Hỗ trợ nạn nhân của tội phạm mua bán người

Trung bình hằng năm, nước ta có tới 900 người trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, trong đó 92% là phụ nữ và trẻ em. Với chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ (Hội LHPN) các cấp đã và đang có những mô hình tích cực trong công tác phòng, chống mua bán người. Trong đó, kết quả nổi bật là công tác hỗ trợ các nạn nhân trở về tái hòa nhập cộng đồng an toàn và bền vững.

Những mô hình nổi bật

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, từ năm 2012 đến năm 2017, các lực lượng chức năng đã tổ chức giải cứu, tiếp nhận khoảng 7.500 nạn nhân của tội phạm mua bán người. Qua điều tra, rà soát cho thấy, có hơn 90% số nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em. Trong đó, hơn 80% nạn nhân thuộc các dân tộc thiểu số, trình độ học vấn, nhận thức, tiếp cận thông tin ít hơn và có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; hơn 70% số nạn nhân làm nông nghiệp hoặc không có việc làm. Phần lớn nạn nhân nữ khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bóc lột tình dục.

Do phần lớn nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em gái, vì vậy trong nhiều năm qua, các cấp Hội phụ nữ đã triển khai nhiều hoạt động, triển khai nhiều mô hình truyền thông về phòng, chống mua bán người tại cộng đồng như: truyền thông phiên chợ, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ nhóm. Từ những mô hình này, Hội Phụ nữ các cấp đã nhân rộng tại nhiều địa bàn, tạo hiệu quả thiết thực và sâu rộng trên khắp địa bàn trọng điểm.

Tại các tỉnh biên giới, Hội LHPN các tỉnh đều có hoạt động phối hợp, giao lưu với tỉnh bạn, tăng cường truyền thông và quản lý hội viên phụ nữ di cư qua biên giới nhằm phòng, chống mua bán người. Tại các địa bàn nguy cơ, Hội chú trọng xây dựng mô hình phòng, chống mua bán người có hiệu quả tại cộng đồng như: Nhóm tự lực, đội tuyên truyền viên nòng cốt, câu lạc bộ (CLB) nữ chủ nhà trọ, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, trung tâm hỗ trợ phụ nữ tại cộng đồng… Tại 17 tỉnh xây dựng và duy trì sinh hoạt 343 CLB phòng, chống mua bán người với gần mười nghìn thành viên tham gia. Các tổ, nhóm, CLB duy trì sinh hoạt định kỳ, với các chủ đề: Phòng, chống mua bán phụ nữ - trẻ em; Phòng, chống bạo lực gia đình; Tìm hiểu Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình thông qua các hình thức truyền thông trực tiếp, thảo luận, sân khấu hóa. Nhờ vậy, các thành viên CLB không chỉ được cung cấp kiến thức mà còn trở thành các tuyên truyền viên tại địa phương, góp phần cải thiện tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương không rõ nguyên nhân.

