Hỗ trợ người dân tái đàn lợn sau dịch bệnh

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang, trên địa bàn tỉnh hiện có 47 xã, thị trấn có dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã qua 30 ngày không phát sinh dịch và 29 xã, phường có DTLCP đã qua 30 ngày nhưng lại tái phát bệnh với tổng số lợn bị tiêu hủy là 5.520 con.

Ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo người dân cẩn trọng trong việc tái đàn lợn vì vi-rút DTLCP vẫn chưa bị khống chế, chưa có vắc-xin phòng bệnh. Ðối với những hộ chăn nuôi tự ý tái đàn, không được sự cho phép của địa phương, không theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành, nếu xảy ra dịch bệnh sẽ không được tỉnh hỗ trợ theo quy định.

Nhận thức rõ việc phải hạn chế tái đàn lợn trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, song các hộ chăn nuôi tại những xã không có DTLCP, tiếp theo là ở các xã đã hết dịch bệnh đang mong muốn được từng bước tái đàn trở lại trên cơ sở bảo đảm sát trùng chuồng trại đúng yêu cầu kỹ thuật trước khi tái đàn. Cụ thể, việc tái đàn có thể thực hiện theo từng giai đoạn như: 30 ngày kể từ khi tiêu hủy đàn lợn hoặc sản phẩm lợn bị nhiễm bệnh và đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với vi-rút DTLCP thì mới nuôi tái đàn với số lượng lớn.

Muốn làm được như vậy, các hộ chăn nuôi cần được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh hỗ trợ tập huấn quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và người dân sẽ cam kết thực hiện theo đúng quy trình. Ðồng thời có chính sách hỗ trợ một phần tài chính để mua con giống chất lượng cao; hỗ trợ thêm vắc- xin tiêm phòng cho lợn nái sinh sản, hỗ trợ xây dựng hầm biogas composite để xử lý chất thải chăn nuôi; đào tạo, tập huấn kiến thức về chăn nuôi lợn an toàn để các hộ chăn nuôi sớm khôi phục đàn lợn, ổn định sản xuất.

HẢI AN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/42110502-ho-tro-nguoi-dan-tai-dan-lon-sau-dich-benh.html