Hỗ trợ hiệu quả hơn nữa để khôi phục sản xuất bền vững

Thăm hỏi một số hộ kinh doanh dịch vụ du lịch tại biển Thiên Cầm và các hộ dân thôn Trung Tân, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương, các địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả, đồng bộ các giải pháp ổn định đời sống, sản xuất của người dân.

Phó Thủ tướng trò chuyện với chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch tại bãi biển Thiên Cầm. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Tham gia đoàn công tác sáng 16/5 có lãnh đạo một số bộ, ngành, Quân khu 4 và tỉnh Hà Tĩnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh trong việc hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sự cố môi trường.

Đến nay đã bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho trên 60.800 đối tượng với số tiền 1.748 tỷ đồng (đạt 99,1% so với kế hoạch). Từng bước khôi phục lại sản xuất và cuộc sống của người dân các thôn, xã bị ảnh hưởng, bảo đảm an ninh trật tự xã hội.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương hoàn tất công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho các đối tượng bị ảnh hưởng do sự cố môi trường, bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, đến tận tay người dân.

“Phải tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp khẩn trương khôi phục hoàn toàn sản xuất nông nghiệp, các hoạt động dịch vụ, du lịch, ổn định cuộc sống của người dân với sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương và nguồn lực địa phương”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Cùng với đó, phải chủ động nắm chắc tình hình, triển khai các phương án để bảo đảm ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn; thu hút, giữ ổn định môi trường đầu tư và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các cơ quan liên quan trong việc tiếp tục giám sát xả thải của nhà máy Formosa, tăng cường quan trắc nước biển, giám sát chất lượng môi trường biển, không khí, đặc biệt tại Khu CN Vũng Áng theo đúng quy định của pháp luật; lên phương án chủ động xử lý trong mọi tình huống.

Đối với Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành Trung ương, Phó Thủ tướng đề nghị cần chủ động, tích cực hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, đặc biệt trong quá trình khôi phục sản xuất của người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho người dân để khôi phục niềm tin của người tiêu dùng về chất lượng hải sản và chất lượng môi trường, thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch biển.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hà Tĩnh, sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng trên 400 thôn, xóm thuộc 67 xã, phường, thị trấn của 7 huyện thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đối tượng bị ảnh hưởng thuộc diện bồi thường, hỗ trợ theo quy định của Trung ương rất lớn, gồm trên 6.000 tàu cá; 2.259 ha ao, hồ, bãi triều nuôi trồng thủy sản; 31.692 m3 nuôi lồng bè; 127 ha sản xuất muối, nhiều cơ sở kinh doanh, buôn bán, chế biến thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, nhiều của hàng ăn uống phục vụ khách du lịch, với hơn 60.000 lao động và các đôi tượng khác.

Người dân thôn Trung Tân vui vẻ báo cáo với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc sử dụng khoản tiền hỗ trợ để mua mới ngư lưới cụ, nâng cấp tàu cá. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Giải ngân 99,1% tiền hỗ trợ cho người dân

Sau sự cố, thực hiện Quyết định của Thủ tướng, tỉnh đã hỗ trợ 6.240,5 tấn gạo cho 19.247 hộ với 67.988 nhân khẩu; hỗ trợ cho 5.012 chủ tàu, thuyền.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đã thẩm tra, phê duyệt bồi thường, hỗ trợ cho trên 60.800 đối tượng với số tiền 1.748 tỷ đồng, đạt 99,1%. Số kinh phí còn lại chưa chỉ trả do đối tượng đi lao động nước ngoài hoặc do có đơn thư phản ánh, khiếu nại.

Tỉnh cũng đã hỗ trợ 100% chi phí mua 28.515 thẻ BHYT cho các đối tượng thuộc diện bị ảnh hưởng được hỗ trợ về BHYT theo quy định.

Đến nay, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại nợ cho 9 khách hàng với dư nợ 30,1 tỷ đồng. Cho vay mới đối với các đối tượng nằm trong danh sách bị thiệt hại do sự cố môi trường với doanh số cho vay là 52,3 tỷ đồng (526 khách hàng). Khoanh nợ cho 44 khách hàng với số tiền dự kiến cấp bù lãi suất là 4,4 tỷ đồng.

