Hỗ trợ liên kết sản xuất nông nghiệp

Liên kết sản xuất đã và đang được nhiều địa phương hưởng ứng tích cực, góp phần mang lại giá trị kinh tế cao, bền vững cho các sản phẩm nông nghiệp.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, hầu hết các địa phương đã ban hành định hướng xây dựng chuỗi sản xuất liên kết đối với các nhóm nông sản, ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng, dần hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa. Một số địa phương cũng xác định được những sản phẩm chủ lực, hình thành những vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao theo mô hình cánh đồng lớn (xoài, bưởi da xanh, sầu riêng ở Ðồng Nai; thanh long ở Bình Thuận, vải thiều ở Bắc Giang; nhãn ở Hưng Yên; cam Cao Phong ở Hòa Bình...).

Có địa phương đã xây dựng được mô hình cây vụ đông có giá trị kinh tế cao, đạt 300 đến 400 triệu đồng/ha và phát triển các mô hình nông thôn mới gắn với sản xuất nông nghiệp sạch theo quy trình chuẩn, hình thành chuỗi liên kết. Ngoài ra, còn có các mô hình làng hoa, làng cây cảnh, làng nghề gắn với du lịch... Hiện cả nước đã có hơn 4.800 sản phẩm đặc sản, dịch vụ gắn với nông nghiệp, nông thôn cấp huyện, xã có lợi thế, trong đó có hơn 1.000 sản phẩm (22,52%) có đăng ký và công bố tiêu chuẩn chất lượng và gần 700 sản phẩm (14,4%) có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Phải nói rằng, liên kết sản xuất có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm hiện nay, khi mà ngành nông nghiệp đang đứng trước sự đan xen giữa cơ hội và thách thức. Nhằm phát huy những lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần đẩy mạnh hơn việc nghiên cứu, đề xuất phát triển và tăng cường các chuỗi nông sản từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Bên cạnh đó, cần sự hỗ trợ, giám sát lẫn nhau giữa các đối tượng tham gia liên kết để thúc đẩy chất lượng và giá trị nông sản, góp phần xây dựng thương hiệu cho các loại hàng hóa nông nghiệp.

Ðể có thể thu hút và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ đang nỗ lực chỉ đạo bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh trong nông nghiệp, thực hiện tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi. Mới đây, nhằm tăng cường hỗ trợ các địa phương sản xuất hàng hóa nông sản, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2018/NÐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, các hình thức hợp tác, liên kết như việc thỏa thuận, tự nguyện cùng đầu tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; liên kết theo chuỗi từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và vùng sản xuất tập trung có quy mô phù hợp với từng loại hình sản xuất và điều kiện của mỗi địa phương, tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường... sẽ được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Cùng với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ khác, Nghị định 98/2018/NÐ-CP là điều kiện thuận lợi để hình thành ổn định và bền vững các chuỗi liên kết trong nông nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ nông sản hàng hóa. Mong rằng, các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai, cụ thể hóa ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn cho các bên tham gia liên kết... để sớm đưa chính sách vào cuộc sống. Qua đó, góp phần hỗ trợ tích cực và hiệu quả cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Vũ Thành

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37307802-ho-tro-lien-ket-san-xuat-nong-nghiep.html