Hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế

Hệ thống chính trị xã Thạnh Phú, huyện Cờ Ðỏ, đã tích cực vận động nhân dân thực hiện nhiều mô hình hiệu quả. Ðồng thời, hỗ trợ đoàn viên, hội viên, nhân dân vay vốn phục vụ sản xuất, mua bán... Nhờ đó, số hộ nghèo trên địa bàn xã giảm qua từng năm; riêng năm 2020, xã có 16 hộ thoát nghèo.

Mô hình gia công hạt điều góp phần giải quyết việc làm cho nhiều hội viên phụ nữ tại xã Thạnh Phú.

Mô hình gia công hạt điều góp phần giải quyết việc làm cho nhiều hội viên phụ nữ tại xã Thạnh Phú.

Chúng tôi cùng cán bộ Khối Dân vận, đoàn thể xã tham quan một số mô hình kinh tế hiệu quả cao. Trong đó, có mô hình Tổ hợp tác (THT) nuôi ba ba. Theo ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, nhận thấy mô hình nuôi ba ba hiệu quả cao, có thể nhân rộng, năm 2020, Hội Nông dân xã vận động thành lập THT với 9 thành viên. Anh Nguyễn Thành Lợi, Tổ trưởng THT nuôi ba ba nói: “Các thành viên sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 1 lần chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi. Tôi đã xuất bán 2 đợt ba ba, khoảng 1,5 tấn. Mỗi ký ba ba sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 45.000-50.000 đồng. Tính chung, mỗi năm tôi thu lãi khoảng 60-70 triệu đồng. Các thành viên khác cũng có thu nhập từ 30-40 triệu đồng/năm”.

Hội LHPN nữ xã xây dựng nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: mô hình chăn nuôi heo, mô hình trồng rau xanh, mô hình gia công hạt điều… Các mô hình thu hút hơn 100 chị em hội viên tham gia. Trong đó, mô hình gia công hạt điều đang giải quyết việc làm cho khoảng 50 hội viên phụ nữ của xã. Trung bình mỗi chị có thu nhập 1,5-3 triệu đồng/tháng. Mô hình thành lập từ năm 2017. Chị Nguyễn Thị Thu Hai, ở xã Thạnh Phú, nói: “Trước kia, tôi bán vé số nhưng mới sinh con nhỏ nên nghỉ ở nhà chăm sóc con. Tôi được giới thiệu tham gia mô hình gia công hạt điều, mỗi ngày tôi được trả công 75.000 đồng, công việc ổn định”. Cô Mai Thị Xuyến cũng phấn khởi cho biết: “Các con đã lập gia đình ra riêng, đi làm ăn xa. Tôi đã 70 tuổi, ở nhà vừa giữ cháu vừa gia công hạt điều, kiếm được khoảng 1,5 triệu đồng/tháng.”.

Theo chị Nguyễn Thới Dung, Chủ tịch Hội LHPN xã, bên cạnh mô hình gia công hạt điều, mô hình trồng rau màu cũng được nhiều hội viên phụ nữ chọn thực hiện, trong đó có khoảng 100 chị tận dụng các bờ đất để trồng rau màu, tăng thu nhập; có 10 chị trồng chuyên canh màu, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Ðiển hình như trường hợp của chị Cao Thị Quế, ngụ ấp 6. Chị Quế kể, gia đình có 5 công đất ruộng, trước kia trồng lúa, chỉ đủ ăn chứ không có dư. Khoảng 3 năm nay, chị chuyển sang trồng bầu, bí, cải các loại. Chị cũng được Hội LHPN xã hỗ trợ vay vốn để đầu tư sản xuất. Trung bình mỗi năm chị Quế trồng 3 vụ màu, mỗi vụ sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 10 triệu đồng/công.

Bên cạnh việc vận động nhân dân xây dựng các mô hình làm ăn hiệu quả, cán bộ xã còn tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nhân dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Hiện nay, toàn xã có 44 tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, dư nợ 53 tỉ đồng… Từ đó, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Riêng năm 2020, toàn xã có 16 hộ thoát nghèo. Hiện nay, toàn xã còn 10 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,21%. Ðiển hình như trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Bích Liên (ấp An Thạnh), hộ nghèo do không đất sản xuất. Chị được Hội LHPN hỗ trợ vay vốn 20 triệu đồng để chăn nuôi heo. Chị Liên nói: “Trong thời gian chờ heo lớn, 2 vợ chồng làm thuê để trang trải, nuôi heo xem như bỏ ống, mỗi năm tích lũy khoảng 30-40 triệu đồng. Nhờ chăn nuôi, đến cuối năm 2019, gia đình đã vươn lên thoát nghèo”.

Ông Lê Thành Ðô, Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Chỉ đạo Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ xã Thạnh Phú, cho biết: “Ðảng ủy xã tập trung lãnh đạo ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Ðồng thời, chỉ đạo tổ chức cho đoàn viên, hội viên tham quan thực tế, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để bà con nắm bắt kịp thời và áp dụng vào sản xuất. Nhờ được tạo điều kiện tham quan thực tế, hỗ trợ vay vốn và tập huấn kỹ thuật, đoàn viên, hội viên và bà con thống nhất cao trong lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp với thực tế của gia đình, vươn lên thoát nghèo…”.

Bài, ảnh: ÐỒNG TÂM

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/ho-tro-nhan-dan-phat-trien-kinh-te-a131053.html