Hỗ trợ tối đa cho các nhà máy điện mặt trời phát điện vận hành thương mại

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị trực thuộc đang tập trung hỗ trợ tối đa cho các nhà máy điện mặt trời để các dự án này có thể 'cán đích' đúng tiến độ và được hưởng giá ưu đãi theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ban hành Quy trình thử nghiệm, công nhận Ngày vận hành thương mại (COD) mới

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư điện mặt trời trong việc đưa các nhà máy đi vào vận hành thương mại trước 31/12/202, thời hạn cuối để hưởng giá ưu đãi theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ(giá FIT 2),Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa ban hành Quyết định 1010/QĐ-EVN ngày 10/7/2020 về Quy trình thử nghiệm và công nhận “Ngày vận hành thương mại” cho nhà máy điện gió và nhà máy điện mặt trời.

Theo đó, Quy trình này quy định rõ các trình tự, thủ tục, các bước triển khai; trách nhiệm của từng đơn vị trong việc đăng ký thử nghiệm và công nhận ngày vận hành thương mại cho các nhà máy điện mặt trời.

Ông Trần Đăng Khoa, Trưởng Ban Thị trường điện EVN cho biết, năm 2019, EVN cũng đã ban hành Quyết định số 578/QĐ-EVN ngày 10/5/2019 về Quy trình thử nghiệm và công nhận “Ngày vận hành thương mại” cho nhà máy điện gió và nhà máy điện mặt trời. Qua đó quy trình đã được thực hiện thành công trong việc công nhận Ngày vận hành thương mại (COD) cho 86 nhà máy điện mặt trời đi vào vận hành trước ngày 30/6/2019 trong một thời gian ngắn bảo đảm an toàn và theo đúng quy định pháp luật, một sự kiện chưa từng có trong lịch sử hệ thống điện Việt Nam.

Các dự án điện mặt trời đang đẩy nhanh tiến độ cán đích để có thể được hưởng giá ưu đãi theo Quyết định số 13/2020/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: VGP

Các dự án điện mặt trời đang đẩy nhanh tiến độ cán đích để có thể được hưởng giá ưu đãi theo Quyết định số 13/2020/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: VGP

Tuy nhiên, Quyết định 578 gắn liền với Quyết định số 11/2017-QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam hiện đã hết hiệu lực kể từ thời điểm sau ngày 30/6/2019.

Trong bối cảnh thời gian từ nay đến cuối năm 2020 không còn nhiều, EVN đã chủ động và sớm ban hành Quyết định số 1010 thay thế Quyết định 578 để các nhà máy có thể nắm rõ và triển khai các quy trình thử nghiệm và công nhận “Ngày vận hành thương mại”.

Theo Quyết định 1010/QĐ-EVN, để đăng ký thử nghiệm COD, đơn vị phát điện phải hoàn thành ghép nối SCADA của nhà máy điện trước ngày tiến hành thử nghiệm; không muộn hơn 20 ngày làm việc trước ngày tiến hành thử nghiệm công nhận COD.

Cùng với đó, đơn vị phát điện có trách nhiệm gửi cấp điều độ có quyền điều khiển và Công ty Mua bán điện chương trình chạy thử nghiệm nhà máy điện; không muộn hơn 3 ngày làm việc trước ngày dự kiến bắt đầu chạy thử nghiệm, nghiệm thu, đơn vị phát điện đăng ký chính thức lịch chạy thử nghiệm, nghiệm thu với cấp điều độ có quyền điều khiển.

Cũng theo Quyết định này, trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đăng ký lịch chạy thử nghiệm, nghiệm thu, cấp điều độ có quyền điều khiển có trách nhiệm giải quyết và gửi phiếu đăng ký công tác thử nghiệm, nghiệm thu đã được giải quyết tới đơn vị phát điện.

