Hỗ trợ giảng viên trẻ nghiên cứu khoa học: Xây dựng môi trường học thuật

Cùng với những chính sách mới về khoa học công nghệ, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã xây dựng chế độ hỗ trợ, tạo điều kiện cho giảng viên trẻ trong nghiên cứu khoa học như hướng dẫn phương pháp nghiên cứu, khai thác dữ liệu, cho phép giảng viên liên kết với đối tác nước ngoài, doanh nghiệp, tổ chức hội thảo… Đây được coi là đòn bẩy rất tốt để cán bộ trẻ thể hiện năng lực cũng như duy trì nhiệt tình cống hiến…

Một buổi sinh hoạt Nhóm đọc của khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng.

Một buổi sinh hoạt Nhóm đọc của khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng.

Tăng cường năng lực nghiên cứu

Để tổ chức workshop về phương pháp nghiên cứu trong tài chính - ngân hàng, kế toán & kinh tế học, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đã kết nối với các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực tài chính, kế toán và kinh tế học như GS.TS Đặng Việt Anh – ĐH Manchester (Anh), PGS.TS Trần Lương Anh – ĐH TP London (Anh), PGS.TS Phan Văn Hiếu - ĐH Massachusetts Lowell (Hoa Kỳ), PGS.TS Dương Xuân Trường, Đại học Bang Lowa (Hoa Kỳ), GS.TS Nguyễn Hoàng Nhựt, Đại học Auckland Technology (New Zealand) và PGS.TS Trần Hải, Đại học Loyola Marymount (Hoa Kỳ) nhằm chia sẻ kinh nghiệm công bố quốc tế.

Đây là những nhà khoa học Việt Nam hàng đầu trong cộng đồng nghiên cứu tài chính và kinh tế ở nước ngoài với nhiều công bố trên các tạp chí quốc tế thuộc top 5% thế giới. Các giảng viên trẻ Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng đã được các chuyên gia của Hiệp hội Tài chính quốc tế Việt Nam cung cấp nhiều phương pháp nghiên cứu cũng như những kinh nghiệp quý báu cho hoạt động NCKH và công bố quốc tế.

PGS.TS Võ Thị Thúy Anh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế cho biết: “Ngoài việc xây dựng cơ sở dữ liệu cho giảng viên nghiên cứu và giảng dạy, nhà trường thường xuyên chủ động tổ chức các khóa đào tạo cho giảng viên trẻ về công bố quốc tế, phương pháp phân tích dữ liệu, khai phá dữ liệu, sở hữu trí tuệ… Ngoài ra, việc duy trì đều đặn mô hình Nhóm đọc tại các khoa cũng góp phần duy trì thói quen sinh hoạt học thuật, là cách để thúc đẩy sự lan tỏa kiến thức, tạo dựng “cộng đồng bạn đọc khoa học” tại trường và tại các khoa”.

Theo phân tích của PGS.TS Võ Thị Thúy Anh, với khối ngành kinh tế, để đăng được bài báo trên tạp chí quốc tế có uy tín là không đơn giản. Người làm NCKH phải biết thế giới đang nghiên cứu đến đâu rồi từ đó mới tìm được khoảng trống trong nghiên cứu. Muốn như vậy thì phải tiếp cận được tri thức của thế giới và nhóm đọc là một kênh giúp giảng viên cập nhật hướng nghiên cứu trên thế giới rất hiệu quả để có thể cùng nhau đào sâu, tìm được khoảng trống làm nên sự sáng tạo cho những công bố kế tiếp.

Chính vì vậy, đối với giảng viên trẻ, đây cũng là cơ hội giúp họ làm đầy tri thức, phục vụ cho công tác giảng dạy, tiếp cận các xu hướng nghiên cứu và hỗ trợ hướng dẫn sinh viên trong nghiên cứu”. Chỉ tính riêng trong năm học 2018 – 2019, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng có 32 công bố quốc tế trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus, trong đó có 20 công trình trên các tạp chí ISI và 12 công trình trên các tạp chí Scopus.

