Hồ tiêu Việt Nam, làm sao giữ 'ngôi vương'?: Hướng đến chuỗi sản xuất và cung ứng an toàn

Áp dụng các mô hình sản xuất bền vững, hướng đến chuỗi sản xuất và cung ứng an toàn là hướng đi tất yếu để nâng cao giá trị ngành tiêu.

Hồ tiêu Việt Nam: Làm sao giữ “ngôi vương”?

Áp dụng các mô hình canh tác bền vững theo chuỗi giá trị là hướng đi tất yếu để nâng cao giá trị ngành sản xuất, chế biến hồ tiêu.

Canh tác theo hướng an toàn

Trước tình hình diện tích hồ tiêu tăng nhanh, Cục Trồng trọt tham mưu lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành Chỉ thị số 132/CT-BNN-TT ngày 8/1/2016 về việc kiểm tra, giám sát và quản lý phát triển sản xuất cây hồ tiêu. Trong đó yêu cầu: Các tỉnh trồng hồ tiêu rà soát toàn bộ diện tích hồ tiêu trên địa bàn, diện tích trong quy hoạch, diện tích vượt quy hoạch. Vận động, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, không để người dân tự ý phát triển cây hồ tiêu ngoài vùng quy hoạch, đặc biệt ở những vùng không phù hợp, thiếu nước tưới, những vùng đã quy hoạch phát triển cây trồng khác.

Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã để chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến sản xuất theo hướng GAP, đảm bảo sản phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc và nâng cao vị thế trong tiêu thụ sản phẩm.

Trên thực tế, đã có nhiều mô hình mang lại hiệu quả như Công ty Nedspice liên kết với nông dân trồng tiêu ở Bình Phước hướng dẫn sản xuất theo hướng an toàn và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo hai bên cùng có lợi; các công ty Phúc Sinh, Simexco Đắk Lắk, KSS, Olam, Harris Freeman, Intimex... ngoài việc đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu chủ động còn liên kết với nông dân thông qua các tổ chức như Hội Hồ tiêu ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Hội hồ tiêu Chư Sê, Chư Pưh, Lộc Ninh, Đắk Song, Sơn Thành, Phú Quốc để xây dựng, quảng bá thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ đã góp phần nâng cao sức cạnh tranh của hồ tiêu địa phương trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, diện tích thực hiện còn ít, chưa đáp ứng kỳ vọng của nhà nhập khẩu và người tiêu dùng.

Theo bà Nguyễn Mai Oanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, nông dân có vai trò quyết định trong việc tạo ra sản phẩm hạt tiêu có chất lượng. “Chỉ khi người trồng tiêu nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề tồn dư thuốc BVTV trên hồ tiêu, kiên quyết canh tác theo quy trình GAP, mạnh dạn liên kết với các doanh nghiệp để cùng SX hồ tiêu sạch thì ngành hồ tiêu mới có thể phát triển bền vững và theo đó từng thành viên trong chuỗi giá trị này mới có thể tồn tại và phát triển”, bà Oanh nhấn mạnh.

Phát triển chuỗi cung ứng

Từ tháng 03/2013, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bình Phước phối hợp với Tổ chức phát triển Hà Lan, Công ty chế biến gia vị Nedspice triển khai Dự án Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững. Để dự án hoạt động hiệu quả, các câu lạc bộ (CLB) tiêu bền vững được thành lập, trong đó có CLB tiêu bền vững thôn Tân Bình, xã Tân Tiến (Bù Đốp) với 32 thành viên, tổng diện tích cây hồ tiêu là 53,5ha.

Khi mới tham gia CLB, các nông hộ chưa quen với bộ tiêu chí R.A (Rainforest Alliance - Rừng mưa nhiệt đới), bởi vậy, họ được Công ty Nedspice phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Bù Đốp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng và chăm sóc cây hồ tiêu. Qua 4 năm áp dụng mô hình sản xuất tiêu bền vững, các thành viên CLB đã có nhận thức sâu sắc và thay đổi phương thức canh tác lạc hậu bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất tiêu bền vững của R.A, gồm 10 nguyên tắc. Vì vậy, năng suất tiêu ổn định ở mức 2,8 - 3,5 tấn/ha, chất lượng sản phẩm được bảo đảm.

Đến nay, dự án đã hình thành được 24 CLB sản xuất tiêu bền vững ở 3 huyện Bù Đốp, Lộc Ninh, Hớn Quản. Dự án đã tập huấn kỹ thuật và các nguyên tắc canh tác tiêu bền vững theo R.A cho hơn 700 nông dân; cấp chứng nhận cho 523 nông hộ thực hành và tuân thủ tốt các nguyên tắc R.A. Cung cấp hơn 700 tủ đựng thuốc bảo vệ thực vật và kính phòng hộ, khẩu trang lao động cho các nông hộ tham gia dự án; hỗ trợ chi phí phân tích đất/nước và đào hố rác cho các nông hộ.