Tỉnh cũng đã hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên và hỗ trợ giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động. Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức 76 lớp đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho 2.374 người với tổng kinh phí thực hiện 16,233 tỷ đồng.

Được sự giúp đỡ của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Lao động việc làm Hàn Quốc, năm 2017, tỉnh Hà Tĩnh đã có 495 lao động được Cơ quan Phát triển nhân lực Hàn Quốc chấp thuận và giới thiệu để các doanh nghiệp Hàn Quốc tuyển dụng (chiếm hơn 50% chỉ tiêu ngành ngư nghiệp mà Chính phủ Hàn Quốc cấp cho Việt Nam).

Cùng với đó, Hà Tĩnh cũng đã chủ động ban hành các chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh. Theo đó, hỗ trợ hơn 18 tỷ đồng đóng mới 40 tàu cá trên 90 CV, cải hoán 6 tàu; hỗ trợ lãi suất vay chuyển đổi nghề; hỗ trợ 100% phí mua 2.847 thẻ bảo hiểm y tế; hỗ trợ 2 năm học phí cho học sinh vùng ảnh hưởng; hỗ trợ vốn để lập 25 cửa hàng hải sản an toàn; hỗ trợ tiền điện cho các cơ sử tạm trữ hải sản…

Ảnh: VGP/Xuân Tuyến

Sản xuất khôi phục tích cực

Đến nay, lượng tàu thuyền đánh bắt đã tăng và ổn định trong thời gian qua. Số tàu khai thác ven bờ công suất dưới 90 CV hoặc không lắp máy hoạt động đạt tỉ lệ 80-90%, tàu công suất trên 90 CV (khai thác xa bờ) đạt tỉ lệ 85-90%. Cơ cấu đội tàu chuyển biến tích cực, đặc biệt đội tàu đánh bắt xa bờ; số lượng tàu xa bờ (công suất trên 90 CV) đóng mới, cải hoán tăng 127 chiếc so với thời điểm xảy ra sự cố môi trường. Sản lượng khai thác thủy sản năm 2017 đạt 32.000 tấn, tăng 22,3% (trong đó khai thác biển tăng 20,7%) so với thực hiện năm 2016.

Về nuôi trồng thủy hải sản, năm 2017, toàn tỉnh đã thả nuôi 7.843 ha, đạt 100% kế hoạch năm, tăng 23 ha so với cùng kỳ năm 2016. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2017 đạt 13.056 tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Hoạt động kinh doanh buôn bán thủy sản đã trở lại bình thường, người tiêu dùng đã tiêu thụ các sản phẩm hải sản biển, nhất là hải sản mới đánh bắt. Sản lượng hải sản khai thác được thu mua và tiêu thụ hết; giá bản sản phẩm đang tăng dần. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2017 gấp đôi so với năm 2016.

Năm 2017, du lịch Hà Tĩnh bắt đầu phục hồi (đặc biệt là du lịch biển), khách du lịch nội địa đến các điểm tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí trong dịp nghỉ lễ tết tăng cao so với cùng kỳ năm 2016. Tổng lượt khách đạt 1.38 triệu, tăng 25 6% so với cùng kỳ năm 2016, tăng 15,1 % so với kế hoạch năm 2017.

Theo ông Đặng Quốc Khánh – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường quan trắc nước biển, giám sát thường xuyên chất lượng môi trường biển; tập trung chỉ đạo giải pháp nuôi trồng, khai thác hải sản và tiêu thụ, sử dụng hải sản, khôi phục hoàn toàn niềm tin của người dân về chất lượng hải sản khai thác an toàn để người dân sử dụng.

Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về môi trường, ưu tiên trước mắt cho việc kiểm tra, kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường tại Khu Kinh tế Vũng Áng, đặc biệt là tại các dự án có lượng xả thải ra môi trường lớn; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thành sớm việc xây dựng Trạm quan trắc môi trường tự động tại Khu kinh tế Vũng Áng để giám sát việc xả thải của Formosa và các Dự án trong Khu kinh tế và giám sát việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của Công ty Formosa.

Xuân Tuyến

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-dang-nha-nuoc/ho-tro-hieu-qua-hon-nua-de-khoi-phuc-san-xuat-ben-vung/336538.vgp