Hỗ trợ nông dân tiếp cận KHKT

Nhằm giúp nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật (KHKT), áp dụng vào sản xuất nông nghiệp, những năm qua, các cấp Hội nông dân (HND) trong tỉnh đã không ngừng hỗ trợ, tổ chức dịch vụ, tư vấn, chuyển giao những kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho nông dân. Qua đó, nhiều nông hộ đã áp dụng thành công vào sản xuất, nâng cao thu nhập.

Mô hình trồng bưởi Diễn của ông Nguyễn Văn Hạnh (thôn Đồng Ý, xã Việt Dân, TX Đông Triều).

Mô hình trồng bưởi Diễn của ông Nguyễn Văn Hạnh (thôn Đồng Ý, xã Việt Dân, TX Đông Triều).

Anh Ngô Xuân Hải (phường Việt Hưng, TP Hạ Long), được biết đến là một chủ trang trại hoa có tiếng trên địa bàn TP Hạ Long với hàng nghìn cây hoa hồng quý, hoa dạ yến thảo, hoa đồng tiền các loại... Từ trang trại hoa, sau nhiều năm, anh Hải đã mở rộng quy mô, xây dựng thành điểm tham quan, du lịch sinh thái phục vụ du khách. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh Hải thu về trên 1 tỷ đồng từ mô hình này. Để có được thành quả như ngày hôm nay, ngoài niềm đam mê trồng hoa, đầu óc kinh doanh nhạy bén, anh Hải cũng được các cấp HND của phường Việt Hưng hỗ trợ, tạo điều kiện tham gia học hỏi, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa. Anh Hải chia sẻ: Qua các hội nghị, khóa tập huấn như vậy, tôi đã trang bị thêm cho mình nhiều kiến thức để áp dụng vào mô hình của mình. Nhờ đó, trang trại hoa của tôi luôn phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều người tin tưởng.

Hay như anh Trương Thế Đô (thôn Làng Y, xã Đại Bình, huyện Đầm Hà), được sự hỗ trợ từ vốn vay của HND và tham gia tập huấn chuyển giao KHKT về kinh tế trang trại, anh Đô đã mạnh dạn đầu tư nuôi ngan sao, trồng cam, bưởi, dưa lưới. Sau hơn 3 năm, kinh tế gia đình anh ngày càng được nâng lên, trở thành hộ khá giả trong vùng. Mới đây, được sự hướng dẫn của HND huyện, anh tiếp tục nghiên cứu và triển khai thêm mô hình trồng măng tây với diện tích canh tác khoảng 3.000m2.

HND phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả) tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp.

Trong 10 năm qua, HND các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động phối hợp với các đơn vị tổ chức gần 3.000 lớp tập huấn, chuyển giao KHKT cho 104.300 lượt hội viên, nông dân. Đồng thời, xây dựng mới được gần 200 mô hình sản xuất có ứng dụng kỹ thuật canh tác, công nghệ tiên tiến vào trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp. Tiêu biểu như: Phối hợp với Sở KH&CN tổ chức hội thảo giới thiệu chế phẩm sinh học dạng bào tử bền nhiệt trong chăn nuôi; công nghệ bảo quản các sản phẩm thịt, thủy, hải sản bằng sóng điện từ; ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trong trồng trọt và giới thiệu kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn Đài Loan...

Các cấp hội cũng thường xuyên phối hợp với Liên hiệp các hội KHKT tỉnh và một số doanh nghiệp hỗ trợ triển khai mô hình ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi theo phương pháp mới, nhằm tiết kiệm chi phí, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn. Sở NN&PTNT hỗ trợ, hướng dẫn, tập huấn chuyển đổi cơ cấu giống mùa vụ, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn... Đồng thời duy trì liên kết với các nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực nông nghiệp, tổ chức đối thoại, giải đáp về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh; thường xuyên cập nhật, phổ biến, hướng dẫn kiến thức KHKT, kinh nghiệm làm ăn thông qua kênh thông tin của Hội đến hội viên nông dân.

Việc tiếp cận KHKT đã góp phần thay đổi nhận thức của nhiều nông hộ trong sản xuất, giúp họ nắm vững kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư vốn, công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, các cấp HND của tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao KHKT cho nông dân xây dựng các mô hình sản xuất, chế biến nông sản, chăn nuôi, trồng trọt, qua đó giúp nông dân tăng thêm thu nhập, nâng cao cuộc sống.

Yến Vy

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202002/ho-tro-nong-dan-tiep-can-khkt-2472489/