Hỗ trợ đôi chân cho người khuyết tật, tại sao không?

Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật (NKT). Nếu có các dụng cụ trợ giúp, họ sẽ tự tin xóa đi mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng xã hội.

Sáng 23-8, tại Hà Nội diễn ra hội thảo về Chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) đối với NKT - Thực trạng và định hướng sửa đổi, bổ sung do Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Vụ BHYT, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế - Bộ Y tế phối hợp với The Internatinonel Center tổ chức.

Tại hội thảo, ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về NKT tại Việt Nam, cho biết: Việt Nam hiện có 6,2 triệu NKT. Trong đó, tỉ lệ khuyết tật vận động là hơn 1,8 triệu người; khuyết tật thần kinh, tâm thần là hơn 1 triệu người; khuyết tật trí tuệ hơn 400.000 người và khuyết tật khác gần 1,5 triệu người. Đáng lưu ý, tỉ lệ NKT sống ở nông thôn chiếm đến hơn 80%, trong đó hơn một nửa là đang trong tuổi lao động.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: AH

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: AH

Đại diện Liên hiệp hội về NKT tại Việt Nam cho rằng nếu NKT được hỗ trợ dụng cụ trợ giúp, họ sẽ tự tin để hòa nhập với cộng đồng xã hội một cách đầy đủ và bình đẳng. NKT có cơ hội được học nghề, tạo việc làm hoặc xin được việc làm để tạo ra các sản phẩm phục vụ xã hội, từ đó cải thiện cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần.

Đồng ý kiến, ThS-BS Lê Tuấn Đống, Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cũng đưa ra dẫn chứng: “Kết quả Điều tra quốc gia về NKT cũng cho thấy khi không sử dụng dụng cụ trợ giúp, có hơn 15% NKT gặp khó khăn khi đi bộ. Khi sử dụng dụng cụ trợ giúp, tỉ lệ này giảm xuống chỉ còn gần 2%. Do đó, nếu NKT được cung cấp dụng cụ trợ giúp thì họ sẽ gia tăng các khả năng tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội”.

Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là dụng cụ trợ giúp mà NKT rất cần như chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính… hiện chưa được BHYT chi trả. Trong khi đó, phần lớn NKT đều thuộc diện hoàn cảnh khó khăn nên dụng cụ trợ giúp đối với NKT vẫn là một “ước mơ xa vời”.

“Hiện tỉ lệ khuyết tật có xu hướng tăng dần theo tuổi. Vì vậy, trong tương lai, tỉlệ khuyết tật có thể tiếp tục gia tăng do Việt Nam đang chuyển sang quá trình già hóa dân số. Vì vậy, việc chi trả từ nguồn BHYT cho các dụng cụ trợ giúp đối với NKT rất cần được quan tâm xem xét” - ông Đống nói.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/ho-tro-doi-chan-cho-nguoi-khuyet-tat-tai-sao-khong-853921.html