Hồ Thụy Trang- Người giữ lửa cho âm nhạc cổ truyền Việt Nam tại Pháp

Trong những năm gần đây, khán giả kiều bào tại Paris và vùng phụ cận cũng như bạn bè Pháp 'được đi du lịch' tại Việt Nam nhiều hơn, có cơ hội khám phá văn hóa Việt Nam nhiều hơn, và đó phần nào nhờ nữ nghệ sĩ Hồ Thụy Trang và ban nhạc Tiếng Tơ Đồng.

Chị Hồ Thụy Trang sinh năm 1964 tại TP Hồ Chí Minh, trong một gia đình có truyền thống yêu âm nhạc. Lên 6 tuổi, chị bắt đầu học hát và đàn tranh tại trung tâm Phượng Ca. Lên 7 tuổi, chị đã vượt qua cuộc thi vào Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn, nay là Học viện Âm nhạc TP Hồ Chí Minh. Chị tốt nghiệp hạng ưu năm 1986 và bắt đầu sự nghiệp giảng dạy. Ngoài ra, chị còn thường xuyên tham gia các liên hoan âm nhạc trên thế giới.

Với ngón đàn điêu luyện của mình, qua những âm thanh tuyệt vời nhất của nhạc cụ truyền thống Việt Nam, chị đã góp phần không nhỏ vào quá trình giới thiệu âm nhạc Việt Nam đến các bạn bè quốc tế.

Từ năm 2003, chị chính thức định cư tại Créteil, một thành phố ngoại ô Paris, và đã qua cuộc thi khó khăn để nhận bằng Quốc gia của Bộ Văn hóa – Thông tin Pháp. Chị đã giảng dạy Âm nhạc truyền thống Việt Nam tại các thành phố Marseille, Bordeaux và Lausanne, tại Nhạc viện các thành phố ngoại ô Paris như Bussy-Saint-Georges và Lagny, Créteil và hội Tre Xanh. Chị cũng đã trình lên Bộ Giáo dục Pháp một dự án nhằm đưa Âm nhạc truyền thống Việt Nam vào giảng dạy chính thức tại trường học Pháp. Chị đã “có quyền tự hào và tự hãnh diện một chút vì mình là người Việt Nam thứ ba được chính phủ Pháp chính thức công nhận là giáo sư âm nhạc Việt Nam”.

Bắt đầu từ năm 2000, Hồ Thụy Trang và năm người bạn đã thành lập ban nhạc Tiếng Tơ Đồng tại Paris. Đây cũng là ban nhạc được chính phủ Pháp cấp giấy phép tổ chức sự kiện và được xem như một công ty biểu diễn.

Với gần 40 năm kinh nghiệm giảng dạy, chị đã đào tạo hàng ngàn tài năng trẻ. Hồ Thụy Trang không chỉ dạy cho họ những kiến thức cơ bản mà còn cả những kỹ thuật chơi bắt nguồn từ những kinh nghiệm riêng. Chị đã không chỉ đem đến cho thế giới những người yêu âm nhạc truyền thống hứng thú nghe đàn mà còn xem chị chơi với những kỹ thuật và phong cách do chị sáng tạo, khiến mỗi buổi biểu diễn như tăng thêm sức hấp dẫn đối với khán giả. Chị cũng thường xuyên biểu diễn cùng các nghệ sỹ có tên tuổi trên thế giới. Với chị, khi được biểu diễn với người nước ngoài là một vinh dự “vì nước Pháp được coi là một quốc gia đa dân tộc, mình được diễn với họ, được diễn với người Pháp, được diễn với người Mỹ, người Đức chẳng hạn thì mình được học hỏi nhiều cái mới, phong cách biểu diễn cũng như nền nhạc của họ. Đó là điều khiến mình trau dồi thêm sự hiểu biết, cũng như để có thể phát triển nền âm nhạc Việt Nam đến một hướng mới hơn”. Báo chí Pháp đã đưa tin khá nhiều về nghệ sĩ Hồ Thụy Trang và những cuộc trình diễn.

