Hỗ trợ giảm nghèo góp phần phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội

Các hoạt động ủy thác, tín chấp, phát triển tài chính vi mô, tiết kiệm giúp phụ nữ có vốn sản xuất kinh doanh; công tác dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm đã thiết thực hỗ trợ phụ nữ thực hiện tiêu chí 'không đói nghèo'.

Xác định “đói nghèo” là một trong những nguyên nhân phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật, các cấp Hội LHPN trên cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động góp phần thiết thực giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, giảm xung đột trong gia đình, tránh nguy cơ sa vào tệ nạn xã hội ( TNXH), trở thành nạn nhân bị mua bán...

Các hoạt động ủy thác, tín chấp, phát triển tài chính vi mô, tiết kiệm giúp phụ nữ có vốn sản xuất kinh doanh; công tác dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm đã thiết thực hỗ trợ phụ nữ thực hiện tiêu chí “không đói nghèo”.

Với nhiều cách làm sáng tạo, mang tính lan tỏa là chuyển đổi phương thức hỗ trợ giảm nghèo theo hướng xây dựng các mô hình sinh kế tạo việc làm tại chỗ cho phụ nữ nghèo gắn với thành lập hợp tác xã/tổ hợp tác/tổ liên kết tại địa bàn các xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135, hoạt động hỗ trợ cho hội viên phụ nữ nghèo của Hội được chuyển hướng từ “cho không” sang “hỗ trợ có điều kiện”, các hội viên được nhận hỗ trợ có cam kết thoát nghèo và hoàn lại mức hỗ trợ được nhận ban đầu khi kinh tế phát triển để hỗ trợ cho thành viên khác.

Với cách làm này, từ năm 2018 - 2020, các cấp Hội phụ nữ đã hỗ trợ xây dựng được 74 mô hình, thu hút hàng nghìn lao động nữ tham gia; trong đó có gần 1.000 phụ nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo; góp phần giải quyết việc làm cho nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Kết quả bước đầu đã có gần 100 hộ phụ nữ thoát nghèo, cận nghèo.

Các cấp Hội phụ nữ đã có nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên để thoát nghèo

Các cấp Hội phụ nữ đã có nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên để thoát nghèo

Thực hiện có hiệu quả chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, xóa đói, giảm nghèo, giảm TNXH và bảo đảm an ninh biên giới, phòng chống tội phạm.

Tính đến tháng 8-2020, sau hơn 2 năm triển khai, những dự kiến kết quả liên quan đến xây dựng mô hình sinh kế, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng Mái ấm tình thương, hỗ trợ các hoạt động an sinh xã hội khác; hỗ trợ các xã đạt chỉ tiêu Nghị quyết đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XII đối với cấp xã... đều đã cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu với những con số ấn tượng: Gần 100 đơn vị, cá nhân nhận hỗ trợ các xã biên giới thuộc Chương trình; 155 xã biên giới khó khăn được nhận hỗ trợ (vượt 65 xã so với kế hoạch) với tổng nguồn lực đạt khoảng 115 tỷ đồng.

Riêng số tiền tin nhắn vận động qua cổng thông tin nhân đạo 1400 là gần 4 tỷ đồng để hỗ trợ 39 mô hình sinh kế bền vững tại 39 xã thuộc Chương trình.

Đã có nhiều mô hình sinh kế phù hợp, được đánh giá mang lại hiệu quả, bền vững cao không chỉ giúp đời sống của phụ nữ dân tộc thiểu số vùng biên được nâng lên mà còn góp phần thay đổi nhận thức, hành vi, nâng cao trình độ mọi mặt cho phụ nữ

Nam Du

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ho-tro-giam-ngheo-gop-phan-phong-chong-toi-pham-te-nan-xa-hoi-223714.html