Hố thiêng Phong Lệ kể chuyện người Chăm

Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) vừa được công nhận là di tích cấp thành phố. Sau bao năm khai quật rồi 'ngủ quên', di tích kiến trúc, văn hóa người Chăm độc đáo này mới có 'danh phận' để tiếp tục tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị.

“Hố thiêng” Phong Lệ được khai quật với nhiều phát hiện thú vị về kiến trúc, văn hóa tâm linh của người Chăm Ảnh: Nguyễn Thành

“Hố thiêng” Phong Lệ được khai quật với nhiều phát hiện thú vị về kiến trúc, văn hóa tâm linh của người Chăm Ảnh: Nguyễn Thành

Thông điệp văn hóa bị lãng quên

Ngày 23/2, UBND TP Đà Nẵng tổ chức trao bằng công nhận Di tích cấp thành phố đối với Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng). Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ được lấy tên theo tên làng Phong Lệ xưa. Trong quá khứ, đây là vùng đất được chuyển giao từ vương quốc Champa sang Đại Việt sau cuộc hôn nhân lịch sử giữa vua Champa Chế Mân và công chúa Huyền Trân. Những năm cuối thế kỷ XIX, Phong Lệ đã được ông Camille Paris, người Pháp lựa chọn để lập đồn điền trồng cà phê, chè, dứa. Trong quá trình khai phá, người ta phát hiện tàn tích của một ngôi tháp đổ nát.

Sau đó, chủ đồn điền Phong Lệ - ông Camille Paris đã thu thập ở đây nhiều hiện vật điêu khắc Chămpa và chuyển về công viên Tourane (sau này là Bảo tàng Điêu khắc Chăm). Năm 1909, các nhà khảo cổ đã thống kê được 21 hiện vật mang về từ Phong Lệ; năm 1918 có 9 hiện vật. Sau giai đoạn này, địa điểm khảo cổ Chăm Phong Lệ bị lãng quên, hoang phế, cây cối mọc rậm rạp, và ít người qua lại.

Việc khai quật khu di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ tình cờ vào tháng 4/2011, khi gia đình ông Ông Văn Tồn và bà Lê Thị Út, trú tại xóm Cấm (tổ 3, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) đào móng làm nhà phát hiện một pho tượng cổ đầu người mình chim và nhiều gạch Chăm. Ngay sau đó, Bảo tàng Điêu khắc Chăm thực hiện khai quật khẩn cấp. Tiếp đó, năm 2012 và năm 2018, di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ tiếp tục được khai quật khảo cổ…

Qua 3 đợt khai quật, đoàn khảo cổ đã nhận định Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ là một tổ hợp kiến trúc phân bố trên một gò đất cao, được bao quanh bởi một dòng chảy cổ thuộc dòng sông Cẩm Lệ. Di tích được người Champa khởi dựng vào khoảng đầu thế kỉ X và được duy trì thờ tự cho đến ít nhất vào thế kỷ XII.

Ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Đà Nẵng hiện có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích quốc gia và 60 di tích thành phố nhưng trong số đó chỉ mới có 1 di tích thuộc loại hình di tích khảo cổ. Đó chính là Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ. “Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ là những thông điệp văn hóa quá khứ bị lãng quên do hoàn cảnh lịch sử”, ông Nam nói.

Theo ông Nam những di tích, di vật tìm được tại Phong Lệ đã phản ánh nhiều mặt về đời sống xã hội, tinh thần, kinh tế của người Champa tại vùng đất Amaravati từ thế kỷ X - thế kỷ XII. Những kiến trúc, tác phẩm điêu khắc đá đã góp phần khẳng định về tinh thần tôn giáo của người Champa xưa - tục thờ các vị thần có nguồn gốc Ấn Độ giáo. Đồng thời, phản ánh kỹ thuật chế tác vật liệu xây dựng, kỹ thuật xây cất, kỹ thuật khắc tạc đá.

