Hỗ trợ tối đa 1,9 tỷ đồng/sáng kiến tiếp cận công lý cho đối tượng yếu thế

'Quỹ Thúc đẩy sáng kiến tư pháp sẽ dành khoản hỗ trợ trong khoảng 50-75 nghìn euro (tương đương 1,1 đến 1,9 tỷ đồng) cho mỗi sáng kiến nhằm tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền của người dân. Đặc biệt là các nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo trong lĩnh vực lao động, việc làm và thực thi thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế, giáo dục'.

Đây là thông tin được ông Phạm Quang Tú – PGĐ quốc gia Oxfam tại Việt Nam cho biết tại Hội nghị giới thiệu quỹ JIFF và cung cấp thông tin đợt mời nộp hồ sơ tài trợ lần hai. Chương trình do Tổ chức Oxfam tổ chức ngày 13-12 tại Hà Nội.

Còn nhiều rào cản với đối tượng yếu thế trong tiếp cận công lý

Theo ông Phạm Quang Tú, “Nhiều rào cản về kinh tế, xã hội và văn hóa đang khiến các nhóm yếu thế khó tiếp cận các dịch vụ mà họ được hưởng theo luật”.

“Chúng tôi muốn tìm kiếm các đối tác có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp lý và tư pháp, có cách làm mới, muốn thử nghiệm. Hoặc nhân rộng cách làm đã được chứng minh là hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức, cung cấp dịch vụ pháp lý cho các nhóm dễ bị tổn thương. Qua đó góp phần cải thiện chính sách của Nhà nước trong tiếp cận công lý cho các đối tượng yếu thế, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Phạm Quang Tú nói.

Theo đó, các tổ chức xã hội, trường ĐH, viện nghiên cứu, tổ chức khoa học và công nghệ, cơ quan báo chí được thành lập, hoạt động hợp pháp theo quy định pháp luật của Việt Nam, có kinh nghiệm và hoạt động thích hợp được công nhận trong lĩnh vực pháp luật đều có cơ hội nhận tài trợ.

Trong đợt mời nộp hồ sơ tài trợ lần thứ nhất, Quỹ JIFF đã hỗ trợ tài chính cho 14 đối tác là các tổ chức phát triển cộng đồng, các trung tâm nghiên cứu và một số trường ĐH triển khai các sáng kiến liên quan tới chủ đề bình đẳng giới và gia đình.

Các sáng kiến đợt 1 tập trung vào việc nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, người già, người khuyết tật, phụ nữ nghèo, trẻ em… về bình đẳng giới, bạo lực giới, luật hôn nhân gia đình, khai sinh cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn.

Chia sẻ kết quả triển khai sáng kiến được hỗ trợ ở đợt 1, ông Ngô Văn Hồng – GĐ Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa (CIRD) cho biết: “Nghiên cứu của CIRD cho thấy 30-40% bà con ở các xã nghiên cứu chưa có cơ hội tiếp cận và hiểu biết những vấn đề liên quan tới pháp lý”, “Ngoài việc thiết lập đường dây nóng cho bà con gọi trực tiếp tới luật sư và thiết kế phiên tòa giả định đề bà con có thể đặt mình vào một trường hợp như vậy, CIRD đã thành lập CLB Gia đình và pháp luật tại 5 xã và 15 thôn bản. Chúng tôi đặt mục tiêu nâng cao nhận thức pháp luật và hỗ trợ pháp lý trong các vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình cho hơn 1.000 bà con là người dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình”, ông Ngô Văn Hồng thông tin.

Ông Phạm Quang Tú – PGĐ quốc gia Oxfam tại Việt Nam: “Sáng kiến được hỗ trợ phải đảm bảo mang lại lợi ích cho ít nhất một trong những nhóm người dễ bị tổn thương”. Ảnh: T.Hải

Ông Phạm Quang Tú – PGĐ quốc gia Oxfam tại Việt Nam: “Sáng kiến được hỗ trợ phải đảm bảo mang lại lợi ích cho ít nhất một trong những nhóm người dễ bị tổn thương”. Ảnh: T.Hải

Hỗ trợ 20 sáng kiến ở đợt 2

Ở lần kêu gọi nộp hồ sơ xin tài trợ sáng kiến tư pháp lần thứ 2, dự kiến sẽ có 20 sáng kiến tư pháp được hỗ trợ.

Theo đó, Quỹ JIFF sẽ cấp tài trợ cho các sáng kiến thuộc một hoặc nhiều nội dung gồm: Nâng cao nhận thức và hiểu biết của các nhóm yếu thế, dễ tổn thương về quyền và cách thức thực hiện quyền trong lĩnh vực lao động, việc làm và thực thi thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế, giáo dục đã được khẳng định trong Hiến pháp 2013, Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục 2019, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2008, Luật Trẻ em 2016, các văn bản pháp lý có liên quan….

Tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý và đại diện bào chữa cho các nhóm yếu thế, dễ tổn thương đối với các vấn đề liên quan đến lao động, việc làm và thực thi thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Đóng góp ý kiến, tham gia quá trình xây dựng chính sách liên quan đến tăng cường năng lực thực hiện quyền và tiếp cận công lý trên cơ ở các nghiên cứu đánh giá trong lĩnh vực lao động, việc làm và thực thi thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế, giáo dục trên cơ sở các nghiên cứu đánh giá.

Hỗ trợ các tổ chức hành nghề tư pháp và các tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, có kinh nghiệm và hoạt động thích hợp được công nhận trong lĩnh vực pháp luật để cung cấp thông tin, báo cáo góp phần tăng cường tính liêm chính và minh bạch trong ngành tư pháp liên quan đến xử lý các vấn đề về lao động, việc làm và thực thi thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Các sáng kiến được hỗ trợ phải được thực hiện tại một hoặc nhiều địa phương trong số các tỉnh/ TP gồm: Hòa Bình, Hà Nội, Nghệ An, Quảng Bình, TP HCM và Đồng Tháp. Phải đảm bảo mang lại lợi ích cho ít nhất một trong những nhóm người dễ bị tổn thương: Phụ nữ, trẻ em dưới 18 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo hoặc cận nghèo. Quỹ JIFF cũng khuyến khích các sáng kiến hỗ trợ các nhóm đối tượng hưởng lợi là các nhóm dễ bị tổn thương khác như người khuyết tật, lao động nhập cư, lao động phi chính thức…

Dự kiến với 4 lần tổ chức sẽ có tối đa 64 sáng kiến tư pháp được Quỹ JIFF cấp tài trợ. Qua đó 48 nghìn người sẽ được nâng cao nhận thức về quyền và 32 nghìn người được tiếp cận hỗ trợ pháp lý. Ngoài ra, Quỹ JIFF cũng sẽ triển khai và chia sẻ các nghiên cứu về những vấn đề có liên quan nhằm hỗ trợ các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội nâng cơ hội tiếp cận công lý tới ít nhất là 4,5 triệu người.

Nguyên An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ho-tro-toi-da-19-ty-dongsang-kien-tiep-can-cong-ly-cho-doi-tuong-yeu-the-173464.html