Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phát triển tài nguyên bản địa

Trong 2 ngày 24-25/11, cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019 với chủ đề 'Phát triển tài nguyên bản địa bằng ứng dụng công nghệ' đã diễn ra tại Nhà Văn hóa thanh niên TPHCM. Cuộc thi do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp cùng Ban Thanh niên nông thôn của Trung ương Đoàn tổ chức.

Trao giải cho các thí sinh tham gia Cuộc thi - Ảnh: VGP/Lê Anh

Được triển khai từ tháng 4/2019, cuộc thi “Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thanh niên nông thôn 2019” thu hút đông đảo thanh niên tham gia. Nhiều tỉnh, thành phố đã tổ chức cuộc thi ở cấp tỉnh và lựa chọn ra những dự án tiêu biểu nhất gửi về Ban tổ chức. Trong 3 tháng phát động, Ban tổ chức nhận được 225 dự án từ 48 tỉnh, thành phố trên cả nước. 105 dự án đáp ứng tiêu chí, có tính khả thi được chọn vào vòng bán kết.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh tham gia, vòng bán kết được tổ chức tại 3 miền: Miền Bắc, khu vực ĐBSCL và khu vực Miền Trung-Tây Nguyên. Kết quả, 29 dự án xuất sắc nhất được chọn vào chung kết.

Khác với 4 mùa thi trước, vòng chung kết năm nay có nhiều chương trình đồng hành, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp. Trong các ngày 23 và 24/11, nhiều chuyên đề, hội thảo diễn ra như: Đối thoại cùng quá khứ để hội nhập cùng tương lai; hội thảo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo-xúc tiến thị trường-kết nối cung cầu, giúp các dự án khởi nghiệp kết nối trực tiếp với các siêu thị, hệ thống bán lẻ, chia sẻ kinh nghiệm về tiêu chuẩn để đưa nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới thông qua sàn thương mại điện tử, giao lưu với các dự án từng đoạt giải…

Theo đánh giá từ Hội đồng giám khảo, những dự án góp mặt ở chung kết năm nay đều đã được hiện thực hóa, sản xuất ra sản phẩm, có tính thương mại hóa cao. Sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các đội thi bắt đầu ý thức quan tâm các chứng thực về sản phẩm, thành phần trong sản phẩm thông qua các xét nghiệm, kiểm nghiệm và đã cung cấp cho ban tổ chức.

Điểm mạnh nữa là tinh thần đổi mới sáng tạo được các chủ dự án phát huy. Đây là con đường để các dự án đi tiếp không chỉ trong cuộc thi mà còn xuyên suốt quá trình xây dựng doanh nghiệp, phát triển sản phẩm, dịch vụ.

Ở chung kết năm nay, nhiều chủ dự án đều được đào tạo từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Nông Lâm TPHCM, chuyên ngành quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, kỹ sư sinh học... nên các bạn rất quan tâm đế việc nâng cao chuỗi giá trị tài nguyên bản địa. Hầu hết các dự án đã biết sử dụng nguồn nguyên liệu từ tài nguyên bản địa của quê hương mình. Cộng thêm ứng dụng công nghệ trong chế biến, nuôi trồng nông sản làm gia tăng giá trị nguồn tài nguyên quê hương.

Một dự án khởi nghiệp tham gia cuộc thi trưng bày gian hàng giới thiệu sản phẩm - Ảnh: VGP/Lê Anh

Một dự án khởi nghiệp tham gia cuộc thi trưng bày gian hàng giới thiệu sản phẩm - Ảnh: VGP/Lê Anh

Tiêu biểu như dự án của Nguyễn Ngọc Hương (TPHCM) với dự án bột rau sấy lạnh; Trương Lê Huy Hoàng - sản xuất snack dinh dưỡng cao từ cá da trơn (Đồng Tháp) hay nhóm tác giả Lê Xuân Lâm –Nguyễn Tài Tác với dự án Vibabo - sản phẩm tre thân thiện với môi trường cũng là một dự án độc đáo với lợi thế là các sản phẩm được làm từ tre của vùng quê Thanh Hóa

Hai dự án đến từ Sơn La là phát triển sản phẩm từ dế gắn với tài nguyên bản địa của La Văn Quý và phát triển chuỗi trang trại bò thịt tại các thung lũng ở bản Rừng Thông, huyện Mai Sơn của Giàng A Dạy cũng là những ứng cử viên nặng ký. Trong đó, Giàng A Dạy là thí sinh từng du học ở Israel – cái nôi của nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới.

Sau 2 ngày diễn ra sôi nổi, Ban tổ chức đã chọn ra những dự án xuất sắc nhất để trao giải với giải Nhất thuộc về bạn Nguyễn Ngọc Hương, dự án bột rau sấy lạnh (TPHCM). Hai giải Nhì được trao cho Trương Lê Huy Hoàng, dự án sản xuất snack dinh dưỡng cao từ cá da trơn (Đồng Tháp); Phạm Minh Tiến, dự án mật dừa nước và các sản phẩm có giá trị từ dừa nước (TPHCM)

Ba giải Ba được trao cho Nguyễn Thị Ngọc Như (Bến Tre), dự án son môi dừa với vỏ son gỗ thân thiện môi trườn; Phạm Hồng Sơn (Hưng Yên), dự án FAGO 4.0 Nông dân bứt phá; Giàng A Dạy (Sơn La), phát triển trang trại bò thịt tại bản Rừng Thông, xã Mường Bon, Mai Sơn, Sơn La

Giải Nhất được nhận bằng khen của Trung ương Đoàn; 50 triệu đồng và được hỗ trợ vốn vay tối đa 1 tỷ đồng tiền từ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. 2 giải Nhì được nhận bằng khen của Trung ương Đoàn; 30 triệu đồng/giải, đồng thời hỗ trợ vốn vay tối đa 500 triệu đồng tiền từ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. 3 giải Ba được nhận bằng khen của Trung ương Đoàn; 15 triệu đồng/giải và hỗ trợ vốn vay tối đa 300 triệu đồng tiền từ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. 4 giải khuyến khích được nhận bằng khen của Trung ương Đoàn; 10 triệu đồng/giải và hỗ trợ vốn vay tối đa 200 triệu đồng tiền từ nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm.

Lê Anh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/ho-tro-thanh-nien-khoi-nghiep-phat-trien-tai-nguyen-ban-dia/380876.vgp