Hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp phát triển

Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều chủ trương, chính sách thiết thực hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp phát triển. Đây thật sự là động lực giúp nhiều HTX thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh, hướng đến xây dựng mô hình HTX nông nghiệp kiểu mẫu, tiên tiến, hiện đại…

Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều chủ trương, chính sách thiết thực hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp phát triển. Đây thật sự là động lực giúp nhiều HTX thay đổi mô hình sản xuất, kinh doanh, hướng đến xây dựng mô hình HTX nông nghiệp kiểu mẫu, tiên tiến, hiện đại…

Được chọn làm điểm xây dựng HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại theo chủ trương của UBND thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, HTX Nông nghiệp - Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Phước An (HTX Phước An) ở xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh đã dần hoạt động có hiệu quả, mang lại lợi nhuận ổn định cho xã viên. Từ khi mới thành lập với 15 xã viên, đến nay, HTX Phước An đã tăng lên hơn 60 xã viên với vốn điều lệ gần hai tỷ đồng. Diện tích đất sản xuất của HTX hiện có là 29 ha, trong đó 20 ha được chứng nhận VietGAP với sản lượng tiêu thụ mỗi tháng khoảng 150 tấn rau, củ, quả.

Giám đốc HTX Phước An Trần Văn Thích cho biết, Phước An là một trong hai HTX nông nghiệp của thành phố tiên phong áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giúp HTX dễ dàng kiểm soát, khuyến khích các thành viên sản xuất rau sạch theo hướng công nghệ cao. Đây là cơ sở quan trọng giúp HTX xây dựng thành công chuỗi nông sản rau sạch và HTX Phước An đã dần khẳng định được thương hiệu, uy tín và chất lượng trên thị trường…

HTX Phước An nói riêng và các HTX nông nghiệp ở TP Hồ Chí Minh nói chung được hưởng lợi nhiều nhất từ sự hỗ trợ của thành phố về cơ sở vật chất ban đầu, cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc tại HTX, vốn tín dụng ưu đãi về lãi suất, chuyển giao khoa học - công nghệ… Để hỗ trợ HTX, xã viên, tổ hợp tác, tổ viên tổ hợp tác vay vốn với lãi suất ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm của HTX, thành phố đã ban hành nhiều chính sách như: HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 10/2017/NQ-HĐND quy định về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020. Tiếp đó, UBND thành phố có Quyết định số 655/QĐ-UBND quy định về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Theo đó, HTX, thành viên HTX; tổ hợp tác, tổ viên tổ hợp tác vay vốn từ tổ chức tín dụng để đầu tư sản xuất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ từ 60% đến 100% lãi suất tùy theo hạng mục đầu tư.

Chỉ tính trong năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) TP Hồ Chí Minh đã phối hợp UBND các quận, huyện phê duyệt cho nhiều thành viên HTX vay vốn hỗ trợ lãi suất. Chẳng hạn, bà Nguyễn Thị Nhiệm, thành viên HTX Thuận Yến (huyện Cần Giờ) được vay 5,5 tỷ đồng; ông Trần Văn Mùa, thành viên HTX Hiệp Thành (quận 12) được vay 600 triệu đồng; ông Lê Hữu Thiện, thành viên HTX Hoa mai vàng Bình Lợi (huyện Bình Chánh) được vay hai tỷ đồng; ông Hoàng Thanh Hải, thành viên HTX Hải Nông (huyện Củ Chi) được vay 740 triệu đồng… Nhiều HTX nông nghiệp tiếp cận được vốn vay hỗ trợ lãi suất từ chính sách này như HTX Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) vay gần 27 tỷ đồng; HTX Phú Lộc (huyện Củ Chi) vay 280 triệu đồng...

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, tại huyện Cần Giờ, từ năm 2011 đến giữa năm 2020, ngân sách thành phố đã hỗ trợ lãi vay cho các HTX nông nghiệp, trang trại, xã viên vay vốn ưu đãi theo chủ trương khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp với tổng vốn vay gần 180 tỷ đồng. Giám đốc HTX Cần Giờ Tương Lai Huỳnh Văn Thành cho biết, nhờ các chính sách hỗ trợ của thành phố, chỉ sau hơn một năm thành lập, HTX đã xây dựng được chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với 100 hộ nông dân sản xuất nông sản sạch. Qua đó, tạo nên chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP mà người tiêu dùng đang hướng đến và sử dụng. Đến nay, HTX đã xây dựng được thương hiệu các sản phẩm đặc sản của Cần Giờ như tôm, cá dứa, yến sào… theo hướng bền vững. Đây được xem là mô hình kinh tế tập thể thu hút được lực lượng lao động nhàn rỗi ở nông thôn Cần Giờ tham gia, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương…

Hơn 5 năm trước, vào ngày 8-6-2015, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có Quyết định số 26/2015/QĐ-UBND về ban hành chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho các HTX nông nghiệp - dịch vụ thành lập mới trên địa bàn thành phố với mức hỗ trợ cao nhất cho mỗi HTX là 100 triệu đồng. Chính sách này giúp nhiều HTX mua sắm bàn ghế làm việc, tủ đựng tài liệu, máy tính để bàn, máy fax, máy phô-tô-cóp-py, điện thoại cố định, thiết bị âm thanh, máy chiếu… phục vụ thông tin liên lạc, hoạt động của bộ máy quản lý, điều hành tại văn phòng giao dịch. Đến nay, UBND các quận, huyện đã hỗ trợ 33 HTX thành lập mới với tổng kinh phí gần ba tỷ đồng, bình quân hơn 82 triệu đồng một HTX.

Cùng với đó, Sở NN và PTNT thành phố cũng hỗ trợ các HTX, xã viên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Lũy tiến từ năm 2016 đến nay, Sở NN và PTNT thành phố phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức 563 chợ phiên nông sản tại 14 địa điểm, là những nơi tập trung đông dân cư, thu hút sự tham gia của gần 10.500 đơn vị với 11.450 gian hàng. Ngoài cung cấp hàng hóa đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…, các HTX tham gia chợ phiên nông sản ký kết tiêu thụ sản phẩm, với hơn 200 hợp đồng, biên bản ghi nhớ, đơn đặt hàng với giá trị khoảng 22,5 tỷ đồng/tháng…

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 117 HTX nông nghiệp đang hoạt động với tổng số 2.593 thành viên, trung bình khoảng 22 thành viên/HTX. Tổng vốn điều lệ của 117 HTX là 542 tỷ đồng, bình quân 4,6 tỷ đồng/ HTX.

Bài và ảnh: KHÁNH TRÌNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/ho-tro-hop-tac-xa-nong-nghiep-phat-trien-623851/