Hồ sơ về một cuộc giải cứu con tin (Kỳ 4)

Giao nhiệm vụ cho Thanh Hùng và Việt Chức tiêu diệt tên cướp. Mặc dù bên ngoài thì nói cứng, nhưng trong lòng Đại tá Nguyễn Đức Nhanh cũng vô cùng lo lắng.

Nguyễn Viết Chức và khẩu súng đã hạ tên cướp

Sau này, anh em CSHS có truyền tụng lại câu nói của Đại tá Nguyễn Đức Nhanh và mang tính "giai thoại" lúc ấy rằng: "Nếu bắn không chết tên cướp mà để cháu bé bị thương vong thì các anh hãy tự xử đi!". Nghe thật đầy chất "Tam quốc diễn nghĩa" và cũng không phải là "khẩu khí" của Nguyễn Đức Nhanh. Nhưng thật ra lúc đấy Nguyễn Đức Nhanh nói thế này: "Đây là danh dự của Công an Hà Nội và của cả Lực lượng Công an. Nếu để cháu bé bị thương vong thì tất cả chúng ta ở đây không còn đường trở về đâu".

Còn Nguyễn Thanh Hùng, sau này anh nhớ lại: "Nhận nhiệm vụ này, tôi và Chức cũng cực kỳ lo lắng nhưng cái nỗi lo đấy nhanh chóng bị trách nhiệm tiêu diệt tên cướp xóa đi. Trong lòng chúng tôi chỉ kịp nghĩ một điều làm sao để tiêu diệt tên cướp càng nhanh càng tốt". Còn Nguyễn Việt Chức, đến bây giờ tuy đã hơn chục năm trôi qua, nhưng khi nói về vụ này, anh vẫn còn cảm giác ớn lạnh sống lưng. Trong lực lượng CSHS Hà Nội, Nguyễn Thanh Hùng và Nguyễn Việt Chức là người nổi tiếng về tính quyết đoán và mưu mẹo trong đấu tranh với những tên tội phạm nguy hiểm nhưng chưa khi nào các anh thấy căng thẳng thế này.

Để tính toán được vị trí bắn một cách chính xác, Nguyễn Việt Chức quyết định đi trinh sát lần cuối và trong lòng cũng thầm nuôi hy vọng có thể thuyết phục được tên cướp. Chức đến bên xe, ra hiệu cho hắn quay cửa kính xuống để anh nói chuyện... Vẫn với thái độ cực kỳ cảnh giác, gã bắt cóc cháu bé chỉ quay kính xuống khoảng một đốt ngón tay. Với khe cửa hẹp thế này, hẳn hắn đã tính toán rằng công an không thể thò nòng súng qua đó mà bắn.

Khẩu P64 đã lên đạn và bật chốt an toàn để trong túi quần. Nguyễn Việt Chức đến bên xe và để hai tay lên cửa kính. Anh ghé miệng vào khe cửa kính, nói với vẻ thoải mái: "Này thằng em. Chúng tao chấp nhận tất cả những yêu cầu của mày. Mày muốn đi đâu thì đi. Hoặc mày muốn gì cũng được. Nhưng mày cứ đưa cháu bé đây, còn thích gì các anh đây cũng chiều?".

Nghe Chức nói, gã ngần ngừ suy nghĩ giây lát rồi bất chợt gã quắc mắt lên và nói: "Đừng hòng... Đừng hòng tao thả nó. Chúng mày cút đi!". Chức vẫn thủng thẳng: "Đừng nóng thế. Chúng tao theo mày đến đây là cũng quá mệt rồi... Nghe tao đi. Mà nếu mày tự giao đứa bé này thì sẽ được giảm nhẹ tội nhiều đấy". Vừa nói, Chức vừa quan sát kỹ để chọn góc bắn. Gã ôm cháu bé bằng tay phải và con dao cũng cầm bằng tay phải, luôn để ở vị trí gần cổ cháu. Cháu bé nằm gục trong lòng gã và chắc là đã kiệt sức vì đói và mệt nên nó nằm thiêm thiếp.

Sau khi quan sát kỹ, Chức về báo cáo lại vị trí tên cướp ngồi và cách hắn ôm cháu bé. Đại tá Nguyễn Đức Nhanh yêu cầu phải bắn chéo, không được bắn thẳng và phải bắn tiêu diệt, nghĩa là bắn thẳng vào đầu gã. Bởi nếu bắn thẳng viên đạn có thể xuyên qua người hắn làm tổn thương cháu bé.