Hỗ trợ kinh tế, đẩy lùi rủi ro

Xác định một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn mua bán người là tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm của phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam chỉ đạo các Hội LHPN các tỉnh, thành phố khảo sát nhu cầu, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo các nghề như: Chăn nuôi, trồng trọt, tiểu thủ công nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ sau đào tạo, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho hội viên, phụ nữ có nguy cơ cao, nhất là phụ nữ vùng nông thôn, phụ nữ vùng giải phóng mặt bằng, tái định cư, vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Bên cạnh đó, các cấp hội đẩy mạnh công tác tín chấp, ủy thác với các ngân hàng nhằm hỗ trợ, giúp chị em tiếp cận các nguồn vốn xây dựng các mô hình kinh tế. Thông qua các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế, giải quyết việc làm ổn định cho chị em phụ nữ tại địa phương, hạn chế đáng kể việc phụ nữ bươn chải đi làm ăn xa, tránh nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Thực tế chứng minh, Hội Phụ nữ cơ sở chính là những người gần gũi, chia sẻ, nắm bắt tình hình đời sống của chị em và là sợi dây kết nối với các cơ sở hỗ trợ khi nạn nhân tiếp tục cần sự trợ giúp. Chị Bùi Thị Huệ (ở huyện Việt Yên, Bắc Giang) là nạn nhân của tội phạm mua bán người, năm 1999 khi trở về Việt Nam sức khỏe yếu, tâm thần hoảng loạn, kinh tế gia đình khó khăn. Ngay sau khi được tiếp nhận trở về, chị Huệ đã được Hội Phụ nữ tạo điều kiện giúp đỡ cho học lớp khâu nón, cho vay vốn để phát triển kinh tế. Cùng lúc đó, Hội LHPN tỉnh thành lập nhóm Tự lực để chị em bị mua bán trở về có nơi sinh hoạt, chia sẻ. Ðược sự động viên của Hội Phụ nữ, chị Huệ tham gia nhóm. Từ đó, thoát khỏi mặc cảm, chị đã xây dựng gia đình. Năm 2014, gia đình chị Huệ đã thoát nghèo và đạt gia đình văn hóa.

Trường hợp của chị Huệ là một trong hàng nghìn trường hợp nạn nhân mua bán người trở về được các cấp Hội Phụ nữ nâng đỡ. Thông qua 19 trung tâm hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, các cấp hội đã tiếp nhận, tư vấn và chăm sóc sức khỏe cho 405 nạn nhân bị mua bán đến từ 49 tỉnh, thành phố trong cả nước. Nạn nhân sau khi được tiếp nhận vào trung tâm, được tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe, được đi học nghề theo nguyện vọng. Các trung tâm cũng làm thủ tục cho 385 trường hợp hồi gia trở về gia đình, hầu hết chị em sau khi được chữa trị tâm lý, học nghề đã tái hòa nhập cộng đồng tốt, có việc làm ổn định. Các trung tâm cũng đã hỗ trợ vay vốn, thiết bị làm nghề cho 163 nạn nhân trở về sinh sống tại địa phương với số tiền gần 1,1 tỷ đồng. 96 nghìn lượt người nguy cơ cao trở thành nạn nhân bị mua bán đã được tư vấn.

Giai đoạn 2011 - 2016, Hội LHPN Việt Nam vận động các nguồn tài trợ thực hiện thành công mô hình Ngôi nhà bình yên, là nơi tiếp nhận những nạn nhân bị mua bán trở về tại bảy tỉnh, thành phố trên cả nước. Chỉ riêng Ngôi nhà bình yên của Trung tâm phụ nữ và phát triển của Hội LHPN Việt Nam, trong 5 năm (2012-2017), đã có 181 nạn nhân được hỗ trợ, 98 lượt người được học nghề, trong đó 38 người có việc làm ổn định, một số người làm việc tại các khách sạn, nhà hàng có thu nhập tốt, có 10% nạn nhân tự mở cơ sở kinh doanh riêng. Trung tâm đã xem xét hỗ trợ 30 gói phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho 30 nạn nhân dựa trên khả năng của từng người. Với mô hình này, Hội LHPN Việt Nam thể hiện sự vào cuộc và cam kết rất cao trong hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về, góp phần cùng các ban, ngành, xã hội thực hiện đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ theo Luật, xây dựng mô hình tổng thể trong phòng, chống mua bán người ở nước ta.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình mua bán người vẫn có chiều hướng phức tạp, vì vậy Hội LHPN Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người thông qua việc tổ chức các cuộc diễn tập, xử lý tình huống về phòng, chống mua bán người, tổ chức các chiến dịch truyền thông. Ðẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm, các hoạt động hỗ trợ khác giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng. Chú trọng công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý thông qua ký kết các chương trình phối hợp với ngành tư pháp. Tiếp tục kiện toàn, thành lập trung tâm tư vấn, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ kết hôn.

THÁI SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38136802-ho-tro-nan-nhan-cua-toi-pham-mua-ban-nguoi.html