sung, ngành sẽ mua thêm dung dịch sát khuẩn rửa tay nhanh (có chứa cồn), bộ quần áo liền phòng chống dịch, bơm tiêm vô trùng, que lấy dịch họng, ống nghiệm chống đông EDTA, hóa chất cho Reatime PCR… phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Hiện trên địa bàn tỉnh Điện Biên chỉ còn hơn 16.800 bộ trang phục phòng, chống dịch; 743.800 chiếc khẩu trang y tế; trên 10.800 chiếc khẩu trang N95; 6.518 chai dung dịch sát khuẩn tay nhanh loại 500ml; 8.332kg Cloramin B. Lượng tồn vật tư, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 ước thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp Realtime PCR được 850 mẫu hoặc 3.000 mẫu (nếu gộp mẫu 90% và không gộp mẫu 10%).

LÊ LAN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/ho-tro-toi-da-cho-dien-bien-phong-chong-dich-634796/