Hoạt động của dự án luôn gắn kết với kênh tiêu thụ nông sản xuất khẩu. Để đạt các tiêu chí chứng nhận đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, định kỳ hằng năm, dự án phối hợp với Công ty BIOCERT (Indonesia) tiến hành chọn nông hộ ngẫu nhiên của các CLB để triển khai đánh giá độc lập việc sản xuất tiêu theo 10 tiêu chí của R.A. Sau khi được cấp chứng nhận, Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam tiến hành thu mua sản phẩm với giá ưu đãi (hỗ trợ thêm 1.000 đồng/kg so với giá thị trường), cùng với đó, những sản phẩm đạt tiêu chuẩn cũng được công ty thu mua cộng thêm phần trăm giá chênh lệch về dung trọng, độ ẩm và kiểm soát được dư lượng thuốc BVTV của sản phẩm theo yêu cầu của nhà thu mua. Tính đến tháng 6/2016, Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam đã thu mua hơn 1.000 tấn tiêu đạt tiêu chuẩn R.A của các CLB tham gia dự án thông qua Chi nhánh Công ty TNHH MTV - DV - TM Nhiệt Sinh Thái.

Bình Phước trở thành địa phương đầu tiên trên cả nước có tiêu sản xuất đạt tiêu chuẩn R.A, được đối tác, khách hàng quốc tế đánh giá cao.

Theo đánh giá của các chuyên gia, cái được lớn nhất của dự án là góp phần thay đổi tập quán sản xuất của người dân từ theo kinh nghiệm sang tiếp cận với quy trình kỹ thuật sản xuất bài bản, nông dân được trang bị kiến thức về bảo hộ lao động, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hợp lý. Sản xuất tiêu chứng nhận đã liên kết được nông dân sản xuất theo nhóm, đó là hình thành các CLB cùng sở thích, duy trì sinh hoạt định kỳ để cùng trao đổi, tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất tiêu bền vững, kinh nghiệm sản xuất theo bộ tiêu chí R.A. Từ những CLB này làm cơ sở để hình thành tổ hợp tác, HTX nông nghiệp, hỗ trợ nông dân đầu vào - đầu ra trong sản xuất.

Dự án là tiền đề định hướng cho nông dân về cách nghĩ, cách làm mới trong sản xuất nông nghiệp, qua đó thể hiện tính tập thể, cộng đồng của các thành viên trong CLB, mở rộng quan hệ xã hội giữa nông dân với các cấp ngành, đoàn thể thông qua sự lồng ghép phối hợp áp dụng thành tựu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp.

Gia Lai, triển khai rộng mô hình canh tác bền vững

Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Gia Lai cũng thực hiện các buổi tư vấn trực tiếp tại các điểm đang phát triển mạnh cây hồ tiêu cho nông dân để bà con chủ động thực hiện các gói giải pháp canh tác hồ tiêu bền vững, bao gồm: Trồng cây trụ sống; trồng cây che bóng, chắn gió bằng các loại cây họ Đậu có tác dụng tốt trong việc làm trụ đỡ cho cây hồ tiêu như: muồng đen, keo dậu, núc nác rừng, lồng mức…; không nên dùng các loại cây mọc nhanh theo thị hiếu: cây gòn, xoan ta, cây hông… Tăng cường sử dụng chất hữu cơ (phân chuồng ủ hoai mục, phân hữu cơ chế biến, phân vi sinh); sử dụng phân hữu cơ sinh học và thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học (Chitosan, NemaITB…). Lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm để chủ động tưới nước và bón phân cho cây hồ tiêu. Sử dụng phân bón và thuốc hóa học cân đối, hợp lý,…

Đơn cử như mô hình tưới nước tiết kiệm, từ năm 2012 đến nay, ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách tỉnh và từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai cũng kết hợp với một số nhà cung cấp thiết bị lắp đặt các mô hình tưới tiết kiệm ở một số huyện trọng điểm trồng cây hồ tiêu. Đến nay, diện tích lắp đặt tưới tiết kiệm cho cây hồ tiêu trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 700ha, trong đó chủ yếu là công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel.

Mô hình bón phân hợp lý cũng đang được nông dân Gia Lai áp dụng trên nhiều vùng trồng tiêu. Theo số liệu điều tra và đánh giá của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, trong số các hộ điều tra, có trên 50% số hộ bón phân vô cơ ở mức tối đa, cao gấp 3-5 lần nhu cầu dinh dưỡng của cây tiêu ở mức năng suất hiện tại; ngay cả ở mức bón tối thiểu thì cũng có trên 20% số hộ sử dụng lượng lân cao gấp 2 lần khuyến cáo. Thực trạng sử dụng phân vô cơ rất cao, không cân đối giữa NPK, ít bón phân hữu cơ và trung - vi lượng, cộng thêm các biện pháp kỹ thuật canh tác theo tập quán là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng sâu bệnh ở tất cả các vùng trồng tiêu trên địa bàn Tây Nguyên, khiến giá thành sản xuất tăng lên.

Tại Diễn đàn Khuyến nông@ Nông nghiệp “Giải pháp phát triển hồ tiêu bền vững khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức mới đây, TS.Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định, để sản xuất tiêu đạt hiệu quả cao, các ngành chức năng và các địa phương cần có quy hoạch tổng thể về diện tích, phân bố vùng trồng; có chính sách hỗ trợ vốn vay; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn liên kết sản xuất, thị trường tiêu thụ cho người sản xuất. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai những mô hình canh tác tiêu bền vững để nâng cao giá trị kinh tế của cây hồ tiêu và giữ vững “ngôi vương” trên thị trường hồ tiêu thế giới.

Anh Thơ

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/ho-tieu-viet-nam-lam-sao-giu-%E2%80%9Cngoi-vuong%E2%80%9D-huong-den-chuoi-san-xuat-va-cung-ung-an-toan-post1653.html