Hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số Khmer

Với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer ở An Giang, cây thốt nốt gắn liền với đời sống của bà con. Nhờ các sản phẩm được chắt lọc từ cây thốt nốt, đặc biệt là phát triển nghề nấu đường thốt nốt đã giúp bà con nơi đây có thêm thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Bên cạnh đó, việc phát triển và xây dựng đường thốt nốt có thương hiệu thì loại đặc sản này sẽ vươn xa, cải thiện đời sống cho đồng bào DTTS Khmer.

Tham gia các lớp tập huấn, nhận hỗ trợ từ dự án đã và đang giúp bà con đưa đặc sản đường thốt nốt Bảy Núi của quê mình vươn xa

Hỗ trợ thiết thực

Ngoài canh tác lúa, hoa màu thì nghề nấu đường thốt nốt đã giúp đồng bào DTTS Khmer ở 2 huyện miền núi Tri Tôn, Tịnh Biên kiếm thêm được nguồn thu nhập, trở thành nghề truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, lâu nay bà con nơi đây vẫn còn sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ, thủ công và bằng kinh nghiệm vốn có từ ông bà truyền lại, nên sản phẩm làm ra chưa nhiều, điều kiện sản xuất chưa đảm bảo nên sản phẩm khi đưa ra thị trường vẫn còn “bấp bênh”. Ngoài ra, do việc chưa xây dựng được thương hiệu nên sản phẩm đường thốt nốt do người dân nơi đây làm ra phụ thuộc vào mức giá mà thương lái đưa ra, bị thương lái “ép giá”. Do vậy, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp Tổ chức Phát triển nguồn nhân lực nông thôn Châu Á (AsiaDHRRA) thực hiện Dự án “Nâng cao lợi ích từ sản xuất và tiêu thụ đường thốt nốt cho đồng bào Khmer nghèo tỉnh An Giang”.

Thời gian thực hiện dự án trong 3 năm, địa điểm thực hiện ở 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, với mục tiêu nhằm nâng cao thu nhập một cách ổn định cho người dân, giữ gìn và phát huy các giá trị của làng nghề truyền thống, khai thác và chế biến sản phẩm đường thốt nốt của đồng bào DTTS Khmer An Giang. Từ đó, nâng cao chất lượng và tăng giá trị sản phẩm, phát huy nghề truyền thống, kỳ vọng tạo việc làm và thu nhập ổn định cho bà con tham gia.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Trưởng ban Điều hành và Quản lý dự án Lê Hùng Cường, qua khảo sát cho thấy đa số các hộ khai thác và chế biến đường thốt nốt ở 2 địa phương đều là đồng bào DTTS Khmer, thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Phần lớn sản phẩm làm ra khi bán đều thông qua thương lái và thường xuyên bị “ép giá”. Sau khi phân tích khảo sát và tổng hợp báo cáo, Ban Điều hành và Quản lý dự án chọn địa bàn xã Tân Lợi (Tịnh Biên), xã Lương Phi, Lê Trì (Tri Tôn) để thực hiện.

Với mục tiêu mở rộng địa bàn, đối tượng hưởng lợi từ dự án sang các xã lân cận; giúp sản phẩm có được đầu ra ổn định, Ban Điều hành và Quản lý dự án đã cho ra mắt điểm dừng chân đầu tiên tại xã Ô Lâm (Tri Tôn). Đây sẽ là đầu mối tiêu thụ sản phẩm của các thành viên dự án tại địa phương, đồng thời là nơi giới thiệu, cung cấp các sản phẩm đường thốt nốt và các sản phẩm từ thốt nốt cho du khách tại địa phương.

Hiệu quả mang lại

Theo Ban Điều hành và Quản lý dự án, sau hơn 3 năm triển khai, đã có 11/10 xã thực hiện, trao 102 máy đánh đường cho các hộ tham gia. Khi bắt đầu tham gia dự án, các hộ dân được tham dự các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất và chế biến đường thốt nốt. Từ đó, có thêm kiến thức về sản xuất sản phẩm đạt chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Bên cạnh đó, khi được nhận hỗ trợ của dự án về máy đánh đường đã giúp các hộ dân giảm được thời gian và công sức khi chế biến đường, ít tốn công hơn trước đây. Vì thời gian trước, khi nấu đường xong phải dùng dụng cụ cầm tay để đánh đường, hiện nay đã được trang bị máy đánh đường bằng motour điện” - ông Cường thông tin.

Với kinh nghiệm sản xuất của nghề truyền thống, cộng thêm được bổ sung kiến thức qua các lớp tập huấn về kỹ thuật, công nghệ mới đã giúp người dân ý thức hơn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo thương thiệu cho sản phẩm do chính mình làm ra. Có thể nói, qua 3 năm thực hiện dự án tại 11 xã của 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân về việc sản xuất ra các sản phẩm từ cây thốt nốt an toàn và chất lượng, đời sống của các hộ dân tham gia dự án từng bước được cải thiện.

Cục Sở hữu trí tuệ công nhận và đang hoàn thiện các hồ sơ hợp pháp cho việc xây dựng và đăng ký nhãn hiệu, logo cho sản phẩm đường thốt nốt Bảy Núi (sản phẩm truyền thống của người Khmer An Giang) là kết quả quan trọng mà dự án đã thực hiện được. Khi được công nhận, đặc sản đường thốt nốt Bảy Núi sẽ càng khẳng định được chất lượng, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn vươn xa ra thị trường quốc tế.

ÁNH NGUYÊN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ho-tro-sinh-ke-cho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-khmer-a278277.html