Hỗ trợ giáo viên, nhân viên trường ngoài công lập: Miếng khi đói sao bắt chờ lâu

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã khảo sát và có báo cáo tổng hợp về tác động của dịch Covid-19 đối với ngành.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu (bên phải) thăm hỏi các trường ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn TP Cao Lãnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu (bên phải) thăm hỏi các trường ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn TP Cao Lãnh.

Theo đó, dịch bệnh khiến thất thu từ học phí khoảng 1.567 tỷ đồng; cùng với đó, thất thu 520 tỷ từ dịch vụ lệ phí, khoảng 61 tỷ là chuyển giao công nghệ. Các doanh nghiệp mở trường học tha thiết được hỗ trợ, ít nhất trong 2 tháng đầu của dịch được miễn các loại lệ phí và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Cùng với đó, cho phép các đối tượng này được tiếp cận gói tín dụng 0% để xây dựng trường lớp, có điều kiện phục hồi nhanh sau dịch bệnh, tiếp tục cùng khu vực công lập thực hiện nhiệm vụ giáo dục.

Địa phương chủ động hỗ trợ

Trong khi mong chờ hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ, giáo viên, nhân viên trường ngoài công lập tại một số nơi nhận được sự hỗ trợ từ địa phương. Tuy nguồn hỗ trợ không lớn nhưng kịp thời, giúp họ vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay.

Dịch Covid-19 khiến 495 giáo viên và người lao động trong cơ sở giáo dục tư thục ở tỉnh Đồng Tháp phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng và ngừng chi trả lương; số người phải chấm dứt hợp đồng lao động là 28 người. Theo ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, qua khảo sát, nắm tình hình, dù dịch bệnh nhưng có nhiều trường đã dùng mọi phương án tài chính tốt nhất để hỗ trợ giáo viên và nhân viên, bảo đảm nguồn thu nhập ổn định.

Để tháo gỡ khó khăn, UBND tỉnh làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh về gói vốn vay không lãi suất để các cơ sở giáo dục tư thục chi trả 50% lương (khoảng 3 tháng) cho giáo viên và nhân viên; đồng thời chỉ đạo Sở GD&ĐT tổng hợp các kiến nghị, đề xuất cụ thể của các trường, báo cáo UBND tỉnh…

Theo bà Huỳnh Thị Thu Thủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), Liên đoàn Lao động thành phố đã rà soát các doanh nghiệp, đơn vị, trong đó có cơ sở giáo dục ngoài công lập bị ảnh hưởng dịch Covid-19 để báo cáo Liên đoàn Lao động tỉnh xem xét, cho ý kiến lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn.

Liên đoàn Lao động thành phố cũng yêu cầu công đoàn cơ sở các trường nắm tình hình đời sống của công đoàn viên, người lao động; đồng thời đến thăm, động viên, tặng 11 suất quà (mỗi suất 1 triệu đồng) cho giáo viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn vì ảnh hưởng dịch Covid-19 tại một số trường ngoài công lập.

Tại hội nghị kiểm tra việc chi hỗ trợ cho các nhóm đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Dũng chỉ đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo UBND huyện, thành, thị cần sớm rà soát; bổ sung các đối tượng cần hỗ trợ, trong đó có đối tượng là cấp dưỡng trường mầm non tư thục; Thực hiện nhanh tiến độ hỗ trợ; kiểm tra, giám sát hỗ trợ đúng đối tượng, không thiếu, không trùng lắp.

Nhìn nhận công bằng

TS Đặng Lộc Thọ - Ủy viên Tiểu ban Giáo dục Mầm non - Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, phân tích: Chủ trương của Đảng và Nhà nước không phân biệt trường công lập và ngoài công lập, đẩy mạnh xã hội hóa để từng bước chuyển dịch cơ cấu công lập - ngoài công lập 80 - 20% thành 20 - 80%.

Như vậy, Nhà nước đã bảo đảm ngân sách cho các trường công lập trả lương cho giáo viên cũng cần hỗ trợ các trường ngoài công lập trả lương cho GV trong giai đoạn khó khăn này. Covid-19 đã tác động nặng đến nhiều trường MN ngoài công lập, để giữ đội ngũ và để hệ thống trường ngoài công lập không bị "vỡ trận", thậm chí "phá sản" rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Phạm Văn Quyến, Chủ tịch Công đoàn GD Nam Định cho rằng: Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách xã hội hóa giáo dục, tham mưu để có cơ chế, chính sách phát triển GDMN ngoài công lập theo hướng xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu tới trường của trẻ, đặc biệt ở những địa phương có khu công nghiệp và đông dân cư.

Việc hỗ trợ các cơ sở GDMN ngoài công lập hoạt động ổn định trở lại sau dịch là điều hết sức cần thiết. Khó khăn Covid-19 là khách quan, nhưng trợ giúp các trường và người lao động vượt qua "cơn bĩ cực" để tiếp tục theo đuổi nghề là chủ quan, rất mong các cấp quản lý quan tâm để giảm bớt gánh nặng khó khăn của GV, chủ trường.

“Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 120 nghìn giáo viên có nguy cơ mất việc. Đề nghị có hỗ trợ để họ có được mức thu nhập tối thiểu. Hiện một số địa phương như TPHCM đã hỗ trợ tối thiểu 1 triệu đồng/giáo viên nhưng các tỉnh còn khó khăn chưa thể thực hiện. Đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quan tâm đến nhóm đối tượng này” – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ báo cáo trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2020.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/ho-tro-giao-vien-nhan-vien-truong-ngoai-cong-lap-mieng-khi-doi-sao-bat-cho-lau-20200612112050688.html