Hồ tiêu Đồng Nai có nhiều lợi thế cạnh tranh

Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Đồng Nai vẫn tăng cao trong khi cả nước giảm mạnh. Khoảng 1 tháng trở lại đây, giá hồ tiêu liên tục tăng và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nông dân thu hoạch tiêu tại xã Thanh Bình (H.Trảng Bom). Ảnh: B.Nguyên

Nông dân thu hoạch tiêu tại xã Thanh Bình (H.Trảng Bom). Ảnh: B.Nguyên

Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, Đồng Nai là trung tâm chế biến, xuất khẩu tiêu của cả nước. Đồng Nai lại phát triển mạnh diện tích hồ tiêu, duy trì được tốt diện tích và chất lượng mặt hàng này trong giai đoạn khó khăn nên có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn các vùng sản xuất tiêu khác trong cả nước.

* Xuất khẩu hồ tiêu khởi sắc

Theo báo cáo của Cục Thống kê Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt khoảng 23,9 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, trong 6 tháng đầu năm, cả nước xuất khẩu đạt gần 356 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Đồng Nai vẫn tăng trưởng tốt trong khi cả nước sụt giảm là do Đồng Nai thu hút nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành kinh doanh, chế biến, xuất khẩu hồ tiêu. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến hồ tiêu tập trung vào Đồng Nai còn do trong giai đoạn thị trường hồ tiêu gặp khó khăn, nhiều tỉnh, thành giảm mạnh diện tích cây trồng này thì Đồng Nai vẫn giữ được diện tích và sản lượng lớn.

Ông Lê Văn Tiên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoàng Dũng (xã Suối Cao, H.Xuân Lộc) nhận xét, Đồng Nai là địa phương đầu tư phát triển cây tiêu sớm hơn nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước nên nông dân giàu kinh nghiệm chăm sóc, phát triển cây trồng này. Trong giai đoạn hồ tiêu gặp khó khăn, nhiều nông dân vẫn nỗ lực đầu tư, duy trì cả năng suất lẫn chất lượng hồ tiêu nên đây là vùng nguyên liệu được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến quan tâm hàng đầu.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, tuy thời gian qua, diện tích hồ tiêu của Đồng Nai giảm hàng ngàn ha nhưng hiện toàn tỉnh vẫn còn hơn 16 ngàn ha hồ tiêu. Nông dân vẫn đầu tư, chăm sóc cây trồng này nên tổng sản lượng tiêu trong 5 tháng đầu năm của cả tỉnh đạt trên 30,6 ngàn tấn, chỉ giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

* Thị trường có nhiều triển vọng

Hiện giá hồ tiêu nông dân bán cho thương lái dao động từ 52-54 ngàn đồng/kg, tăng gần 20 đồng/kg so với mức giá “chạm đáy” hồi đầu năm 2020 khi loại nông sản này vào vụ thu hoạch. Đây là dấu hiệu cho thấy giá hồ tiêu đang dần khôi phục trở lại sau nhiều năm liên tiếp giảm sâu do nguồn cung lớn hơn cầu.

Bà Nguyễn Thị Thơm, nông dân trồng tiêu tại xã Thanh Bình (H.Trảng Bom) chia sẻ: “Với mức giá này, nông dân trồng tiêu chỉ mới huề vốn đầu tư nhưng chúng tôi rất phấn khởi vì suốt bao nhiêu năm cầm cự trong thua lỗ, đã chờ đến lúc giá tiêu tăng trở lại. Giá tiêu tăng là động lực để nông dân trồng tiêu tiếp tục đầu tư cho cây trồng này với kỳ vọng thu được lợi nhuận trong vụ thu hoạch tới”.

Dự báo về thị trường hồ tiêu trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Lâm, đại diện Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice (vốn đầu tư Hà Lan, trụ sở tại tỉnh Bình Dương, đầu tư vùng nguyên liệu tiêu tại Đồng Nai) cho rằng, suốt 3 năm hồ tiêu rớt giá, diện tích cây trồng này không chỉ giảm mạnh ở Việt Nam mà còn ở cả nhiều nước trên thế giới. Nguồn cung giảm là nguyên nhân khiến giá hồ tiêu sẽ theo đà tăng dần trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện nhiều nước vẫn còn nguồn tiêu dự trữ lớn nên giá hồ tiêu trên thị trường xuất khẩu vẫn chưa có nhiều biến động lớn. Dự báo, giá mặt hàng này sẽ tăng cao vào vụ thu hoạch tới khi sản lượng hồ tiêu giảm mạnh và nguồn dự trữ cũng dần cạn kiệt.

Số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai cho thấy, giá hồ tiêu xuất khẩu cũng đang trên đà tăng. Cụ thể, giá xuất khẩu hồ tiêu bình quân trong tháng 6-2020 đạt khoảng 2.240 USD/tấn, tăng 11,6% so với tháng trước đó.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202007/ho-tieu-dong-nai-co-nhieu-loi-the-canh-tranh-3013672/