Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp: Triển khai tích cực ở các địa phương

Khảo sát DDCI Quảng Ninh cho thấy, năm 2016 chỉ có 27% doanh nghiệp cho rằng các chương trình hỗ trợ của địa phương là thực chất, thì năm 2018 con số này tăng lên 83%. Năm 2016 chỉ có 44% doanh nghiệp cho rằng đối thoại chính quyền - doanh nghiệp dẫn đến kết quả cụ thể, ba năm sau con số này đã là 91%.

Sản xuất gạch ngói tại Công ty TNHH Xây dựng Thanh Tuyền (TX Đông Triều).

Sản xuất gạch ngói tại Công ty TNHH Xây dựng Thanh Tuyền (TX Đông Triều).

Đáng chú ý, 90% doanh nghiệp cho rằng chính quyền địa phương có kế hoạch cụ thể, tiếp thu và thay đổi sau đối thoại với doanh nghiệp; thái độ công vụ của cán bộ được cải thiện theo chiều hướng tích cực... Kết quả này thể hiện rõ nét nhất trong bảng xếp hạng về chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp khối địa phương năm 2018, TP Cẩm Phả xếp thứ nhất với 8,97 điểm. Kế đến là TP Móng Cái 8,69 điểm và huyện Hoành Bồ 8,61 điểm. Trung bình của nhóm dẫn đầu đạt trên 8,7 điểm, vượt xa trung bình của nhóm này năm 2017. Nhóm tiếp theo bao gồm các huyện: Đầm Hà, TX Quảng Yên, TP Hạ Long, huyện Vân Đồn đều có điểm số cao với trung bình khoảng 8 điểm. Các địa phương thứ 3 bao gồm: Cô Tô, Ba Chẽ, Hải Hà và Uông Bí cũng đạt mức điểm cao với khoảng 7-8 điểm, vượt điểm trung bình nhóm dẫn đầu năm 2017. 3 địa phương xếp cuối là: Bình Liêu, Đông Triều và Tiên Yên.

Cộng đồng doanh nghiệp đã đánh giá các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của khối địa phương thực chất và có ý nghĩa với hoạt động đầu tư kinh doanh của họ. Xét về mức độ cải thiện so với năm 2017, ba địa phương là Ba Chẽ, Hoành Bồ và Cẩm Phả có mức cải thiện cao nhất với xấp xỉ 3 điểm...

Nhìn từ thực tế của TP Cẩm Phả, địa phương được đánh giá cao về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp cho thấy, công tác hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp được chính quyền và Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố phối hợp thực hiện rất tốt. Ông Đào Duy Hảo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cẩm Phả, cho biết: Thành phố đã ký kết chương trình phối hợp công tác với Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cẩm Phả; duy trì làm việc 1 lần/quý với Ban Chấp hành Hiệp hội; thường xuyên tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn. Cẩm Phả cũng phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố xây dựng mô hình Cà phê doanh nhân, duy trì vận hành fanpape DDCI Cẩm Phả - chuyên tiếp nhận thông tin đánh giá ý kiến xã hội, nhằm tiếp thu các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp.

Từ kiến nghị của doanh nghiệp, lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị giải đáp trong thời gian ngắn nhất. Đồng thời, xem xét kỹ các kiến nghị vượt thẩm quyền để kịp thời đề xuất cấp trên. Nhiều ý kiến đề xuất của doanh nghiệp được thành phố tập trung tháo gỡ... Để tạo quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, thành phố đã tập trung giải quyết các vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án đang triển khai trên địa bàn.

TP Cẩm Phả tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn.

Với phương châm “Doanh nghiệp hiệu quả, Móng Cái phát triển”, TP Móng Cái luôn đồng hành, quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh và phát triển. Ông Đặng Duy Quân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Móng Cái, nhận xét: Cộng đồng doanh nghiệp Móng Cái luôn nhận được sự quan tâm đồng hành của thành phố và các cấp, ngành. Các chính sách của Nhà nước liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp đều được cập nhật thường xuyên và minh bạch. Với tinh thần “Thành phố tháo gỡ - Doanh nghiệp cởi mở”, các hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp được doanh nghiệp chúng tôi rất tin tưởng và trông đợi. Đặc biệt, thành phố tập trung thực hiện nhiều giải pháp xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả. Riêng năm 2018, TP Móng Cái đã hỗ trợ phát triển thành lập mới 158 doanh nghiệp (vượt 32% chỉ tiêu nghị quyết HĐND thành phố đề ra); nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn hiện nay là 1.044 doanh nghiệp.

Có thể thấy, sự sát cánh của chính quyền địa phương chính là động lực để cộng đồng doanh nghiệp Quảng Ninh nỗ lực vượt khó, ổn định sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Cũng nhờ đó, năm 2018, các doanh nghiệp đã đóng góp tích cực cho ngân sách địa phương. Đặc biệt, lần đầu tiên Quảng Ninh thu ngân sách kỷ lục với tổng thu gần 40.548 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 30.530 tỷ đồng. Hiện các doanh nghiệp đang đóng góp từ 53-57% tổng số thu nội địa cho tỉnh.

Thanh Hằng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201902/ho-tro-phat-trien-doanh-nghiep-trien-khai-tich-cuc-o-cac-dia-phuong-2424679/