Hỗ trợ nông dân làm các mô hình mới

Định hướng phát triển nông nghiệp đô thị của TP Đà Nẵng tạo việc làm cho hàng ngàn nông dân ở khu vực nội thành sau quy hoạch, giải tỏa, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.

Định hướng phát triển nông nghiệp đô thị của TP Đà Nẵng tạo việc làm cho hàng ngàn nông dân ở khu vực nội thành sau quy hoạch, giải tỏa, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.

Anh Nguyễn Trần Hùng (Q. Hải Châu) bên một chậu la hán tùng.

Anh Nguyễn Trần Hùng (Q. Hải Châu) bên một chậu la hán tùng.

Theo tiến trình đô thị hóa, hầu hết nông dân ở nội thành Đà Nẵng không còn đất sản xuất nông nghiệp. Bà con chuyển sang sinh sống bằng các nghề buôn bán nhỏ, hoặc xin vào làm công nhân, nhân viên bảo vệ trong các công ty, xí nghiệp. Tuy nhiên, khu vực nội thành vẫn còn nhiều nông dân không tìm được việc làm mới, nhất là những người lớn tuổi, không có cơ hội đào tạo chuyển đổi nghề. Từ đó, năm 2010, UBND thành phố đề ra chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị, hỗ trợ nông dân làm các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện đô thị hóa. Hội Nông dân thành phố tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất nấm, trồng hoa, cây cảnh, các loại rau đậu ngắn ngày..., đồng thời hỗ trợ nông dân về vốn, giống, vật liệu sản xuất, chú trọng trợ giúp những hộ đầu tư làm các mô hình mới.

Toàn thành phố có hàng trăm nông dân tiêu biểu trên hành trình phát triển nông nghiệp đô thị. Đơn cử như anh Nguyễn Trần Hùng (P. Thanh Bình, Q. Hải Châu) tận dụng sân thượng trồng các giống cây nhỏ có bộ rễ bám vào xơ dừa và san hô như ngâu, cừa, sanh, bồ đề, bùm sụm... Khi chế tác non bộ, anh đặt các cây ấy vào những vị trí thích hợp, tạo cảnh cây xanh mọc trên núi đá, đáp ứng nhu cầu chơi non bộ của nhiều người. Bền bỉ phấn đấu, phát triển, đến nay, anh Hùng đã có cơ sở sản xuất - kinh doanh non bộ - hoa cảnh tại P. Hòa Cường Nam (Q. Hải Châu). Vừa lấy dây nhôm quấn quanh một cành cây lòa xòa để chỉnh sửa cành cây theo ý muốn, tạo ra chậu cảnh cân phân, anh Hùng vừa chia sẻ: Mình phải nghĩ ra những dáng thế đẹp, có ý nghĩa, phù hợp với phong tục cổ truyền và kiên trì uốn sửa, chăm sóc cho cây xanh tươi, cân đối, bắt mắt thì mới dễ bán. Anh Hùng chỉ vào một chậu cảnh, nói tiếp: Cách đây hai năm, tôi mua cây tùng này giá 18 triệu đồng, đem về sang chậu, chăm sóc, chỉnh sửa cành, bây giờ đã có mấy người trả 100 triệu đồng mà tôi chưa bán...

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tâm ở P. Hòa Minh (Q. Liên Chiểu) sau khi dự tập huấn kỹ thuật sản xuất nấm bào ngư, đã đầu tư làm 3 trại nấm, mỗi ngày làm ra hơn 60kg sản phẩm. Từ sản xuất nấm, bà Tâm đã thoát nghèo và nuôi các con ăn học chu đáo. Bà Tâm hồ hởi bộc bạch: Gia đình tôi được Trung tâm Khuyến Ngư nông lâm thành phố Đà Nẵng và Phòng Kinh tế Q. Liên Chiểu hỗ trợ 1 lò hấp nguyên liệu và 1 máy phun sương nên giảm được nhiều chi phí trong quá trình sản xuất nấm. Còn vợ chồng anh Nguyễn Thành Công và chị Nguyễn Thị Sương (P. Hòa Phát, Q. Cẩm Lệ) kết hợp trồng hoa, cây cảnh với kinh doanh các loại vật tư trồng hoa, cây cảnh, đem lại thu nhập từ 20-30 triệu đồng/tháng. “Gia đình tôi và nhiều hộ làm nghề sinh vật cảnh được thành phố cho mượn khu đất trống trên đường Phạm Hùng (P. Hòa Xuân), nhờ đó, việc sản xuất và bày bán sản phẩm rất thuận lợi”, anh Công chia sẻ...

Bà Nguyễn Thị Tâm (Q. Liên Chiểu) kiểm tra trong trại sản xuất nấm bào ngư.

Được chính quyền và các cơ quan chức năng hỗ trợ, nông dân Đà Nẵng đã vận dụng tốt tiến bộ kỹ thuật, làm nhiều mô hình kinh tế thích hợp với đặc điểm phát triển nông nghiệp trong lòng đô thị như sản xuất rau chuyên canh, sản xuất nấm, trồng rau cải mầm, trồng hoa, nuôi nhím, bồ câu, chim yến. Không ít nông dân đã sản xuất được nấm linh chi - loại nấm có công dụng chữa bệnh với giá bán hơn 1 triệu đồng/kg. Nhiều mô hình nông nghiệp đô thị đạt hiệu quả cao, tiêu biểu như mô hình trồng hoa, cây cảnh của ông Nguyễn Văn Quý ở P. Hòa Cường Nam (Q. Hải Châu), tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động và hơn 30 lao động thời vụ, sản phẩm không chỉ bán tại Đà Nẵng mà còn tiêu thụ ở các địa phương phụ cận. Hay như Hợp tác xã Sản xuất nấm An Hải Đông (Q. Sơn Trà), mỗi tháng xuất trại hơn 1,5 tấn sản phẩm với 100% xã viên có mức sống khá, giàu...

Từ các mô hình nông nghiệp đô thị, Hội Nông dân các cấp ở Đà Nẵng đã thành lập 2 hợp tác xã trồng hoa, cây cảnh, 3 hợp tác xã sản xuất nấm, 5 chi hội sinh vật cảnh, 19 tổ hợp tác các loại hình, với hơn 3.000 lao động có việc làm ổn định. Những tổ chức này tích cực hỗ trợ nông dân về trao đổi kinh nghiệm sản xuất-kinh doanh, cung cấp vật tư và tiêu thụ sản phẩm. Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng Đặng Thị Kim Liên, nông dân Đà Nẵng đã làm được nhiều mô hình có kết quả tốt theo định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo và các chương trình an sinh xã hội của thành phố.

LÊ VĂN THƠM

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_233486_ho-tro-nong-dan-lam-cac-mo-hinh-moi.aspx