Hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy tại cộng đồng

Mô hình 'Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy' (mô hình chuyển gửi) và 'Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng' (điểm tư vấn) được triển khai thí điểm tại một số địa phương trên địa bàn Hà Nội từ tháng 4-2019 đến nay đã, đang mang lại những kết quả tích cực. Vì vậy, Hà Nội tiếp tục nhân rộng các mô hình hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy tại cộng đồng trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Đại diện cơ quan chức năng thành phố Hà Nội tư vấn, hướng dẫn điều trị cai nghiện đối với người nghiện ma túy.

Hiệu quả thấy rõ

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, toàn thành phố đang quản lý gần 13.000 người nghiện ma túy có hồ sơ, trong đó có gần 9.000 người sống ở cộng đồng (chiếm gần 70% tổng số người nghiện). Để hỗ trợ người nghiện điều trị cai nghiện, giảm tác hại do ma túy, Hà Nội đã, đang triển khai nhiều hình thức, biện pháp cai nghiện (bắt buộc, tự nguyện, điều trị bằng thuốc Methadone…).

Tuy nhiên, trên thực tế, công tác hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy đòi hỏi phải thực hiện tổng thể các giải pháp, từ can thiệp, hỗ trợ về y tế, tâm lý, đến pháp lý, xã hội, việc làm…, nên việc thực hiện đơn lẻ một mô hình chưa mang lại kết quả như mong muốn. Trước thực trạng này, từ tháng 4-2019, Hà Nội triển khai thí điểm mô hình chuyển gửi tại phường Cầu Diễn, Mỹ Đình 1, Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm); phường Bồ Đề, Ngọc Lâm, Ngọc Thụy (quận Long Biên); đồng thời triển khai điểm tư vấn tại phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm).

Đây là những mô hình cai nghiện ma túy đầu tiên ở nước ta có sự tham gia của lực lượng công an cấp phường, xã trong việc giới thiệu, kết nối, chuyển gửi người sử dụng ma túy đến với các cơ sở tư vấn, hỗ trợ điều trị tự nguyện tại cộng đồng và các dịch vụ y tế, xã hội có liên quan, bước đầu mang lại kết quả khả quan.

“Sau hơn một năm triển khai, mô hình chuyển gửi đã tiếp cận, tư vấn, chuyển gửi hơn 200 người đến dịch vụ xét nghiệm và điều trị dự phòng HIV, điều trị Methadone, điều trị cai nghiện ma túy, học nghề, tạo việc làm… Điểm tư vấn tại phường Hàng Buồm cũng tiếp cận, tư vấn cho nhiều người sử dụng, người nghiện ma túy. Đa số người tham gia điều trị dần hồi phục sức khỏe, biết sống, suy nghĩ tích cực hơn”, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc phụ trách Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội thông tin.

Là người được hỗ trợ điều trị cai nghiện qua mô hình chuyển gửi tại phường Ngọc Thụy, anh T.H.T cho biết: “Sau hơn một năm được tư vấn, hỗ trợ điều trị cai nghiện, sức khỏe thể chất, tinh thần của tôi đang chuyển biến tích cực. Hiện nay, tôi vừa nỗ lực điều trị, vừa đi làm để có thêm nguồn thu nhập trang trải cho cuộc sống”.

Đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức

Trước những hiệu quả đã thấy rõ, tại Kế hoạch số 125/KH-UBND và Kế hoạch số 126/KH-UBND vừa ban hành, UBND thành phố Hà Nội cho phép nhân rộng mô hình điểm tư vấn tại các quận Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và huyện Thanh Trì; đồng thời triển khai mô hình chuyển gửi tại quận Hoàn Kiếm. Hiện nay, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội đang phối hợp với các địa phương khảo sát địa điểm, xây dựng chương trình, kế hoạch để đưa các điểm tư vấn, mô hình chuyển gửi đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.

“Chúng tôi sẽ đặt điểm tư vấn tại địa bàn tập trung nhiều người sử dụng ma túy; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy được tiếp cận với dịch vụ tư vấn, hỗ trợ điều trị cai nghiện”, ông Nguyễn Quang Hồng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Cầu Giấy cho hay.

Thông qua việc nhân rộng các mô hình cai nghiện tại cộng đồng, từ nay đến cuối năm 2020, các địa phương có điểm tư vấn phấn đấu tổ chức tuyên truyền về phòng, chống ma túy đến 100% số người sử dụng, người nghiện, người sau cai nghiện và gia đình họ; tiếp nhận, tư vấn tối thiểu cho 100 lượt người, vận động 40 người tham gia cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy, giới thiệu học nghề cho 20 người. Đối với mô hình chuyển gửi, mỗi địa phương sẽ tư vấn, chuyển gửi cho khoảng 50-100 người, hỗ trợ điều trị cắt cơn; điều trị rối loạn tâm thần, điều trị thay thế, khám, xét nghiệm, điều trị viêm gan B, C, lao, HIV cho 70% số người được chuyển gửi…

Dưới góc độ tư vấn triển khai các mô hình, bà Lê Thị Thanh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng đánh giá: “Nếu các địa phương vào cuộc quyết liệt, tôi chắc chắn số người điều trị cai nghiện ma túy tại cộng đồng sẽ được tăng lên; số người sử dụng ma túy biến động tại các địa bàn sẽ giảm”.

Ở khía cạnh quản lý, ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội phản ánh, trên thực tế còn không ít người sử dụng ma túy và gia đình họ có tâm lý e ngại khi tiếp xúc với các lực lượng chức năng, mặc dù thông tin về đối tượng luôn được giữ kín. Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ tác dụng, ý nghĩa của các chương trình hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng, từ đó chủ động tham gia.

Minh Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/973147/ho-tro-dieu-tri-cai-nghien-ma-tuy-tai-cong-dong