Hỗ trợ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

Những tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh kinh tế, tài chính thế giới biến động nhanh, phức tạp do tác động của dịch bệnh Covid-19, tâm lý trên thị trường nước ta có thời điểm bị tác động tiêu cực.

Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động, kết hợp với các giải pháp điều tiết thanh khoản hợp lý, chủ động truyền thông, điều chỉnh giảm tỷ giá bán can thiệp và sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Lạm phát bình quân dưới 4%

Theo NHNN Việt Nam, trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, tỷ giá và thị trường ngoại tệ về cơ bản ổn định, tâm lý thị trường không xáo trộn, nhất là cân đối cung, cầu vẫn khá thuận lợi, thanh khoản thông suốt. Như vậy, việc điều hành tỷ giá chủ động và linh hoạt đã góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, nâng cao vị thế đồng Việt Nam, giảm tâm lý đầu cơ găm giữ ngoại tệ, góp phần ổn định vĩ mô; đồng thời, khuyến khích người dân bán ngoại tệ cho hệ thống ngân hàng, tạo nguồn cung tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, góp phần giảm dần tình trạng đô la hóa, chuyển hóa nguồn ngoại tệ thành nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Tỷ giá trung tâm các năm 2016-2019 và đến ngày 28-9-2020 lần lượt tăng 1,23%; 1,2%; 1,78%; 1,45% và 0,31% so với cuối năm trước; tỷ giá bình quân liên ngân hàng lần lượt tăng 1,2%; giảm 0,25%; tăng 2,16%; giảm 0,12% và tăng 0,08% so với cuối năm trước. Đồng Việt Nam ổn định hơn nhiều so với đồng tiền của các đối tác thương mại.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp trong điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa giữa NHNN Việt Nam và Bộ Tài chính đã được triển khai đồng bộ, chặt chẽ từ cấp lãnh đạo đến các cấp tham mưu; qua đó giúp ổn định giá trị đồng tiền, hỗ trợ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời, góp phần hỗ trợ công tác phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP), nâng cao hiệu quả quản lý ngân quỹ nhà nước. Trong đó, NHNN Việt Nam đã điều hành giữ mặt bằng lãi suất ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành TPCP với kỳ hạn dài hơn và lãi suất thấp hơn giúp làm giảm chi phí huy động vốn cho ngân sách nhà nước. Đồng thời chủ động trao đổi, phối hợp trong việc chuyển tiền gửi Kho bạc từ hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) về NHNN Việt Nam và gửi tiền có kỳ hạn tại các NHTM; qua đó, hỗ trợ NHNN Việt Nam kiểm soát tiền tệ và ổn định thị trường tiền tệ. Thường xuyên trao đổi các thông tin về thị trường tiền tệ, thị trường TPCP, việc điều hành ngân quỹ của Kho bạc Nhà nước để tăng cường sự phối hợp giữa công tác điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.

Kết quả là, mặc dù dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục nhưng mức tăng của tổng phương tiện thanh toán và lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Cụ thể, tổng phương tiện thanh toán giai đoạn 2016-2019 và 9 tháng đầu năm 2020 (đến ngày 24-9-2020) tăng lần lượt là 17,65%; 14,91%; 12,21%; 14,22% và 8%. Lạm phát bình quân các năm 2016-2019 và 9 tháng đầu năm 2020 lần lượt là 2,66%; 3,53%; 3,54%; 2,79% và 3,85%, được duy trì khá ổn định quanh ngưỡng mục tiêu 4% và thấp hơn nhiều so với mức bình quân 18,58% của năm 2011 và 7,8%/năm của giai đoạn 2011-2015. Lạm phát cơ bản từ năm 2016 đến nay tương đối ổn định ở mức thấp, thể hiện sự ổn định và hiệu quả trong công tác điều hành chính sách tiền tệ; đồng thời, tạo dư địa để Chính phủ điều chỉnh giá các mặt hàng và dịch vụ Nhà nước quản lý (lạm phát cơ bản bình quân các năm 2016-2019 và bình quân 9 tháng đầu năm 2020 lần lượt là 1,83%; 1,41%; 1,48%; 2,01% và 2,59%). Ước cả năm 2020, lạm phát bình quân dưới 4%, hoàn thành mục tiêu Quốc hội giao.

Giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn

Trong 9 tháng năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, NHNN Việt Nam đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với quy mô cắt giảm tương đối mạnh, cụ thể: Ngày 17-3, NHNN Việt Nam giảm các mức lãi suất điều hành từ 0,5-1%/năm, giảm 0,25-0,3%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 0,5% trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; ngày 13-5, NHNN Việt Nam tiếp tục giảm đồng bộ 0,5%/năm các mức lãi suất điều hành để phát tín hiệu mạnh mẽ và nhất quán về định hướng điều hành giảm lãi suất, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD); giảm 0,3-0,5%/năm trần lãi suất tiền gửi và giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên nhằm tiếp tục giảm chi phí vốn vay của khách hàng. Ngày 1-10, NHNN Việt Nam tiếp tục giảm đồng bộ 0,5%/năm các mức lãi suất điều hành, giảm 0,25%/năm trần lãi suất tiền gửi và giảm 0,5% trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.

 Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: KHÁNH LINH

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: KHÁNH LINH

Cùng với các giải pháp điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, việc giảm mạnh các mức lãi suất điều hành của NHNN Việt Nam đã góp phần tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ phục hồi kinh tế. So với các nước trong khu vực, mức giảm lãi suất điều hành của Việt Nam hiện là một trong các mức giảm mạnh nhất. Mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm, lãi suất cho vay tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên hiện ở mức 4,5%/năm, giảm khoảng 2,5%/năm so với năm 2016. Theo số liệu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), lãi suất cho vay của Việt Nam không cao hơn mặt bằng lãi suất cho vay của các nước trong khu vực có trình độ phát triển tương đồng. Tính đến tháng 7-2020, lãi suất cho vay bình quân của ASEAN-6 khoảng 5,7%/năm, ASEAN-4 khoảng 4,82%; Việt Nam 7,2%/năm. Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam (4,5%/năm) hiện thấp hơn mức lãi suất cho vay bình quân của ASEAN-4. Nếu so với các nước có trình độ phát triển tương đồng như Indonesia (9,41%), Mông Cổ (16,92%), Bangladesh (7,79%), Myanmar (14,5%) và Ấn Độ (9,05%) thì lãi suất Việt Nam chỉ ở mức trung bình.

Tín dụng toàn hệ thống tăng 5,42%

Riêng những tháng đầu năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, cầu tín dụng ở mức thấp nên tăng trưởng tín dụng thấp hơn các năm trước (đến cuối tháng 1 tăng 0,1% so với cuối năm 2019, đến cuối tháng 2 tăng 0,17% so với cuối năm 2019). Tuy nhiên, nhờ kịp thời triển khai các giải pháp đồng bộ, tín dụng từng bước được cải thiện và đến ngày 24-9-2020, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng 5,42% so với cuối năm 2019.

Nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD tiếp tục được xử lý, kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3% (tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 7-2020 ở mức 1,92%, ước tính đến cuối tháng 8-2020 ở mức 1,96%). Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7-2020, toàn hệ thống các TCTD ước tính đã xử lý được 1.113,81 nghìn tỷ đồng nợ xấu (riêng năm 2019 xử lý được 159,7 nghìn tỷ đồng và 7 tháng đầu năm 2020 xử lý được 63,81 nghìn tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống TCTD đến tháng 7-2020 ở mức 4,47%, ước tính đến cuối tháng 8-2020 ở mức 4,49%; giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016, mức 7,36% cuối năm 2017 và mức 5,85% vào cuối năm 2018.

NGUYỄN ANH VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ho-tro-kiem-soat-lam-phat-on-dinh-kinh-te-vi-mo-642375