Hồ thủy điện chứa 13 triệu m3 nước suýt vỡ do… củi?

Đến chiều ngày 10/8, lực lượng chức năng vẫn nỗ lực khắc phục sự cố kẹt van xả tràn tại Hồ thủy điện Đắk Kar (nằm trên địa phận hai tỉnh Đắk Nông, Bình Phước). Theo báo cáo ban đầu của chủ đầu tư, nguyên nhân của sự cố kẹt van là do có nhiều củi mắc vào.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Công trình thủy điện Đắk Kar được xây dựng trên địa bàn xã Đăk Ru, huyện Đăk R’Lấp, tỉnh Đăk Nông. Lòng hồ thuộc huyện Đăk R’Lấp tỉnh Đăk Nông và huyện Bù Đăng huyện Bình Phước.

Hiện tại các hạng mục công trình cơ bản đã hoàn thành việc thi công và tiếp tục hoàn thiện các hạng mục nhỏ khác như trồng cỏ, rải đá… Tuy nhiên, hồ chưa đi vào vận hành phát điện.

Thủy điện Đắk Kar đứng trước nguy cơ bị vỡ do nước đổ về lớn

Thủy điện Đắk Kar đứng trước nguy cơ bị vỡ do nước đổ về lớn

Cũng theo báo cáo này, tính đến trước ngày 6/8/2019 mực nước hồ đều dưới mực nước ngưỡng tràn cao trình. Tuy nhiên sau 1 ngày trời mưa liên tục, đến 11h ngày 7/8/2019 mực nước hồ đã dâng thêm hơn 2,5m, đạt mức 469.5m.

Trước tình hình này, Thủy điện Đắk Kar đã chủ động cho tiến hành xả tràn để đón lũ với lưu lượng nhỏ vào lúc 2h ngày 8/8/2019. Lúc này do sự cố mất điện đường dây khu vực đập tràn nên chủ đầu tư chuyển sang vận hành bằng máy phát điện dự phòng.

“Tuy nhiên lưu lượng nước về đột ngột mang theo nhiều cây củi làm cửa van bị kẹt không thể mở được cửa van xả tràn”, báo cáo của chủ đầu tư gửi cơ quan chức năng cho hay.

Trong khi đó, sự cố kẹt van tại Thủy điện Đắk Kar vẫn chưa được khắc phục

Trong khi đó, theo ông Lê Viết Thuận, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông, do mưa lớn kéo dài đến sáng ngày 8/8/2019 thì xảy ra sự cố sạt lở đất đồi cách chân hạ lưu đập khoảng 50m phía bờ phải đập dâng. Sự việc làm đường ống dẫn về nhà máy bị vỡ một đoạn khoảng 70m, làm nước hồ chảy qua đường ống cũng gây sạt lở khu vực hạ lưu đập dâng. Mực nước hồ chứa bất ngờ lên cao trình 477.00m.

Chủ đầu tư đã cố gắng và tìm mọi biện pháp để nâng cửa van đập tràn và đã báo cáo các cơ quan chức năng của địa phương thuộc 2 tỉnh Bình Phước và Đắk Nông.

Kiểm tra thực tế tại công trình này, ông Thuận cho biết, chủ đầu tư của công trình thủy điện Đắk Kar không chuẩn bị trước phương án xả lũ, cánh xả tràn chưa vận hành thử và hiện tại vẫn chưa vận hành được.

“Nguyên nhân để xảy ra sự cố này là chủ đầu tư không chuẩn bị trước phương án xả lũ, cánh phay tràn chưa vận hành thử. Do lũ về đột xuất, chủ đầu tư cũng không để ý đến tình hình thời tiết. Dù xả tràn chưa xả được nhưng rất may là có cống xả khác cũng như việc bể đường ống áp lực nên mới không gây ra thiệt hại. Thủy điện này mà vỡ thì gây thiệt hại lớn cho hàng ngàn người”, ông Thuận nói.

Đập của hồ thủy điện Đắk Kar có nguy cơ vỡ do... củi ?

Trả lời thông tin việc chủ đầu tư giải thích nguyên nhân sự cố là do nhiều củi, ông Thuận phản bác: “Chúng tôi chưa gặp phải sự cố này bao giờ. Thường thường thì thấy vướng cây nhưng tôi quan sát không hề có. Đến thời điểm này kéo bằng các loại tời mà van xả tràn không lên thì tôi cũng hiểu vì lý do gì?”.

Liên quan đến vụ việc này, chiều 10/8, ông Chu Văn Quyền, Giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Đắk Kar cho biết, vẫn đang nỗ lực khắc phục sự cố kẹt van cửa xả nước tại đập thủy điện. Hiện tại mực nước trong hồ đã giảm xuống mức an toàn.

Như đã đưa tin, trước nguy cơ vỡ đập thủy điện Đắk Kar còn hiệu hữu, hàng ngàn người dân ba tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng đã được di dời đến nơi an toàn.

Hiện tại, sự cố kẹt van xả trên công trường thủy điện Đắk Kar vẫn chưa khắc phục được. Hiện tại nước đang được xả qua đường ống áp lực. Các đơn vị đã khoan lỗ chờ, nếu trường hợp xấu xảy ra sẽ cho nổ mìn để xả lũ.

Theo Dân Trí

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/ho-thuy-dien-chua-13-trieu-m3-nuoc-suyt-vo-do-cui-1451091.tpo