Chị là một nghệ sĩ quen thuộc trên sân khấu ở Trung tâm Văn hóa Mandapa, nằm trong quận 13 của thành phố Paris. Mùa văn hóa 2018-2019, Trung tâm đã bắt đầu tổ chức chương trình Hộ chiếu đến nước X. và Việt Nam đã vinh dự là điểm đến đầu tiên với “Hộ chiếu đến Việt Nam”. Đêm khai mạc đã vinh dự được đón ông Nguyễn Thiệp, đương kim Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp, giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp và một số nhà lãnh đạo quận và Thành phố Paris. Dịp ấy, chị Trang đã cố vấn để ban tổ chức mời nhiều nghệ sĩ nhạc cổ bên Việt Nam sang biểu diễn tại Trung tâm. Cùng với hàng chục buổi trình diễn của chị và Tiếng Tơ Đồng, các nghệ sĩ Việt đã mang lại niềm hoan hỉ cho đông đảo khán giả vùng Paris.

Chương trình biểu diễn của chị đa dạng, được diễn tấu với nhiều loại nhạc cụ cổ truyền. Ngoài đàn tranh là sở trường, chị còn biểu diễn ấn tượng với đàn bầu, đàn T’rưng, đàn nguyệt, đàn nhị, bộ lắc và bộ phách… Mỗi loại lại được chị sáng tạo và đôi khi cải biên lối chơi để áp dụng vào những bản nhạc cổ điển hoặc hiện đại phương Tây. Ngoài những màn độc tấu và hòa tấu, chị và Tiếng Tơ Đồng có hai show diễn đặc biệt đặc sắc và luôn được khán giả nhiệt liệt khen ngợi, và luôn đến kín phòng, đó là “1001 tiếng Trúc tiếng Tre” và “Sắc màu Việt Nam”. Các buổi biểu diễn ấy đã đưa khán giả đi du lịch khắp chiều dài Việt Nam, họ mãn nhãn mê li trong những trang phục truyền thống, từ tà áo dài duyên dáng khuê các của các thiếu nữ, các mệnh phụ thành phố, đến các bộ váy đa sắc của đồng bào thiểu số khắp ba miền. Họ thích thú chiêm ngưỡng kiểu dáng của các loại nhạc cụ dân tộc, họ ngất ngây trước những âm thanh khi trong trẻo cao vút, lúc trầm lắng mơ màng được phát ra từ sáo, đàn bầu, đàn đá đến đàn T’rưng và cồng chiêng...

Bà Bích Ngọc, một khán giả kiều bào đã rất xúc động chia sẻ cảm xúc sau một buổi trình diễn: “Đến buổi biểu diễn này, tôi thấy mình được quay trở lại với quê hương của tôi từ miền Bắc cho đến miền Nam. Đối với những người xa quê hương như chúng tôi, được dự những buổi như vậy thật là tuyệt vời, tôi không biết nói sao, chỉ biết rất là hay, rất cảm ơn tất cả những nhạc công, nhất là cô Hồ Thụy Trang, người làm ra chương trình này để chúng tôi có thể đi du lịch từ miền Bắc cho đến miền Nam Việt Nam”. Còn chị Diane Võ Ngọc, một người Pháp gốc Việt được sinh ra và lớn lên tại Pháp thì nói: “Đây là lần đầu tiên tôi đưa con gái đi xem buổi trình diễn. Và đây cũng là dịp để tôi khám phá văn hóa Việt Nam. Và chúng tôi đã hết sức ấn tượng trước vẻ đẹp của các bộ trang phục, vẻ thanh tao của của các nữ vũ công. Đồng thời buổi diễn còn có các lời giải thích rõ ràng về các điệu múa khác nhau của các vùng miền Việt Nam. Đây đúng là một chuyến du lịch tuyệt vời đến quê hương nguồn cội của tôi”.

Cho đến nay, ban nhạc “Tiếng tơ đồng” ban đầu có năm người thì hiện giờ đã tăng lên gần sáu chục và với các hoạt động chính: Múa dân gian, hòa tấu nhạc cụ cổ truyền, gõ trống, ca cổ và vũ đạo cải lương.

