Hỗ trợ sản xuất cho người dân vùng khó

Để giúp người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất, qua đó, cải thiện đời sống, thoát nghèo và vươn lên làm giàu, các địa phương trong tỉnh đang tập trung đưa các mô hình sản xuất phù hợp, hỗ trợ người dân về vốn đầu tư cũng như kiến thức về KHKT... Nhờ vậy, nhiều mô hình khi đi vào triển khai đã phát huy hiệu quả rõ nét.

Mô hình trồng ổi của gia đình ông Triệu Quý Bảo, thôn Pắc Cáy, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ.

Mô hình trồng ổi của gia đình ông Triệu Quý Bảo, thôn Pắc Cáy, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ.

Tại huyện vùng cao Ba Chẽ, việc phát triển sản xuất, hỗ trợ mô hình chăn nuôi đã được huyện ưu tiên bố trí vốn hàng năm, cơ bản đáp ứng nhu cầu hỗ trợ phát triển sản xuất tại địa phương. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng vốn phân bổ thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn huyện là hơn 21,7 tỷ đồng, thực hiện hỗ trợ 2.229 hộ dân, với 68 mô hình dự án phát triển sản xuất. Việc xây dựng các mô hình này được triển khai gắn với quy hoạch phát triển sản xuất và phát triển các thương hiệu của địa phương (Chương trình OCOP). Cùng với đó, huyện cũng định hướng đồng bộ triển khai hỗ trợ ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ sản xuất tại các xã thuộc Chương trình 135 của huyện.

Nhờ những nỗ lực trên đã thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả nhiều mô hình sản xuất, tạo động lực giúp các hộ dân có điều kiện thoát nghèo bền vững. Ông Triệu Quý Bảo, thôn Pắc Cáy, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ cho biết: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu là sản xuất thâm canh một số loại cây nông nghiệp ngắn ngày nhưng do không biết áp dụng KHKT nên hiệu quả không cao. Từ năm 2019, được sự tư vấn, hỗ trợ vay vốn, giúp đỡ của các cấp chính quyền trong huyện trong việc hỗ trợ mô hình trồng cây ăn quả, gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn, học hỏi thêm, để chuyển đổi mô hình trồng cây nông nghiệp ngắn ngày sang trồng cây cam và ổi để phát triển kinh tế. Hiện gia đình tôi đang trồng hơn 200 gốc ổi và 120 gốc cam. Các loại cây này đều sinh trưởng và phát triển rất tốt. Hiện tại, cây ổi đã được thu hoạch vụ đầu, cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng/vụ. Cây cam, dự kiến sang năm gia đình sẽ được thu hoạch vụ đầu tiên. Với mô hình này tôi tự tin là trong thời gian sớm sẽ được đưa ra khỏi danh sách hộ cận nghèo.

Tương tự, tại huyện Bình Liêu, bằng nhiều hình thức hỗ trợ và triển khai các cơ chế, chính sách giúp các hộ thoát nghèo, cuộc sống của người dân trong huyện đã từng bước được cải thiện, góp phần tích cực vào công cuộc thoát nghèo của địa phương. Tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, huyện đã phê duyệt và thực hiện 10 dự án phát triển sản xuất với tổng kinh phí dự kiến gần 3 tỷ đồng. Hiện nay, nhiều xã đã và đang thực hiện quy trình mua bán con giống và máy móc theo quy định để hỗ trợ mô hình sản xuất cho người dân. Trong đó, xã Đồng Văn là một trong những xã triển khai nhiều mô hình nhất huyện, như: Mô hình chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò; hỗ trợ máy xới làm nông nghiệp...

Nhờ được hỗ trợ vay vốn, gia đình chị Trần Thị Sủi, thôn Ngàn Mèo dưới, xã Lục Hồn đã phát triển mô hình trồng ổi để phát triển kinh tế.

Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu cho biết: Xác định giảm nghèo là một trong những tiêu chí cốt lõi trong phát triển kinh tế và giảm nghèo cho người dân của địa phương, phòng đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ mô hình và triển khai nhiều chương trình sinh kế cho người dân. Trong đó, tập trung vào các mô hình hỗ trợ về vốn vay, tập huấn áp dụng kỹ thuật vào các mô hình phát triển chăn nuôi trâu, bò, gà, nuôi ong, trồng cây ăn quả và hỗ trợ về áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Thông qua các mô hình hỗ trợ, người dân đã có ý thức học hỏi, mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từ 41,36% năm 2016 tới nay chỉ còn 2,42%. Đến nay, tỷ lệ các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhà cứng hóa đạt trên 80%; 100% các xã trên địa bàn huyện đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, huyện cũng ra khỏi diện huyện đặc biệt khó khăn trong năm 2019, hoàn thành Chương trình 135 trước 1 năm so với kế hoạch của tỉnh.

Với những giải pháp quyết liệt từ các ngành, địa phương trong việc hỗ trợ các mô hình sinh kế, giảm nghèo cho người dân vùng khó khăn, đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 0,52%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 1,64%. Hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, trong thời gian tới, các cấp chính quyền và địa phương trong tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án giảm nghèo. Trong đó, sẽ tập trung vào hỗ trợ các mô hình sinh kế; huy động mọi nguồn lực như nguồn vốn, lao động, hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ dạy nghề gắn với tạo việc làm; cung cấp dịch vụ khuyến nông - lâm - ngư miễn phí. Đồng thời, khuyến khích nhà đầu tư phát triển vào nông nghiệp để tạo thêm việc làm mới, phù hợp cho người dân địa phương...

Minh Đức

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202009/ho-tro-san-xuat-cho-nguoi-dan-vung-kho-2500922/