Hỗ trợ gia đình người có công thoát nghèo bền vững

Tại Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận là việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công (NCC) với cách mạng; không để gia đình NCC thuộc diện hộ nghèo, tái nghèo.

Tăng tỷ lệ tái nghèo ở nhiều địa phương

Theo báo cáo của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, tính đến tháng 3-2018, cả nước có 12 tỉnh tỷ lệ tái nghèo tăng rõ rệt; trong đó có cả một số địa phương có điều kiện phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) thuận lợi như: Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Kiên Giang… Số hộ nghèo mới phát sinh bằng khoảng 1/4 số hộ thoát nghèo. Theo nhận định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ra tại phiên họp ngày 17-9 vừa qua, hiện tại cả nước vẫn có tới 1,8% hộ nghèo là những gia đình NCC với cách mạng... Đây là con số không nhỏ, nằm rải rác ở nhiều địa phương.

Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh thường xuyên thăm, tặng quà người có công trên địa bàn. Ảnh: HÙNG KHOA

Qua khảo sát thực tế ở một số tỉnh Nam Bộ, mặc dù lãnh đạo các địa phương có nhiều biện pháp hỗ trợ hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo thuộc diện chính sách, nhưng vẫn còn không ít gia đình NCC với cách mạng chưa thoát diện hộ nghèo, cận nghèo. Địa bàn chủ yếu là khu vực có điều kiện kinh tế thấp, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; nơi chính quyền, đoàn thể địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác chính sách, hỗ trợ hộ nghèo. Theo ông Trần Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Kiên Giang: Ngoài những nguyên nhân từ chính quyền địa phương thiếu quan tâm, tuyên truyền, tư vấn, vận động hỗ trợ thì không ít thành viên trong gia đình NCC còn trong độ tuổi lao động nhưng thiếu nỗ lực vươn lên, chưa tích cực tham gia học nghề, hoặc sử dụng nguồn vốn hỗ trợ không hiệu quả nên khó thoát nghèo và tái nghèo sau thời gian được giúp đỡ. Cùng với đó, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đoàn thể xã hội chưa quyết liệt; rà soát số lượng hộ nghèo thuộc diện chính sách chưa cụ thể và thiếu giải pháp hỗ trợ thiết thực…

Theo ông Huỳnh Mỹ Kiên, Trưởng phòng NCC, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: Với số lượng hơn 36.500 hồ sơ NCC, gia đình NCC; trong đó có gần 8.000 liệt sĩ, hơn 4.000 thương binh, bệnh binh, gần 2.000 NCC với cách mạng, nhưng đến nay toàn tỉnh vẫn còn 0,65% gia đình NCC gặp khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, địa phương tiếp tục nghiên cứu để có biện pháp hỗ trợ hiệu quả, giúp gia đình NCC ổn định đời sống.

Huy động nguồn lực xã hội-kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh

Tại hội nghị bàn giải pháp nâng cao hiệu quả chăm lo NCC và gia đình NCC trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vừa qua, bà Triệu Lệ Khánh, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố, khẳng định: “Mấu chốt để hỗ trợ NCC và gia đình NCC giảm nghèo bền vững là giải quyết việc làm, tạo thuận lợi cho họ có thu nhập ổn định. Bởi vậy, Ủy ban MTTQ thành phố phối hợp với Sở LĐ-TB-XH triển khai kế hoạch giải quyết việc làm cho lao động thuộc diện hộ nghèo nói chung và lao động thuộc diện NCC và thân nhân NCC nói riêng. Theo đó, chúng tôi khảo sát chính xác nhu cầu việc làm của từng đối tượng, thống kê danh sách, tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, sau đó giới thiệu những người ở độ tuổi lao động đi đào tạo nghề, rồi gửi vào làm việc tại doanh nghiệp”.

Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng các tổ chức đoàn thể thăm hỏi gia đình người có công tại huyện Cần Giờ, tháng 5-2018. Ảnh: HÙNG KHOA

Bên cạnh đó, MTTQ và ngành LĐ-TB-XH chủ trì kết nối với trường nghề, doanh nghiệp địa phương hỗ trợ đào tạo nghề, mở sàn giao dịch việc làm, tổ chức ngày hội tuyển dụng… để nhận lao động thuộc diện chính sách vào làm những công việc thích hợp. Quá trình thực hiện, các ngành, các cấp chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho học viên, người lao động, nhất là về kinh phí đào tạo nghề.

Để giảm nghèo bền vững cho NCC và gia đình NCC, các địa phương ở TP Hồ Chí Minh đã có những cách làm hiệu quả. Chẳng hạn, huyện Nhà Bè thực hiện mô hình hỗ trợ thường xuyên hộ NCC khó khăn theo phương thức “Mỗi đơn vị (chi bộ) hỗ trợ một hộ”. Huyện Bình Chánh giao MTTQ và các đoàn thể liên hệ mượn đất chưa sử dụng của doanh nghiệp, hỗ trợ hộ NCC giống, vốn, kỹ thuật để phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Quận 9 chăm lo sửa chữa hoặc xây mới nhà tình nghĩa, chăm sóc y tế, giáo dục cho con em NCC. Quận Bình Thạnh bố trí việc làm, địa điểm kinh doanh cho các hộ NCC buôn bán hoặc tìm biện pháp hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp. Liên đoàn Lao động thành phố thực hiện mô hình mỗi khu công nghiệp, khu chế xuất gắn với một quận (huyện) để thuận tiện giúp đỡ gia đình NCC thuộc diện nghèo; đồng thời tạo việc làm để thoát nghèo bền vững… Theo bà Nguyễn Thị Nga, Trưởng ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh: Mô hình này phát huy được khả năng của doanh nghiệp đóng góp vào việc chăm sóc NCC; đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB-XH TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 270.000 người thuộc diện NCC, nhưng tỷ lệ hộ nghèo trong diện này hầu như không đáng kể nhờ sự chung tay giúp đỡ của cả hệ thống chính trị. “Không chỉ chăm lo NCC và gia đình NCC định cư tại thành phố, chúng tôi còn phối hợp với nhiều địa phương để hỗ trợ, chăm lo NCC và gia đình NCC; chia sẻ kinh nghiệm cùng các địa phương với mục tiêu không để NCC và gia đình NCC nằm trong diện hộ nghèo”, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

YẾN LONG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ho-tro-gia-dinh-nguoi-co-cong-thoat-ngheo-ben-vung-550192