Hỗ trợ người nghèo: Không nên tạo cho họ thói quen ỷ lại

Lâu nay chúng ta hỗ trợ cho không người dân quá lâu từ hỗ trợ xóa đói, diệt dốt đến hỗ trợ giảm nghèo và hội nhập. Nó đã trở thành chế độ, tính ỷ lại như một tập quán và đã đến lúc tập quán này phải thay đổi

Thảo luận tại Hội trường ngày 27-10 về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề phát triển nông thôn, làm thế nào để hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên) cho rằng các chính sách được ban hành và tổ chức thực hiện đã tạo điều kiện và thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào, dân tộc thiếu số, miền núi khởi sắc, đời sống người dân khá lên. Nhưng trên thực tế, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn. Nếu đang so sánh cùng bức tranh chung kinh tế - xã hội của đất nước thì thấy rằng việc phấn đấu để nhân dân miền núi tiến kịp với miền xuôi là còn xa.

Đại biểu Lò Thị Luyến

Đại biểu Luyến dẫn chứng các khó khăn của miền núi so với miền xuôi như giáo dục, giao thông, đồng thời đánh giá việc tổ chức thực hiện chính sách, đặc biệt là chính sách hỗ trợ trực tiếp cho không người dân cũng tạo ra mặt trái, đi ngược lại sự kỳ vọng của các nhà quản lý và tính nhân văn của chính sách.

“Một bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ chính sách, không tích cực lao động sản xuất, thiếu ý chí vươn lên mặc dù có sức lao động, có đất sản xuất, có đủ các điều kiện để canh tác, làm ra sản phẩm nhưng không làm vì đã có nhà nước cho không. Khía cạnh này cần được Quốc hội, Chính phủ xem xét và có những giải pháp tổ chức thực hiện chính sách phù hợp, làm sao để khuyến khích được người nghèo cũng vươn lên, người khá giả, người giàu được khích lệ” – đại biểu nhấn mạnh.

Đồng thời đề nghị cần có lộ trình bỏ dần những chính sách hỗ trợ trực tiếp, cho không người dân, chuyển dần sang thực hiện các chính sách hỗ trợ có điều kiện. Chính sách hỗ trợ trực tiếp sẽ chỉ thực hiện đối với các đối tượng là người khuyết tật, những đối tượng mất khả năng lao động.

Còn các đối tượng khác phải thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện để thúc đẩy kinh tế hộ gia đình để người dân mới hình thành ý thức và tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của bản thân mình, xây dựng được ý thức vươn lên, khắc phục được tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào chính sách của nhà nước. Nhà nước chỉ đầ tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông để thúc đẩy giao thương hàng hóa.

Đại biểu Đoàn Văn Việt (Lâm Đồng) cũng cho rằng mục tiêu giảm nghèo bền vững vẫn còn là thách thức đối với quá trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi vẫn còn là lõi nghèo của cả nước. Cơ sở hạ tầng hạn chế, chỉ đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của cuộc sống, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của nền kinh tế.

Khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các nhóm dân cư ngày càng tăng, chúng ta vẫn còn tập trung nhiều vào chiều thu nhập, quan tâm cuộc sống trước mắt, các chiều còn lại góp phần cho giảm nghèo bền vững, nơi này, nơi khác chưa được quan tâm một cách đầy đủ và đúng mức.

Đại biểu Đoàn Văn Việt đề nghị cần xây dựng chính sách giảm nghèo bền vững, thực sự gắn với nhu cầu trong đời sống của người dân ở các vùng miền khác nhau. Đầu tư cho sản xuất, chuyển đổi sinh kế là nhiệm vụ chủ yếu tạo động lực cho hộ nghèo chủ động vươn lên làm ăn, tránh tư tưởng ỷ lại, xóa bỏ suy nghĩ xem đầu tư của nhà nước là của cho nên thiếu trách nhiệm trong quản lý sử dụng.

“Cần xây dựng một chương trình tổng thể, thống nhất đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Chính phủ cần xem đầu tư cho dân tộc thiểu số, miền núi là đầu tư cho phát triển, đưa những vùng này thoát nghèo, có cơ hội vươn lên làm giàu, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế góp phần bảo vệ biên cương của Tổ quốc” - Đại biểu Việt kiến nghị.

Đại biểu Triệu Tài Vinh

Cũng nói về vấn đề này, đại biểu Triệu Tài Vinh (Hà Giang) cho rằng cần đánh giá thực trạng nghèo hiện nay cho đúng hơn, nghèo do thiếu vốn, thiếu khoa học kỹ thuật, thiếu lao động và thiếu sức sản xuất?. Nguyên nhân của thiếu đất và thiếu lao động có nhiều nhưng có một nguyên nhân là do tách hộ. Tách hộ ngoài lý do chính đáng là để thúc đẩy sản xuất thì còn có nguyên nhân là trục lợi chính sách.

“Ông, bà thì có đất nhưng thiếu lao động, con thì có lao động nhưng lại thiếu đất rơi vào hoàn cảnh hai hộ nghèo để thụ hưởng chính sách” – đại biểu Triệu Tài Vinh phân tích, đồng thời nhấn mạnh “hỗ trợ hộ nghèo hiện nay, chúng ta thường nói cho cần câu hay cho con cá. Thực tế chúng ta đã cho nhiều cần câu rồi, vấn đề hiện nay là có cần câu thì câu ở đâu? Như vậy, chúng ta phải tạo ra những môi trường tốt hơn, đó là những ao để nông dân có thể câu được. Theo tôi, cái ao đó là môi trường xung quanh của người nghèo, của nông dân. Chính vì vậy, cần có chính sách cho làm giàu, hỗ trợ cho những hộ khá, lấy họ làm môi trường thúc đẩy hộ nghèo. Lâu nay chúng ta hỗ trợ cho không người dân quá lâu từ hỗ trợ xóa đói, diệt dốt đến hỗ trợ giảm nghèo và hội nhập. Nó đã trở thành chế độ, tính ỷ lại như một tập quán và đã đến lúc tập quán này phải thay đổi”.

Thu Thủy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/ho-tro-nguoi-ngheo-khong-nen-tao-cho-ho-thoi-quen-y-lai-517079/