Hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số Khmer

Chương trình, đề án và chính sách giảm nghèo được thực hiện đồng bộ, nên hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer trên địa bàn tỉnh An Giang có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đây là điểm tựa, động lực để họ thoát nghèo bền vững.

Hướng dẫn may công nghiệp để hộ dân giảm nghèo bền vững

Hướng dẫn may công nghiệp để hộ dân giảm nghèo bền vững

Ô Lâm là một trong những xã khó khăn của huyện Tri Tôn, với hơn 94% dân số là đồng bào DTTS Khmer. Những năm qua, các cấp, ngành và địa phương triển khai nhiều chương trình hỗ trợ đồng bào giảm nghèo, theo hướng “trao cần câu” và “dạy cách câu”, thay vì “trao con cá” như bấy lâu nay. Mới đây, hộ nghèo, cận nghèo trong xã được Trường Trung cấp Nghề và Đào tạo cán bộ Hợp tác xã (HTX) miền Nam phối hợp Liên minh HTX tỉnh, Hội Nông dân huyện Tri Tôn bàn giao nhiều trang thiết bị phục vụ sản xuất.

Các đơn vị hỗ trợ 15 máy hàn, cắt sắt, 10 máy may công nghiệp, 15 máy phun xịt lúa và 13 máy phun xịt xoài cho 53 hộ nghèo, cận nghèo trong xã. Tổng kinh phí 374 triệu đồng, từ nguồn vốn Tiểu dự án xây dựng mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022, do Trường Trung cấp Nghề và Đào tạo cán bộ HTX miền Nam phụ trách.

Được hỗ trợ máy may công nghiệp, gia đình chị Neáng Si Na (ấp Phước An) vui lắm. Gia đình chị có 6 thành viên, đều là nữ. Để trang trải cuộc sống hàng ngày, chị Si Na phải làm thuê cho các hộ lân cận. Ngoài sinh hoạt, chị còn lo thêm việc học hành cho 3 trẻ nhỏ trong nhà. Được hỗ trợ máy may công nghiệp, học may, chị Si Na có thể làm việc tại công ty may mà không cần đào tạo lại. Đặc biệt, chị có thể mở ngay dịch vụ tại nhà để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Cũng giống như chị Si Na, chị Neáng Sa Rom có hoàn cảnh khó khăn, phải nghỉ học từ lớp 7 để phụ giúp gia đình. Được hỗ trợ máy may và học nghề, chị Neáng Sa Rom vô cùng xúc động. Chị mong muốn, sau khi học nghề, chị sẽ tìm kiếm được công việc ổn định, giúp gia đình vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống.

Vừa qua, 10 hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào DTTS Khmer xã Châu Lăng và An Tức (huyện Tri Tôn) cũng được hỗ trợ sinh kế. Chỉ khác, họ được hỗ trợ máy đánh đường thốt nốt và máy phát điện phục vụ công việc làm đường. Ngoài ra, còn hỗ trợ 6 động cơ xăng, cối trộn bê-tông cho hộ dân tham gia tổ làm hồ.

Những máy móc này giúp bà con giảm sức lao động, nâng cao giá trị sản xuất, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo. Ông Chau Sa (ngụ xã Châu Lăng, được hỗ trợ máy đánh đường thốt nốt) cho biết, gia đình ông làm nghề khoảng 15 năm. Để nấu ra sản phẩm đường hoàn chỉnh, phải trải qua nhiều công đoạn, như: Lấy nước, nấu nước thốt nốt, cuối cùng là đánh đường. Trong đó, công đoạn đánh đường là tốn công nhất, do chỉ sử dụng sức lực đôi tay. Máy móc vừa được hỗ trợ sẽ rút ngắn đáng kể thời gian đánh đường, giảm bớt công sức cho hộ dân ở giai đoạn này. Điều đó đồng nghĩa với việc tăng năng suất và thu nhập cho họ.

Việc hỗ trợ sinh kế cho đồng bào DTTS Khmer không chỉ dừng lại ở hỗ trợ “cần câu” bằng các loại máy móc, thiết bị, mà ngành chuyên môn còn chỉ cho người dân “cách câu cá”, thông qua việc tổ chức lớp dạy nghề. Hiệu quả do các mô hình mang lại giúp không ít người dân cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống.

Được biết, ngoài Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, vừa qua, UBND tỉnh triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn I, năm 2021 - 2025). Mục tiêu nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh và vùng đồng bào DTTS, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững…

Chương trình được triển khai thông qua 10 tiểu dự án, như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch…

ĐỨC TOÀN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ho-tro-sinh-ke-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-khmer-a351929.html