Về sau này, rất nhiều người cho rằng quyết định cho nổ súng của Nguyễn Đức Nhanh là liều lĩnh và... không cần thiết. Trước những ý kiến "phân tích" như vậy, Đại tá Nguyễn Đức Nhanh hầu như không giải thích, bởi lẽ những người nói điều đó không hề có mặt trong cuộc truy đuổi căng thẳng đến nghẹt thở gần 150km và quan trọng hơn là họ không phải chịu trách nhiệm gì về cuộc giải cứu cho cháu bé. Họ cũng giống như những người xem bóng đá, tha hồ nói: "Sao không đá thế này, sao không đá thế kia?". Nhưng nếu họ là cầu thủ, thì chưa biết chừng, họ không dám thò chân vào quả bóng.

Quyết định cho nổ súng tiêu diệt tên cướp đúng là có phần "liều lĩnh", bởi lẽ nếu bắn trượt, gây thương vong cho cháu bé, thì người chịu trách nhiệm đầu tiên là Đại tá Nguyễn Đức Nhanh chứ không phải ai khác. Không phải là người có bản lĩnh dám làm dám chịu và tuyệt đối tin tưởng vào đồng đội thì chắc chắn sẽ có thái độ “nửa vời” hoặc sẽ ra một quyết định “an toàn” cho mình. Có thể nói Đại tá Nguyễn Đức Nhanh đã "đặt cả sinh mệnh chính trị của mình" vào quyết định này.

Thanh Hùng nói với Chức: "Ông bắn trước, tôi đằng sau yểm trợ". Chức và Hùng đều rút khẩu P64 ra lên đạn. Súng ngắn P64 là loại súng do Tiệp Khắc sản xuất. Súng nhỏ gọn rất đẹp nhưng tầm sát thương không lớn và đặc biệt súng có nhược điểm là độ chính xác không cao. Từ ngày được cấp loại súng này thì cả hai anh chưa lần nào dùng trong chiến đấu mà các anh chỉ mang đi bắn tập.

Hùng và Chức đều khỏe mạnh, giỏi võ, các anh bắn súng dài đều rất tốt nhưng bắn súng ngắn thì cũng chưa phải là hàng cao thủ. Nhưng với khoảng cách không đến 1m nếu tính từ cửa kính tới tên cướp thì không thể nào bắn trượt được. Chức giấu khẩu súng ra đằng sau lưng rồi anh thủng thẳng đi đến bên chiếc xe. Thanh Hùng đi đằng sau Chức chỉ khoảng 2m. Trong xe, Nguyễn Hữu Biên liếc mắt thấy Chức và Hùng đang ở phía sau, anh nói to một câu gì đó để thu hút sự chú ý của tên cướp về phía trước rồi lén mở chốt dây an toàn.

Nguyễn Thanh Hùng và cháu Tohariko.

Chức tiến đến sát phía đuôi xe, Hùng đi đằng sau hai tay đẩy khẩu súng lên phía sau gáy như thể đang ôm đầu. Chức gí sát nòng súng vào cửa kính và bóp cò. Cách đó 30m, Đại tá Nguyễn Đức Nhanh không dám nhìn lúc Chức nổ súng mà anh ngẩng mặt nhìn lên trời. Cạch một tiếng khô khốc, viên đạn không nổ, tên cướp nghe tiếng búa kim loại gõ hắn quay ngoắt lại và gào lên: "Chúng mày làm gì đấy?". Nhanh như cắt, Chức hạ khẩu súng xuống và giật cơ bẩm cho viên đạn thối văng ra.

Ở phía sau, với một phản xạ tuyệt vời, Thanh Hùng bước lên hai bước, khẩu súng thì giấu ở đằng sau gáy. Anh hạ xuống nhằm thẳng vào đầu tên cướp bóp cò. Nhưng khi nòng súng vừa ngang xuống mang tai tên cướp thì chợt Thanh Hùng đổi ý, anh không bắn vào đầu mà hạ nòng súng xuống thấp hơn một chút. Một tiếng nổ chói tai vang lên. Và gần như ngay tức khắc, Chức cũng kịp nổ súng. Hai viên đạn đi như chụm vào một điểm là vào cổ tên cướp và hất hắn văng nghiêng, đập đầu vào cửa xe.

Nhanh như cắt, Biên quay ngoắt người lại, đỡ lấy cháu bé đó cũng là lúc tên cướp đổ vật sang một bên nhưng lưỡi dao của hắn cũng để lại một vài vết xước nhỏ trên người cháu bé. Nguyễn Thanh Hùng giật vội cửa và bế thốc cháu bé ra ngoài. Nói thì chậm, nhưng thực ra từ lúc nổ súng cho đến lúc mang được cháu bé ra, chỉ trong khoảng mấy giây đồng hồ.

