Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA

Thuyết minh về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) trước Quốc hội sáng 20/5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo tuyên truyền, hướng dẫn để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tận dụng tối đa cơ hội cũng như giảm thiểu thách thức gặp phải trong quá trình thực thi EVFTA.

Theo Tờ trình của Chủ tịch nước do Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày, EVFTA thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của cả hai bên trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, góp phần đưa quan hệ giữa Việt Nam và EU phát triển sâu rộng và thực chất hơn.

Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có hiệp định thương mại tự do với EU. Điều này khẳng định vai trò và vị thế địa-chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, thực sự nâng cao vị thế của nước ta trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thuyết minh về EVFTA trước Quốc hội sáng 20/5/2020. (Ảnh: VPQH)

Theo báo cáo của Chính phủ, thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam sau khi EVFTA có hiệu lực được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

EVFTA sẽ tác động mạnh mẽ, tích cực, tạo ra nhiều cơ hội lớn nhưng cũng sẽ có thách thức với các ngành: Thủy sản, dệt may, da giày, điện tử, máy vi tính, máy móc, phụ tùng, dược phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng, logistics.

EVFTA dự kiến giúp tăng thêmm khoảng 146.000 việc làm/năm, tập trung vào những ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao sang thị trường EU; có khả năng làm tăng tiền lương cho người lao động khi hoạt ođọng thị trường hiệu quả hơn và tác động lan tỏa về tiền lương từ các doanh nghiệp FDI.

Theo tính toán của Chính phủ nêu trong bản thuyết minh do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trình bày, dự kiến, kim ngạch của ta sẽ tăng trung bình 5,21 - 8,17% (cho giai đoạn 05 năm đầu thực hiện), 11,12 - 15,27% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 17,98 - 21,95% (cho giai đoạn 05 năm sau đó).

Cụ thể, trong nhóm hàng nông sản, gạo tăng thêm 65% vào năm 2025, đường tăng 8%, thịt lợn tăng 4%, lâm sản tăng 3%, thịt gia súc gia cầm tăng 4%, đồ uống và thuốc lá tăng 5%.

Trong nhóm ngành chế biến chế tạo tăng, dệt tăng 67%, may mặc tăng 81%, da giày tăng 99%.

Trong nhóm ngành dịch vụ tăng, vận tải thủy tăng 100%, vận tải hàng không tăng 141%, tài chính và bảo hiểm tăng 21%, các dịch vụ phục vụ kinh doanh khác tăng 80%.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhập khẩu của Việt Nam từ EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực dự kiến sẽ tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.

Nhóm hàng được dự báo tăng nhập khẩu nhiều nhất từ EU là phương tiện và thiết bị vận tải, chiếm khoảng 12% tổng giá trị nhập khẩu tăng thêm, nhóm hàng máy móc thiết bị (10%), dệt may và điện thoại và linh kiện điện tử (6% -7%), nông, lâm, thủy sản (5%).

Thách thức không nhỏ

Theo tờ trình của Chủ tịch nước, bên cạnh những thuận lợi, EVFTA cũng mang lại một số thách thức nhất định.

Cụ thể, EVFTA sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của ta.

Theo thuyết minh của Chính phủ, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Quan trọng hơn, do cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao, không đối đầu trực tiếp nên dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không lớn.

Ngoài ra, cam kết mở cửa của Việt Nam là có lộ trình, đặc biệt đối với những nhóm sản phẩm nhạy cảm, nên EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Để đối phó với áp lực cạnh tranh, hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tận dụng tối đa cơ hội cũng như giảm thiểu thách thức gặp phải trong quá trình thực thi Hiệp định, Chính phủ đã và đang chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của doanh nghiệp về các quy định, cam kết của Hiệp định.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, ngành chủ động nghiên cứu, vận dụng các biện pháp được phép áp dụng theo các cam kết quốc tế của Việt Nam nói chung và EVFTA nói riêng để hỗ trợ cũng như bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/ho-tro-doanh-nghiep-vua-va-nho-tan-dung-toi-da-co-hoi-tu-evfta/20200520023333500