Hỗ trợ DN xuất khẩu vào thị trường EU

Ngày 30/6, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức hội nghị: Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường EU, thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA'.

Ngày 1/8, Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Thông qua Hiệp định EVFTA, Việt Nam và EU thúc đẩy tự do hóa thương mại dựa trên các quy định minh bạch, công bằng, tạo sự an tâm trong cộng đồng DN và từ đó góp phần thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của hai bên, đặc biệt sau dịch bệnh COVID-19.

Hiện, EU là thị trường có kim ngạch nhập khẩu (NK) đứng thứ 2 thế giới, chiếm 14,9% tổng nhập khẩu toàn cầu. Mặc dù EU là thị trường xuất khẩu (XK) lớn thứ 2 của Việt Nam, nhưng ta mới chiếm thị phần khoảng 2% trong tổng NK của EU. Do vậy, đây chính là cơ hội để DN Việt Nam tăng trưởng XK, đặc biệt là đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản.

Nhiều DN tham gia hội nghị

Nhiều DN tham gia hội nghị

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận định: “Hiệp định EVFTA có mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các FTA đã được ký kết (99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7 - 10 năm), đặc biệt đối với một số mặt hàng nông sản mà ta có thế mạnh sản xuất và xuất khẩu như gạo, thủy sản, cà phê, rau quả, ca cao, dầu cọ...

Việc ký kết và thực thi Hiệp định EVFTA không chỉ mang đến cơ hội về tăng trưởng XK mà còn giúp cho ngành nông nghiệp nước ta đẩy mạnh công tác tái cơ cấu hướng sâu vào vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói... góp phần đưa hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Công thương, bên cạnh những cơ hội, tiềm năng từ Hiệp định EVFTA mang lại, XK nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian tới sẽ phải chấp nhận đương đầu với các khó khăn, thách thức khi bước vào “sân chơi” lớn.

Cụ thể, đó là rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nông, lâm, thủy sản nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ. Cho đến nay, EU vẫn là thị trường có yêu cầu về hàng rào kỹ thuật rất cao, đặc biệt là về kiểm dịch động, thực vật; quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (VSATTP); chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); khai báo nguồn gốc gỗ hợp pháp...

Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, từ đầu năm đến nay ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn chưa từng có trong lịch sử. Đó là đại dịch COVID – 19 diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống, kinh tế - xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, hoạt động XNK và tiêu thụ nông sản; Dịch tả lợn Châu Phi giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn nên gây khó khăn cho tái đàn, tăng đàn, cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát khi tổng đàn đang rất lớn; Biến đổi khí hậu xuất hiện ngay từ đầu năm gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL; Thị trường hàng nông sản có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật; Thẻ vàng XK thủy sản khai thác biển do EC đưa ra chưa được bãi bỏ...

Tại Hội nghị Bộ Công thương và Bộ NN &PTNT phổ biến một số nội dung của Hiệp định EVFTA liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng, DN chế biến XK để nắm bắt và có kế hoạch XK phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường EU, cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN khi thâm nhập vào thị trường EU.

Thúy Hà

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/thi-truong/ho-tro-dn-xuat-khau-vao-thi-truong-eu-601030/