Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường

Tại thời điểm này các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang chủ động đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trực tiếp giữa các địa phương cũng như kết nối với các DN xuất khẩu, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Nội dung này được đề cập xuyên suốt tại Hội nghị kết nối giao thương giữa Nhà cung cấp với các DN xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại diễn ra sáng nay 6/11.

Kết nối mở rộng thị trường cho doanh nghiệp

Hội nghị là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình cấp Quốc gia về xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh: Hà Giang, Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, cùng với các Đại sứ quán, các hiệp hội ngành hàng, cơ quan xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế tổ chức.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong đó có Việt Nam. Nhiều DN Việt Nam bị đứt gãy thị trường xuất khẩu, thiếu nguồn nguyên liệu, các đơn hàng bị ngừng trệ khiến các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh cho phù hợp với tình hình mới.

Mặc dù trong tình hình khó khăn, đối với hoạt động xúc tiến hỗ trợ xuất khẩu, trong 10 tháng năm 2020, Bộ Công Thương đã phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, cùng với hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam trên toàn thế giới tổ chức nhiều hội nghị giao thương trực tuyến với các đối tác xúc tiến thương mại nước ngoài, tạo nhiều kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các Nhà nhập hầu nước ngoài tại các thị trường trọng điểm và tiềm năng. “Các hoạt kết nối giao thương trên đã và đang góp phần tháo gỡ một phần khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu (mức tăng trưởng xuất khẩu 10 tháng năm là 4,8% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt xuất siêu kỷ lục 18,7 tỷ USD), thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu theo hướng bền vững”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Trao đổi tại hội nghị, bà Hà Thị Minh Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, Hà Giang đã đẩy mạnh kết nối, xúc tiến thương mại một số sản phẩm nông sản của tỉnh tạo được thị trường ổn định và tiêu thụ mạnh ở trong nước như cam sành, chè, mật ong…, đặc biệt sản phẩm chè đã xuất khẩu sang thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu.

Tuy nhiên lãnh đạo tỉnh Hà Giang cũng mong muốn Bộ Công Thương, các địa phương hỗ trợ kết nối đưa các sản phẩm hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh Hà Giang vào tiêu thụ ổn định tại hệ thống các siêu thị, chợ đầu mối trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước; hỗ trợ mở rộng thị trường xuất khẩu sang thị trường mới đối với sản phẩm chè.

Dưới góc độ DN, bà Lê Thị Vân- Giám đốc Công ty Cổ phần INCA Việt Nam cho biết là doanh nghiệp khoa học công nghệ được thành lập từ năm 2015; trong những năm Công ty đã tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu với các sản phẩm chủ yếu như: Trà Sachi túi lọc; hạt Sachi rang sấy…tại thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Mỹ, Trung Quốc ...

Mặc dù, Công ty đang đứng trước những cơ hội, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch Covid -19 trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp. “Chúng tôi mong muốn đẩy mạnh kết nối giao thương trong nước, giữa các vùng miền, khuyến khích người Việt dùng hàng Việt. “Thực tế có nhiều sản phẩm trong nước có chất lượng tốt xuất khẩu ra nước ngoài và rất được ưa chuộng nhưng người tiêu dùng thường chưa nhận rõ điều đó nên vẫn đang chủ yếu tìm mua hàng nhập khẩu tạo nên nhiều bất lợi cho thời điểm hiện tại, hàng trong nước dư thừa, giá rẻ, hàng nhập khẩu thì khan hiếm và rất đắt. Chúng tôi đề xuất các ban ngành cần quan tâm và sớm đưa ra giải pháp cân bằng chuỗi cung cầu tạo điều kiện cho hàng hóa trong nước được lưu thông”- bà Lê Thị Vân đề xuất.

Địa phương, DN phải chủ động đạt chuẩn để xuất khẩu

Để giúp các địa phương, DN đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài và tham gia hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu quan trọng phải là sự chủ động và nỗ lực từ DN.

Chia sẻ dưới góc độ của DN xuất khẩu, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT Công ty T&T Group cho biết, vào tháng 7/2017, Công ty xuất khẩu lô dừa xiêm Bến Tre (18.000 trái) đầu tiên vào thị trường Mỹ. Tháng sau, tăng lên 40.000 trái, dù trước đó nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu dừa tươi sang đây không cạnh tranh được với dừa Thái Lan đang bán trên đất Mỹ. Đến năm 2020 DN đã chia được 50% thị phần dừa tươi tại thị trường này với Thái Lan.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm của các địa phương

Tuy nhiên ông Tùng lưu ý, phải tìm hiểu rõ về nhu cầu mỗi thị trường, đối tượng cạnh tranh, đặc biệt là các rào cản kỹ thuật, càng nắm chắc càng bước chắc. “Như thị trường Mỹ, yêu cầu phải có mã số vùng trồng, mã số đóng gói do phía Mỹ cấp, chứ không hẳn là các chứng chỉ như GlobalGAP hay VietGAP. Nhưng thị trường châu Âu lại yêu cầu phải có GlobalGAP, chứng chỉ môi trường, ISO hay HACCP…”- ông Tùng chỉ ra.

Hay với việc tồn dư chất cấm, có những chất ở Nhật Bản, Mỹ, Úc không cấm nhưng châu Âu lại cấm. Vì vậy các DN xuất khẩu vào các thị trường trên phải hết sức chú ý, các hoạt động trồng trọt, chế biến, bảo quản, thu hoạch của các địa phương cũng phải bảo đảm tuân thủ các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm đạt chuẩn để xuất khẩu.

Theo ông Csaba Bundik- Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Trung và Đông Âu tại Việt Nam, sau nhiều năm chuẩn bị kỹ lưỡng Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam- EU (EVFTA) đã được ký kết tạo nhiều thuận lợi cho Việt Nam đây được coi là “xa lộ” cho Việt Nam đưa sản phẩm sang EU, đa số hàng rào thuế quan đang từng bước được xóa bỏ, nhưng thực tế DN Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết EVFTA không phải là lộ trình một chiều mà hai chiều phải bắt buộc DN phải cạnh tranh lành mạnh ngay sân nhà, đây là quá trình chuẩn bị xây dựng kỹ lưỡng để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Cụ thể phải nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất, cần có thêm giá trị gia tăng, đổi mới sang tạo ngay cả từ sản phẩm nông sản ,thực phẩm, hải sản. Khách hàng EU khó tính, chính vì vậy các DN Việt phải hướng tới ổn định về chất lượng bền vững như vậy mới chiếm lĩnh được thị trường”- Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Trung và Đông Âu tại Việt Nam lưu ý.

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Trung và Đông Âu cũng thông tin, bên cạnh đó, để có thể tận dụng được cơ hội từ EVFTA đẩy mạnh xuất khẩu, DN cần nắm vững quy định của EVFTA, nhất là về thủ tục xuất xứ hàng hóa.

Lan Anh- Bùi Hùng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ho-tro-doanh-nghiep-mo-rong-thi-truong-147041.html