Đặc biệt, một số bài báo thuộc nhóm A* và Q1 của Web of Science. Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng lọt vào Top 3 trường có nhiều công bố nhất Việt Nam trên danh mục ISI khối kinh tế và kinh doanh. Các giảng viên của nhà trường cũng đã công bố hơn 107 bài báo trên các tạp chí khoa học trong nước, tham gia 47 đề tài tại các hội thảo quốc tế.

Ảnh minh họa/ INT

Cùng giữ lửa với nghề

Trong điều kiện “cạnh tranh” để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao như hiện nay, điều quan trọng không phải ở chỗ chế độ đãi ngộ mà là ở điều kiện, môi trường làm việc cùng những chính sách thuận lợi cho việc phát triển chuyên môn. Để hỗ trợ cho cán bộ trẻ trong NCKH, ĐH Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách mới nhằm tạo điều kiện tối đa để giảng viên trẻ tham gia vào các hoạt động hợp tác quốc tế, tham gia các chương trình NCKH, các đề án và tham gia quản lý nếu đáp ứng các yêu cầu.

TS Lê Phước Cường – Giám đốc Trung tâm học liệu và truyền thông, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng nhận xét rằng: “Cán bộ trẻ NCKH hiện nay cũng đã khác trước rất nhiều, có nhiều cơ hội đăng ký thực hiện những đề tài lớn như Nafosted, cấp Bộ, cấp Nhà nước và tỉ lệ có được đề tài để thực hiện là khá cao do chính sách phát triển ưu tiên dành cho Khoa học côn nghệ của Nhà nước và nhà trường đã đi vào thực chất, đi vào nhu cầu chứ không còn hình thức như trước nữa. Giảng viên trẻ được khuyến khích và hỗ trợ công tác giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm giúp họ được cọ xát và tạo động lực để tìm ra cái mới, tiếp thu cái mới”.

Những năm trước đây, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đã hỗ trợ 30 triệu đồng cho mỗi bài báo của giảng viên được đăng trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/ SCOPUS. Từ quyết định mang tính “đòn bẩy” này, tỉ lệ các bài báo quốc tế và số lượng tiến sĩ của trường tăng lên đáng kể, thậm chí, trường đã có một SV vừa tốt nghiệp đã có 6 bài báo quốc tế.

Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng thưởng từ 40 triệu - 120 triệu đồng cho các bài báo khoa học công bố trên các tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI/SCOPUS. Mức thưởng này được cho là tương xứng bởi đối với lĩnh vực kinh tế, để có một bài báo khoa học lọt vào danh mục ISI/ SCOPUS khó hơn rất nhiều so với các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, suy cho cùng thì mục tiêu của trường ĐH là đào tạo, NCKH tạo ra nhiều giá trị đóng góp để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ cộng đồng. Chính vì vậy, ngoài NCKH công bố quốc tế để nâng cao vị thế xếp hạng, các trường ĐH cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng để góp phần giải quyết vấn đề thực tiễn. Đây cũng là tiêu để đánh giá tính ứng dụng, chuyển giao và trách nhiệm cộng đồng của các công trình NCKH.

ĐH Đà Nẵng ngoài đóng vai trò là một cầu nối cung cấp thông tin đầy đủ về nhu cầu của địa phương đến các giảng viên, cán bộ khoa học, còn triển khai xây dựng trang thông tin cơ sở dữ liệu về yêu cầu của các địa phương, các doanh nghiệp về nhu cầu nghiên cứu để giảng viên, thậm chí cả SV có thể lựa chọn xây dựng đề tài nghiên cứu, địa phương, doanh nghiệp sẽ là hội đồng xét duyệt đề tài có phù hợp hay không.

Cải thiện môi trường làm việc - nghiên cứu của giảng viên như đầu tư CSVC, trang thiết bị và các cơ hội tiếp xúc với thông tin khoa học chính là cách thu hút, giữ chân giảng viên trẻ, nuôi dưỡng ngọn lửa yêu nghề để họ có thể tiếp tục tiếp nối sự nghiệp giáo dục.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/ho-tro-giang-vien-tre-nghien-cuu-khoa-hoc-xay-dung-moi-truong-hoc-thuat-4048688-b.html