Kể từ ngày thành lập, Tiếng Tơ Đồng thường được mời đi biểu diễn trong các sự kiện quan trọng như ngày hội Pháp ngữ năm 2013, được tổ chức tại thành phố Nice của Pháp, với sự góp mặt của 75 quốc gia và vinh dự được biểu diễn trước Tổng thống Pháp François Hollande, và nhiều Tổng thống các nước nói tiếng Pháp. Chương trình đã được phát trực tiếp trên đài truyền hình Pháp. Và nhân dịp Pháp -Việt tổ chức kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, Tiếng Tơ Đồng được các Tòa thị chính trên khắp lãnh thổ Pháp mời đi biểu diễn. Đến đâu, ban nhạc cũng được chào đón nồng nhiệt.

Ngoài trình diễn, Hồ Thụy Trang còn dạy nhạc. Chị dạy cho nhiều lứa tuổi, từ học sinh nhỏ đến người lớn, các cháu người Việt thế hệ hai hoặc ba tại Pháp, nói được hay không nói được tiếng Việt. Dạy theo nhóm hoặc dậy đơn - một thầy một trò.

Qua chị, nhiều kiều bào được sinh ra và lớn lên tại Paris đã có cơ hội làm quen với thể loại âm nhạc này. Như anh Yanne Duchatel, 48 tuổi, sinh tại Sóc Trăng (Việt Nam) đến Pháp khi mới 3 tuổi, hiện là chủ dự án trong một ngành Công nghệ tại Pháp. Anh có một con trai 11 tuổi, hai cha con đã cùng học tiếng Việt, và từ hơn hai năm nay, khi gặp chị Trang, họ đã có cơ hội học môn Đàn tranh. “Tôi đã phát hiện ra âm nhạc truyền thống Việt Nam như mọi người Pháp, qua Youtube, hoặc qua mạng Internet. Đàn tranh đã thu hút tôi qua âm thanh của nó và phong cách chơi, nhưng tôi đã không có cơ hội tiếp cận và chơi thứ nhạc cụ này, - anh nói - và tôi rất thích, dẫu không có khiếu lắm, nhưng phải thừa nhận đây là loại nhạc cụ đòi hỏi kiên trì và rất khó học”.

Đa phần các học trò đều đánh giá cao cách thức truyền dạy của cô giáo Trang. Anh Yann Duchatel nói: “Cô Trang là một giáo viên rất có trình độ giảng dạy. Phương thức truyền đạt của cô rất hiệu quả. Phương thức tương tác của cô ấy trên lớp rất phù hợp với tôi. Nhưng thực sự mà nói, cô Trang rất khó tính, và đòi hỏi cao nơi học sinh, và điều ấy khiến cho việc học tập cũng trở nên khó hơn, nhưng tôi chắc chắn nhờ cô ấy mà chúng tôi học đàn được tốt hơn”.

Dạy nhạc cho các cháu nhỏ, nhưng chị cũng không ngừng khuyến khích các phụ huynh Việt cố gắng dạy và nói với con tiếng Việt. Bởi theo chị, muốn học và hát đúng các ca khúc Việt thì trước tiên phải hiểu ý nghĩa của chúng.

Chị Trang cho rằng muốn lưu truyền hay quảng bá âm nhạc cổ truyền Việt Nam tại nước ngoài thì có nhiều khó khăn. Ví như nhạc cụ Việt Nam rất khó tìm tại Pháp mà đều phải mua từ Việt Nam, rồi còn phải tính đến trang phục biểu diễn. Nhưng với sự kiên nhẫn, lòng đam mê, nữ nghệ sĩ và ban nhạc Tiếng Tơ Đồng đã ít nhiều gặt hái được những thành công trên đất Pháp. Mới đây trong dịp mừng xuân Canh Tý, chị và ban nhạc đã kỷ niệm 20 năm ngày thành lập với sự cổ vũ và chúc mừng của đông đảo của bạn bè và khán giả Việt, Pháp.

Nền văn hóa Việt Nam tựa một cây cổ thụ có nhiều nhánh, và trên hết chúng ta cần vun đắp cho bộ rễ thật vững chắc, cây phát triển lành mạnh, nhiều nhánh và vươn cao, Tiếng Tơ Đồng hệt như một cành nhỏ vươn xa nhưng vẫn bám chắc vào bộ gốc của mình tại quê hương Việt Nam.

Hiệu Constant (từ Paris)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/ho-thuy-trang-nguoi-giu-lua-cho-am-nhac-co-truyen-viet-nam-tai-phap-tintuc460781