Hỗ trợ lao động di cư tiếp cận dịch vụ việc làm

Lao động di cư ảnh hưởng không nhỏ tới cơ hội học nghề, việc làm bền vững. Hỗ trợ tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ việc làm cho người lao động di cư là việc làm cần thiết.

 Người lao động được nhà tuyển dụng phỏng vấn trực tiếp. Ảnh PV.

Người lao động được nhà tuyển dụng phỏng vấn trực tiếp. Ảnh PV.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), lao động di cư là hiện tượng diễn ra trên toàn thế giới, tác động nhiều tới lợi ích của quốc gia phái cử cũng như tiếp nhận lao động.

Ở Việt Nam, lao động nông thôn di cư ra thành thị và các khu công nghiệp đang là một xu hướng mạnh mẽ, có vai trò rất quan trọng trong quá trình sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, đây cũng là lực lượng lao động dễ bị tổn thương nhất và khó tiếp cận với các chính sách về an sinh xã hội, trong đó có chính sách về việc làm, đặc biệt là lao động nữ.

Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2015 trên cả nước cho thấy, 13,6% dân số là người di cư, trong đó 17,3% người di cư ở độ tuổi lao động từ 15 - 59 tuổi. Những người di cư xuất thân từ nông thôn chiếm tới 79,1% tổng số người di cư.

Sau khi di cư, những người lao động tham gia vào nhiều việc làm thuộc lao động chính thức và cả phi chính thức. Dù vậy, thu nhập của những lao động này cũng không được đảm bảo ổn định. Đồng thời, phần lớn trong số đó không được hưởng những quyền lợi từ các chính sách an sinh xã hội như: Lao động, việc làm, giảm nghèo, BHXH, bảo trợ xã hội hay các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, tiếp cận thông tin...

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả kết nối cung – cầu lao động, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, từ năm 2017, Bộ LĐTBXH đã triển khai Dự án “Phát triển thị trường lao động và việc làm”. Nội dung đáng chú ý của Dự án này là hỗ trợ lao động di cư từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp và lao động vùng miền thông qua các hoạt động cụ thể: Khảo sát tình hình lao động di cư, hỗ trợ lao động di cư tại Trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL).

Kết quả điều tra, khảo sát từ Dự án thể hiện rõ, lao động nông thôn và lao động vùng biên di cư thường là những lao động trẻ tuổi độ tuổi từ 18 – 35; tỷ lệ nữ giới chiếm khoảng 60%, tỷ lệ nam khoảng 40%. Các lao động di cư chủ yếu đều nhằm mục đích tìm kiếm cho mình một công việc có thể mang lại thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, thực tế khoảng 65% lao động di cư không có chuyên môn kỹ thuật, công việc của lao động di cư trình độ thấp chủ yếu là những công việc chân tay, không ổn định, môi trường làm việc độc hại, nguy hiểm... Bên cạnh đó, lao động di cư làm nghề tự do thường không có hợp đồng lao động, không tham gia BHXH, BHYT… dẫn tới việc quản lý việc làm của lao động di cư trở nên khó khăn hơn.

Theo đó, với Dự án trên, những lao động di cư sẽ được hỗ trợ tư vấn, cung cấp thông tin lao động việc làm; tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn các kỹ năng tìm việc, làm việc tại các TTDVVL. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ có khoảng 10.000 lượt người lao động di cư được tư vấn, giới thiệu việc làm; 45-50% số người lao động đến các TTDVVL sẽ được tư vấn việc làm và học nghề để 70% trong số đó có kết nối việc làm thành công.

Thực tế cho thấy, hơn 30 năm qua, hoạt động của các hệ thống TTDVVL đã phát huy được vai trò trong kết nối giữa người lao động và người sử dụng lao động, rú ngắn thời gian tìm việc và tuyển dụng của hai bên. Đồng thời, góp phần triển khai và giải quyết các vấn đề liên quan đến các chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đẩy mạnh giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp và cải thiện đời sống của người lao động.

Thời gian tới, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thị trường lao động Việt Nam sẽ có nhiều thách thức mới; mức độ rủi ro về việc làm ở nhóm lao động có trình độ và kỹ thấp, lao động nữ, lao động trung niên và cao tuổi có khả năng tăng lên. Tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ việc làm đối với người lao động, đặc biệt là lao động di dư là việc làm cần thiết.

Trần Kiều

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/ho-tro-lao-dong-di-cu-tiep-can-dich-vu-viec-lam-736621.ldo