Hỗ trợ khẩn cấp giúp các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai

Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng vừa có văn bản giao Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai phối hợp các bộ và cơ quan liên quan khẩn trương tổng hợp tình hình thiệt hại do thiên tai và kiến nghị của các địa phương (trong đó có tỉnh Thanh Hóa), đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ khẩn cấp cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.

Triều cường gây ngập lụt một số tuyến đường ở TP Cần Thơ trong ngày 7-10. Ảnh: HƯNG PHÚ

Phó Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành liên quan chủ động chỉ đạo, hỗ trợ địa phương khắc phục thiên tai, xem xét, giải quyết các đề xuất, kiến nghị của Tỉnh ủy Thanh Hóa theo thẩm quyền, tham mưu đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

* Theo thống kê, từ đầu năm 2018 đến nay, cả nước xảy ra 14 loại hình thiên tai khiến 75 người chết và mất tích. Nhiều địa phương bị tàn phá nặng nề. Ðặc biệt, mưa, lũ ở các tỉnh miền núi phía bắc và trung gây thiệt hại nặng, làm hơn 30 người chết và mất tích; hàng nghìn héc-ta lúa, hoa màu và hàng nghìn nhà dân bị ngập.

* Do nằm trong khối không khí lạnh suy yếu cho nên các tỉnh, thành phố Bắc Bộ tiếp tục tăng nhiệt độ. Dự báo, trưa và chiều sẽ dao động ở mức 31 đến 33oC; về đêm nhiệt độ là 22 đến 25oC.

* Ðài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết, mực nước cao nhất ngày tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Ðồng Nai sẽ tiếp tục lên nhanh trong những ngày tới. Ðỉnh triều trong đợt triều cường này khả năng sẽ xuất hiện vào ngày 9 và 11-10 và ở mức cao. Tại Phú An, Nhà Bè có thể lên mức 1,65 đến 1,70m (cao hơn báo động 3 là 0,15 đến 0,20 m) và duy trì đến ngày 13-10, sau xuống nhanh.

* UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, khôi phục sản xuất sau mưa lũ. Theo đó, với diện tích lúa thuần bị thiệt hại hơn 70% được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha, thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 1 triệu đồng/ha; diện tích nuôi tôm quảng canh bị thiệt hại hơn 70%, hỗ trợ 5 triệu đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70%, hỗ trợ 3 triệu đồng/ha…

* Tuyến đê ngăn mặn ven sông Trường Giang từ huyện Núi Thành đến TP Hội An (Quảng Nam) có tổng chiều dài gần 193 km, hiện nay đang xuống cấp trầm trọng và bị xâm lấn, mái đê bị sạt lở, thân đê bị biến dạng. Ngoài ra, tình trạng lấn chiếm thân đê để nuôi tôm làm bờ đê ngăn mặn bị hư hỏng nặng thêm, khiến 541 ha đất sản xuất bị ảnh hưởng.

* Ðến nay, các đơn vị thi công đang tích cực dọn đất đá bị sạt lở xảy ra trên đèo Khánh Lê thuộc quốc lộ 27C. Trước đó, tại km 57+850, đất đá từ trên núi bị sạt lở, đổ xuống tràn ra một nửa tuyến đường với khối lượng hơn một nghìn m3.

* Ngày 7-10, nước lũ kết hợp triều cường đã bất ngờ dâng cao tràn ngập nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ. Ðáng chú ý, nhiều nhà dân ở khu vực ven sông Hậu nước dâng tràn vào nhà gây xáo trộn sinh hoạt nghiêm trọng. Theo người dân, đợt triều cường sáng 7-10, nước dâng khoảng 0,5 m, cao hơn các đợt triều cường trong tháng trước.

* Do triều cường dâng cao, hai ngày qua, nhiều tuyến đê bao, cống đập tại huyện Long Hồ (Vĩnh Long) bị sạt lở, nước tràn gây ngập hàng trăm héc-ta vườn cây ăn quả; hàng chục ao nuôi cá bị ngập sâu, thiệt hại hơn mười tấn cá. Hiện nay, triều cường vẫn đang dâng cao, đe dọa nhiều tuyến đê bao.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/37848602-ho-tro-khan-cap-giup-cac-dia-phuong-khac-phuc-hau-qua-thien-tai.html