Hỗ trợ gần 7.000 tấn gạo người dân huyện Lang Chánh bảo vệ rừng 2018-2024

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ký Quyết định về việc phê duyệt phương án hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình nghèo tự nguyện nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ và nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng.

Hơn 6.600 tấn gạo được hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người kinh nghèo tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng giai đoạn 2018-2024

Theo đó, việc hỗ trợ gạo được áp dụng đối với việc trồng mới, chăm sóc, bảo vệ rừng và nhận khoán chăm sóc bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ... trong diện tích quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp, của các hộ gia đình thuộc dân tộc thiểu số, hộ gia đình người kinh nghèo trên địa bàn huyện Lang Chánh tự nguyện trồng, chăm sóc, bảo vệ và nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng trong thời gian chưa đảm bảo được lương thực.

Đối với các hộ gia đình trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng thuộc hộ được hưởng chế độ theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ.

Việc hỗ trợ gạo cho các hộ được nhận là người dân tộc thiểu số, hộ gia đình người kinh nghèo trên địa bàn huyện Lang Chánh tự nguyện trồng, chăm sóc, bảo vệ và nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hàng năm.

Việc lập danh sách các hộ được nhận hỗ trợ gạo được thông báo công khai tại các thôn, bản và trụ sở UBND xã, có sự tham gia giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cùng cấp để tránh sự lãng phí, tiêu cực trong việc hỗ trợ gạo.

Bên cạnh đó, Quyết định việc cấp gạo cũng nêu rõ về mức hỗ trợ gạo đối với mỗi nhân khẩu được cấp bình quân 10kg/người/tháng. Riêng đối với hộ nghèo mức hỗ trợ 15kg/người/tháng.

Với tổng số gạo được hỗ trợ 6.683 tấn (7 năm) giai đoạn 2018-2024, nguồn cung cấp gạo lấy từ Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thanh Hóa cấp theo kế hoạch của UBND huyện Lang Chánh và phải đảm bảo chất lượng, số lượng theo đúng quy định.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu UBND huyện Lang Chánh tổ chức tuyên truyền, vận động, phổ biến các chính sách và tổ chức rà soát, lập danh sách các hộ gia đình trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đúng với quy định để nhận hỗ trợ.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở LĐTB&XH, Ban Dân tộc có trách nhiệm hướng dẫn UBND huyện Lang Chánh triển khai, thực hiện.

Trần Nghị

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ho-tro-gan-7000-tan-gao-nguoi-dan-huyen-lang-chanh-bao-ve-rung-20182024-post281567.info