Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia mạng phân phối nước ngoài

Doanh nghiệp Việt Nam khi đưa hàng vào kênh phân phối nước ngoài nếu chỉ chú ý vào giá rẻ hoặc nhân công rẻ sẽ không mang lại lợi ích thiết thực cho sản phẩm.

Hội thảo tập huấn hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các mạng phân phối nước ngoài. Ảnh: Trần Thúy Hằng/TTXVN

Ngày 8/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn Central Group (Thái Lan), Aeon (Nhật) và Chợ đầu mối nông sản châu Âu Rungis (Pháp) tổ chức Hội thảo tập huấn hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các mạng phân phối nước ngoài cho các doanh nghiệp phía Bắc.

Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo, đại diện Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phía Bắc cùng các Hiệp hội ngành hàng và đặc biệt là 180 doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Hội thảo là một hoạt động trong khuôn khổ Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm nâng cao năng lực xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam thông qua tập huấn cho các doanh nghiệp về quy trình quản lý, tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, thủ tục xuất nhập khẩu vào thị trường các nước của nhà bán lẻ, chợ đầu mối.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ nhiều năm nay xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối hiện đại được coi là hình thức xuất khẩu hiệu quả, bền vững, mang lại hiệu quả và giá trị gia tăng cao, được nhiều doanh nghiệp theo đuổi.

Các chuyên gia của Central Group, Aeon đã cung cấp cho doanh nghiệp phía Bắc thông tin cập nhật về các hoạt động sẽ triển khai trong thời gian tới trong khuôn khổ Đề án, nhằm kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và các nhà phân phối.

Ông Shiotani Yuichiro, Tổng Giám đốc Aeon Topvalu, lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam khi đưa hàng vào kênh phân phối nước ngoài cần gia tăng giá trị sản phẩm Việt Nam, nếu doanh nghiệp chú ý vào giá rẻ hoặc nhân công rẻ sẽ không mang lại lợi ích thiết thực cho sản phẩm.

Hiện tại, công việc mà Aeon Topvalu đang nỗ lực xúc tiến là xuất khẩu sang Nhật những sản phẩm Việt Nam đã vào được các hệ thống Aeon Việt nam, để bán tại các Aeon Nhật Bản.

Ngay sau khóa tập huấn, các doanh nghiệp có cơ hội kết nối với bộ phận thu mua của các tập đoàn phân phối Central Group, Aeon và chợ đầu mối Rungis để tìm kiếm cơ hội trở thành nhà cung cấp lâu dài và bền vững.

Để Đề án đạt được các mục tiêu hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam, Bộ Công Thương kêu gọi sự phối hợp và đồng hành từ các cơ quan quản lý, các Cơ quan xúc tiến thương mại, đến các địa phương và đặc biệt là các doanh nghiệp, các nhà phân phối hiện đại, nhằm tham gia và triển khai Đề án một cách đồng bộ, cùng đem lại lợi ích cho các bên.

Hằng Trần/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/ho-tro-doanh-nghiep-viet-nam-tham-gia-mang-phan-phoi-nuoc-ngoai/83962.html