Cấp điều độ cũng có quyền thay đổi kế hoạch thử nghiệm để bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia và phù hợp với các yêu cầu thử nghiệm, nhưng phải thông báo cho đơn vị phát điện…

Nội dung của Quy trình đã được thông tin cụ thể tới từng chủ đầu tư thông qua nhiều cuộc họp với các chủ đầu tư với mục tiêu EVN sẽ phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, lên kế hoạch thử nghiệm hợp lý để phân bổ tối ưu thời gian và nguồn lực, đáp ứng tối đa các yêu cầu của các chủ đầu tư.

Bên cạnh việc ban hành quy trình, EVN cho biết cũng sẽ huy động nguồn lực, nhân lực tiến hành thực hiện thử nghiệm, công nhận COD từng phần hoặc toàn bộ nhà máy cho các chủ đầu tư. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả các hạng mục, chủ đầu đầu tư cần đăng ký thử nghiệm sớm để Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia chủ động bố trí thời gian, nhân lực tiến hành thử nghiệm đóng điện lần đầu và thử nghiệm COD cho các nhà máy.

Hỗ trợ tối đa chủ đầu tư trong quá trình triển khai các quy trình, thủ tục

Nhằm giảm thiểu các bước trung gian, EVN và các đơn vị như Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, Công ty Mua bán điện… đã tích cực ứng dụng CNTT trong công tác triển khai các quy trình, thủ tục.

Điển hình, EVN đã thực hiện tiếp nhận hồ sơ đăng kí COD của các chủ đầu tư thông qua website http://ppa.evn.com.vn. Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cũng đưa vào vận hành Cổng dịch vụ trực tuyến phục vụ gửi hồ sơ đăng ký đóng điện lần đầu với các dự án năng lượng tái tạo.

Các ứng dụng này đều được các đơn vị thực hiện trên nền tảng số hóa, giảm thiểu tối đa các thủ tục cũng như thời gian đi lại cho các chủ đầu tư.

Các đơn vị trực thuộc EVN còn tạo các nhóm trao đổi qua ứng dụng Viber với các chủ đầu tư, sẵn sàng hỗ trợ, trả lời các câu hỏi, vướng mắc của chủ đầu tư 24/24 giờ.

Với các nhà máy đã đi vào vận hành, việc phân bổ công suất cũng được EVN và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia bảo đảm tính công khai, minh bạch và công bằng; tận dụng tối đa khả năng tải của các đường dây, ưu tiên các nhà máy điện năng lượng tái tạo, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại của các chủ đầu tư.

Các chủ đầu tư đánh giá cao sự hỗ trợ của EVN trong quá trình triển khai quy trình, thủ tục các dự án điện mặt trời để có thể đi vào vận hành thương mại. Ảnh: VGP

Những nỗ lực của EVN và các đơn vị trực thuộc trong quá trình suốt từ đầu năm 2019 đến nay đã được các chủ đầu tư đánh giá cao. Ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Trung tâm Điều khiển Nhà máy điện mặt trời Solar Park 1, 2, 3, 4 (Long An) cho biết, thời gian qua, Solar Park đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ EVN cũng như các đơn vị như Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Nam, Công ty Mua bán điện, Tổng công ty Điện lực miền Nam trong việc đưa 2 nhà máy Solar Park 1, 2 đi vào vận hành thương mại từ tháng 6/2019.

Hiện 2 nhà máy còn lại cũng đang nhận được sự hỗ trợ tích cực, để COD trong tháng 7/2020.

Theo ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc EVN, từ nay đến cuối năm 2020, còn khoảng 36 nhà máy điện sẽ đóng điện, đi vào vận hành thương mại. Tuy số lượng các nhà máy không nhiều nhưng sẽ tập trung đóng điện vào thời điểm cuối năm.

Để quá trình thử nghiệm, đóng điện đưa vào vận hành được thuận lợi, EVN và các đơn vị trực thuộc bố trí nhân lực hỗ trợ tối đa các chủ đầu tư trong quá trình triển khai các quy trình, thủ tục.

Toàn Thắng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doanh-nghiep/ho-tro-toi-da-cho-cac-nha-may-dien-mat-troi-phat-dien-van-hanh-thuong-mai/401252.vgp