Ðộc đáo Hố thiêng

Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng (nguyên giám đốc Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng) là người gắn bó với di chỉ Phong Lệ từ ngày đầu phát lộ. Theo ông Thắng, các di tích nền móng khác do điều kiện kinh tế - xã hội sau khi khai quật xong phải hoàn thổ. Riêng di tích Phong Lệ là tiêu biểu cho các di tích Chăm nên các nhà nghiên cứu cố gắng, đấu tranh để giữ lại. Và rất may, ngoài sự ủng hộ của chính quyền, người dân xung quanh đều rất đồng tình, các hộ dân có nhà cửa, vườn tược trong vùng di chỉ đã di dời để trả lại mặt bằng cho các nhà nghiên cứu tiến hành khảo cổ thuận lợi.

Đặc biệt, quá trình khảo cổ, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy “Hố thiêng” còn nguyên vẹn trong lòng tháp. Theo ông Thắng, đây là một phát hiện mới, có ý nghĩa khoa học trong quá trình nghiên cứu khảo cổ, nghiên cứu đối với kiến trúc và nền văn hóa Chăm còn nhiều ẩn số.

“Tại Phong Lệ, bề mặt tháp Chăm không còn, đó lại là thuận lợi cho quá trình khảo cổ. Bởi, nhờ đó chúng tôi mới có điều kiện để khảo cổ bên dưới lòng đất, lòng tháp Chăm xem có những gì? Ở Phong Lệ chúng tôi đã phát hiện được một lòng tháp Chăm sâu và rất tiêu biểu, hoàn hảo, hoàn chỉnh nhất”, ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, “Hố thiêng” là từ do người đời sau đặt. Đây là trung tâm của tháp, nơi người Chăm đặt vật thờ tự, báu vật để làm thiêng hóa ngọn tháp sau khi xây dựng, có ý nghĩa là nơi trú ngụ của thần linh.

Một góc di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ ở quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) Ảnh: Nguyễn Thành

Độc đáo của “Hố thiêng” Phong Lệ là được phủ bằng cát trắng, đá cuội trộn lẫn với nhau. Sát đáy “Hố thiêng” có 8 ô khám được xếp lõm vào trong các bức tường gạch theo các hướng khác nhau. Trong mỗi ô khám có sắp xếp 1 viên gạch hình vuông đặt nằm ngang, dưới viên gạch là một viên đá cuội hình trứng đặt theo chiều thẳng đứng. Dưới viên đá cuội là một mảnh kim loại bằng vàng rất nhỏ. Tất cả được vùi trong cát trắng. Bên ngoài miệng ô khám đặt những viên thạch anh hướng chiều nhọn tinh thể lên phía trên…

“Cách thức, ý nghĩa tâm linh của tín ngưỡng tôn giáo của người Chăm xưa đang dần được hé lộ qua những phát hiện thú vị ở "Hố thiêng" Phong Lệ. Qua đó, giúp chúng tôi nghiên cứu cụ thể về cấu trúc bên trong lòng móng tháp Chăm, cũng như các tín ngưỡng văn hóa đặc trưng của người Chăm”, ông Thắng cho biết.

Theo Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam, cùng với di tích Nghĩa trủng Hòa Vang (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ), khu di tích Chăm Phong Lệ trong tương lai là một phần trong cụm di tích lịch sử, văn hóa được liên kết để phát triển du lịch. Chính quyền, nhân dân phường Hòa Thọ Đông, UBND quận Cẩm Lệ, Sở VH&TT cần cùng chung tay bảo tồn và phát huy giá trị Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ xứng tầm với vị thế của một di sản quý giá của thành phố. Đồng thời, tham mưu UBND TP xây dựng Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm giai đoạn 2 và bảo quản, tu bổ, phục hồi Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ trình UBND TP phê duyệt làm cơ sở cho việc tu bổ, tôn tạo và phát huy bền vững giá trị di sản trong thời gian tới.

Nguyễn Thành

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/ho-thieng-phong-le-ke-chuyen-nguoi-cham-1801008.tpo