Sau này Nguyễn Thanh Hùng kể lại: "Khi tôi ôm cháu bé, thấy nó ngoác mồm ra khóc thì tôi mới biết mình... còn sống! Lúc đấy tự nhiên trong người tôi như mất hết sức lực, tôi bế cháu bé mà phải dựa vào ôtô để khỏi ngã quị. Quả thật tôi không hiểu được nếu như viên đạn của tôi không tiêu diệt được ngay kẻ bắt cóc mà để bị thương cho cháu bé thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra.

Điều chắc chắn là những người trực tiếp tham gia cuộc giải cứu hôm đấy sẽ không còn ai giữ được vị trí công tác của mình và lúc đó các cơ quan chức năng sẽ đặt ra vô vàn câu hỏi: Ai ra lệnh bắn? Khi bắn các anh có tính toán được viên đạn sẽ đi như thế nào không sau khi xuyên qua cửa kính? Trước đó các anh đã bao giờ tập bắn như thế này chưa? v.v... Trong đời tôi đã phải nổ súng nhiều lần khi đối mặt với những tên cướp nguy hiểm. Cũng đã có những tên cướp tôi bắn nhưng chưa chết mà đều chỉ bị thương. Phải nổ súng tiêu diệt một đối tượng hung hãn là việc cần thiết nhưng nếu để hắn sống được và phải chịu sự trừng phạt của pháp luật thì cũng vẫn là tốt hơn".

Viên đạn của Thanh Hùng bắn xuyên qua cổ tên cướp chạm vào đốt sống cổ, viên đạn quay ngược lên và mắc lại ở hàm. Ngay sau đó, cháu bé được đưa vào Bệnh viện huyện Đồng Mỏ và việc sơ cứu cho cháu bé được tiến hành khẩn trương.

Tại TP HCM, Thiếu tướng Phạm Chuyên nghe Đại tá Nguyễn Đức Nhanh báo cáo là đã tiêu diệt tên cướp, cứu được cháu bé an toàn, quân ta không ai làm sao... Ông thốt lên: "Cậu Nhanh, cậu Quang, mấy anh em cậu khá lắm". Sau một thoáng xúc động, ông quay sang nói với mấy anh em cùng đi: "Bảo chuẩn bị tài liệu cho họp báo ngay. Vụ này, phải họp càng nhanh càng tốt".

Còn tại nơi xảy ra vụ tiêu diệt tên cướp, một mặt anh em đưa cháu bé đi kiểm tra vết thương và một mặt lo khám nghiệm hiện trường. Nguyễn Phúc Quang vào một cửa hàng chụp ảnh gần đó mượn máy ảnh và mua phim để chụp ảnh hiện trường. Khi cháu bé được bệnh viện ký giấy xuất viện và cháu được giao ngay cho gia đình, thì lúc ấy, mọi người mới thực sự thở phào nhẹ nhõm. Công an Hà Nội vui mừng đã đành, nhưng Công an Lạng Sơn cũng hoan hỉ không kém. Và tối hôm đó, lãnh đạo Công an tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức một bữa cơm thịnh soạn mừng thắng lợi của cuộc giải cứu con tin.

Xúc động trước chiến công của Công an Hà Nội, từ TP HCM, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã cùng con trai là Nguyễn Quang Dũng bay ra Hà Nội và viết một kịch bản phim tài liệu về cuộc giải cứu này. Nhạc sĩ Hồng Đăng cũng sáng tác bài hát "Thành phố bình yên" tặng CBCS Công an Hà Nội.

Ba ngày sau cuộc giải cứu, đại diện Sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội và gia đình đã đến cảm ơn lãnh đạo Công an TP Hà Nội và Công an quận Tây Hồ. Họ đến cảm ơn Công an quận vào đúng lúc đơn vị đang họp Thường vụ Đảng ủy.

Sau những lời cảm ơn chân tình và kính trọng. Ông Gugimoto, bố của cháu Tohariko đã biếu Công an quận một món quà. Đó là một chiếc hộp được gói rất đẹp, trang nhã. Trưởng Công an quận Nguyễn Phúc Quang xin phép mở ra cho mọi người cùng thấy - đó là một chai rượu Lúa Mới và còn ghi nguyên giá tiền: 13.000 đồng.

N.N.P

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ho-so-ve-mot-cuoc-giai-cuu-con-tin-ky-4-102973.html