Hỗ trợ cho trẻ em bỏ học sớm

Dự án Tăng cường năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam (ENHANCE) đã góp phần ngăn chặn tình trạng trẻ lao động sớm, sống lang thang vì hoàn cảnh khó khăn...

Với mục tiêu trợ giúp trẻ em bỏ học và có nguy cơ bỏ học được học nghề, từ tháng 3-2019, dự án hỗ trợ đào tạo nghề cho trẻ em từ 14-17 tuổi được triển khai thực hiện. Hoạt động do tổ chức Lao động quốc tế (ILO) hỗ trợ kinh phí, triển khai tại các địa phương: Châu Phú, An Phú, Chợ Mới, TP. Châu Đốc.

Qua tư vấn hướng nghiệp cho 630 trẻ em và các bậc phụ huynh, đã có 319 trẻ được đánh giá có nhu cầu học nghề và học kỹ năng mềm. Trong đó, 161 em đã đồng ý lập kế hoạch nghề nghiệp cá nhân và quyết định học nghề, học văn hóa. 55 trẻ đã học sơ cấp nghề tại các doanh nghiệp địa phương, trung tâm nghề; còn lại 106 trẻ đang học nghề và giáo dục thường xuyên tại các trường trung cấp.

Trung tâm Nghiên cứu Khoa học - Xã hội (Trường Đại học An Giang) cho biết, những trẻ này nằm trong vùng khó khăn của 4 huyện, trên cơ sở trao đổi, khảo sát thị trường cùng các hoạt động của dự án, cần thiết nhất là tìm kiếm được đối tác đào tạo theo nhu cầu của trẻ.

Tham gia vào mô hình, mỗi trẻ được học một nghề phù hợp khả năng của mình như: trang điểm, sửa chữa điện dân dụng, sửa chữa xe máy, ôtô, may thời trang. Sau khóa học, các em được nhận vào làm việc ngay tại cơ sở đào tạo hoặc giới thiệu việc làm ở những nơi có tuyển dụng.

Cơ sở dạy nghề cơ khí cho trẻ 14 - 17 tuổi tại huyện Châu Phú tham gia trong dự án

Cuối tháng 5-2020, 74 em tham gia học nghề ngắn hạn tại các cơ sở sản xuất- kinh doanh và doanh nghiệp có đào tạo nghề tại cộng đồng cơ bản đã hoàn thành khóa học. Nhiều em sau khi có chứng nhận đào tạo đã ở lại cơ sở để nâng cao thêm kỹ năng học nghề.

Theo đánh giá, số lượng trẻ em đăng ký học trung cấp nghề ổn định hơn và có khả năng tăng thêm trong thời gian tới. Tuy nhiên, thời gian học giáo dục thường xuyên kéo dài từ 2-3 năm nên việc theo dõi, đánh giá trẻ sau khi kết thúc dự án cũng cần quan tâm, chú ý.

Trường hợp điển hình là em Châu Trương Thanh (xã Mỹ Đức, Châu Phú), gia cảnh khó khăn vì cha bị bệnh mãn tính, các thành viên trong gia đình đều gặp vấn đề về sức khỏe không thể lao động cực nhọc. Dù ham học nhưng điều kiện không đảm bảo cho Thanh và em trai tiếp tục đến trường, chỉ ưu tiên cho em gái 9 tuổi được đi học. Khi cô giáo giúp đỡ giới thiệu cho đi học nghề với sự hỗ trợ của ILO, thay cho những ngày bán dạo rong ruổi khắp nẻo đường, Thanh đã được học nghề cơ khí tại tiệm sửa xe máy gần nhà.

Sau hơn 4 tháng học, em thực hành trực tiếp trên xe và thấy yêu thích công việc này, đồng thời em có thể tạo ra thu nhập từ việc làm thợ phụ cho chủ tiệm. Thanh cho biết, mong muốn mau thành thục tay nghề để tương lai tự mở cơ sở riêng, có thể giúp đỡ được gia đình nhiều hơn.

Còn em Nguyễn Thị Kim Ngân (An Phú), sau khi học xong nghề trang điểm, hiện mỗi ngày có thể kiếm được 120.000 đồng. Trước mắt, Ngân tích góp tiền để tiếp tục học nâng cao tay nghề, hướng tới mục tiêu tự mở tiệm nhỏ tại nhà để có nguồn thu nhập ổn định hơn.

Bên cạnh dạy nghề, dự án ENHANCE còn hỗ trợ điều kiện học tập nhằm giảm nguy cơ trẻ em bỏ học, hỗ trợ sinh kế cho các hộ gia đình tham gia. Ngoài ra, còn tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức tại cộng đồng, lồng ghép các chỉ tiêu trẻ em trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch các ban, ngành liên quan có sự tham gia, đóng góp của trẻ em.

Đặc biệt, dịp hè mỗi năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn tổ chức trại hè vui chơi dành riêng cho trẻ nguy cơ lao động sớm với chuỗi nội dung: truyền thông về phòng ngừa và giảm thiểu về lao động trẻ em; thi vẽ tranh, sáng tác thơ và diễn tiểu phẩm về lao động và ước mơ của trẻ em; tìm hiểu về lao động trẻ em; thực hành kỹ năng sống cho trẻ em, kỹ năng phòng tránh lao động sớm, phòng tránh xâm hại tình dục...

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/ho-tro-cho-tre-em-bo-hoc-som-a277884.html