Hồ Thanh Cang: Danh thủ Việt Nam lên France Football và trận kinh điển Nam–Bắc

Cựu danh thủ Hồ Thanh Cang là một trong những người góp mặt ở trận đấu lịch sử, kết nối bóng đá hai miền sau ngày Thống nhất.

Thuở ấy, Tổng cục Đường sắt (TCĐS) được xem là đội mạnh nhất phía Bắc. Lúc bấy giờ, Hải quan không có đối thủ ở phía Nam. Năm 1976, tức là một năm sau khi đất nước giải phóng, hai đội mới có lần đầu tiên phân tài cao thấp. Trận siêu kinh điển của bóng Việt Nam bắt đầu!

- Ngày này 45 năm trước, tôi không biết trong ký ức của cựu danh thủ Hồ Thanh Cang - một người con trưởng thành ở TP.HCM hiện lên như thế nào nhỉ? Truyền hình bây giờ, người ta vẫn phát thước phim lịch sử về chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập và lá cờ quân Giải phóng tung bay ngay tại Tổng hành dinh của Chính quyền Sài Gòn.

Trước ngày 30/4, tôi lo lắng. Nói thật là vậy. Nhiều người dân Sài Gòn (TP.HCM) cũng có tâm trạng ấy. Những kẻ xấu thổi phồng và nói nhiều điều không hay. Nhưng cảm giác ấy sớm được xua tan đi. Cuộc sống diễn ra bình thường sau khi đất nước thống nhất. Chiều 30/4 ấy, tôi còn cùng mấy anh em ra sân Tao Đàn, giăng lưới lên để chơi bóng.

Ông Hồ Thanh Cang từng được tạp chí của Pháp viết bài vì ấn tượng.

Ông Hồ Thanh Cang từng được tạp chí của Pháp viết bài vì ấn tượng.

- Bóng đá của miền Nam khi đó như thế nào, thưa ông?

Thời trước năm 1975, trong miền Nam có 12 đội bóng. Chúng tôi đá rồi tuyển chọn ra một đội đại diện tham dự các giải quốc tế. Khán giả trong Nam khi đó rất say mê, thích bóng đá lắm.

Có đợt, đội tuyển miền Nam gặp Olympic Pháp. Tôi ghi một trái banh (ghi bàn) gỡ hòa 1-1. Trận đấu đấy chung cuộc thì chúng tôi vẫn thua 1-4 nhưng báo của Pháp (France Football) còn có bài viết về tôi. Bởi Olympic Pháp mạnh lắm, chưa để thủng lưới trước đội nào cả giải đấy mà.

Rồi đến năm 1974, tôi cũng có một bàn trong chiến thắng 2-0 của đội tuyển miền Nam trước Indonesia. Tôi ghi nhiều trái banh đẹp lắm. Nhưng có trái banh mà tôi nghĩ rằng để đời lại là ở trận đấu giữa Hải Quan và TCĐS năm 1976 cơ.

- Ông có thể nói rõ hơn vì sao lại để đời?

Để tôi nói về bối cảnh khi ấy đã. Năm 1976 cũng là thời điểm 1 năm sau khi đất nước giải phóng hoàn toàn. Chúng tôi có giải Cửu Long. Hải Quan của chúng tôi vô địch và được xem là mạnh nhất của miền Nam khi ấy. Lúc bấy giờ, TCĐS - đội có thể xem mạnh nhất phía Bắc có vào trong Nam thi đấu. Đấy cũng là lần đầu tiên, những trận đấu bóng đá của đại diện hai miền được diễn ra.

Trước khi gặp Hải Quan, TCĐS thắng chẻ tre từ Tây Ninh (2-0), Cần Thơ (3-1), Đồng Tháp (2-0) rồi thậm chí là cả Cảng Sài Gòn (2-0) ngay trên sân Thống Nhất. Lúc bấy giờ chúng tôi cũng lo lắm, áp lực lắm. Đại diện miền Bắc thắng đến 4 trận trước đại diện miền Nam rồi. Và khi chúng tôi đi qua khán đài B sân Thống Nhất để chuẩn bị cho trận đấu, khán giả đứng lên vỗ tay ầm ầm và hô lên: “Hải Quan ơi, hãy giữ lại danh dự cho Sài Gòn”!

Người hâm mộ nườm nượp đến sân Thống Nhất để xem trận kinh điển của 2 đội mạnh nhất miền Nam, miền Bắc lúc bấy giờ

- Chắc chắn, các ông cũng nghiên cứu tỉ mỉ TCĐS, sau 4 trận thắng của họ?

Ngay trước khi họ thắng 4 trận ấy, cầu thủ phía Nam chúng tôi đã rất háo hức cho lần đầu tiên hai miền Nam Bắc có dịp so tài. Giữa 2 miền có những phong cách chơi bóng khác nhau. Các đội phía Bắc mạnh, khỏe, đá cứng rắn, thường xuyên qua Liên Xô và khối các nước Xã hội Chủ nghĩa thi đấu trước năm 1975. Còn chúng tôi thì chọn lối đá phối hợp nhỏ, bật tường và thường tham dự các giải Á châu.

Khi xem TCĐS, họ chơi cứng rắn vậy thôi nhưng không có chuyện đá láo. Ông anh mình (HLV Hồ Thanh Hưng) sau đó kêu anh Bình Lùn (cầu thủ Lê Kim Thanh) phải bắt chết Lê Thụy Hải. “Đó là thằng vừa tạo banh (chuyền bóng), vừa ăn banh (ghi bàn), cầm trịch cả đội đấy!”, anh Hưng nói thế với chúng tôi.

- Vậy, trái banh để đời như ông nói đã diễn ra trong trận đấu này thế nào?

Hải Quan bị TCĐS dẫn trước 1-0. Lúc đấy nói thật là chúng tôi cũng run, sợ. Tôi với Cù Sinh cứ đập tường với nhau. Rồi bất ngờ Cù Sinh xoay 180 độ sút bóng dưới thân người thủ môn Trường Sinh gỡ hòa 1-1. Sau đó Hải Quan tấn công dữ lắm. Bóng được phối hợp qua, phối hợp lại. Rồi cầu thủ đội tôi sút bóng dội vào người cầu thủ TCĐS khiến bóng dội ra trước khu vực 11 mét.

Lúc đấy, tôi đang trên đà tấn công. Thấy bóng ở tầm có thể dứt điểm, tôi tung người ngả bàn đèn đưa bóng liếm xà ngang và bay vào lưới. Tôi ngã xuống, nằm thẳng cẳng. Các bạn chạy đến nhảy đè lên chúc mừng bàn thắng. Khán giả 4 mặt sân Thống Nhất hò reo ầm ĩ. Nón lá, nói cối rồi cả giày dép bay tung lên trời.

- Cảm giác của ông thế nào? Bàn thắng ấy đã giúp Hải Quan lội ngược dòng thành công trước TCĐS?

Một trận đấu tuyệt vời. Người ta luôn nói tôi là Vua ngả bàn đèn với nhiều pha lập công ấn tượng ở trường quốc tế. Nhưng như tôi đã nói, cú ngả bàn đèn vào lưới TCĐS mới là trái banh để đời. Tôi ghi bàn trước sự chứng kiến của hàng vạn khán giả. Họ trèo lên cột đèn bằng sắt, ngồi nghẹt bên đường piste cạnh sân.

Người dân miền Nam chờ chúng tôi có một chiến thắng danh dự 2-1 trước đại diện phía Bắc, như một cách giữ lại thể diện sau 4 thất bại. Và chúng tôi đã làm được. Sướng lắm, ấn tượng lắm.

Quan trọng hơn, kể từ sau trận đấu đấy, bóng đá 2 miền coi như hòa vào làm một. Chúng tôi không còn phân chia ranh giới 2 miền. Tôi hay anh Mai Đức Chung, bạn thân của tôi ở TCĐS, suy cho cùng cũng cùng 1 cái tên. Đó là cầu thủ Việt Nam, là con người Việt Nam cả.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi

(Nguồn: Tạp chí Bóng đá)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/bong-da-viet-nam/ho-thanh-cang-danh-thu-viet-nam-len-france-football-va-tran-kinh-dien-nambac-ar543433.html