Hồ sơ về một cuộc giải cứu con tin (Kỳ 2)

Sau khi được báo cáo về vụ bắt cóc con tin xảy ra ở Làng Việt Nhật, Thiếu tướng Phạm Chuyên ra lệnh qua điện thoại: 'Tuyệt đối không được nổ súng, bằng mọi cách đưa đối tượng ra khỏi làng Việt - Nhật, dồn nó về phía hồ. Báo ngay cho đồng chí Nguyễn Đức Nhanh'...

Trung tá Nguyễn Như Ý, bây giờ là Đội phó Đội Chính trị của Công an quận Tây Hồ nhưng vào thời điểm xảy ra vụ án thì anh đang là Phó Công an phường Thụy Khuê. Nếu Công an Hà Nội muốn tìm một cán bộ nào công tác ở Công an phường lâu nhất thì có lẽ không mấy ai có thể vượt qua Trung tá Nguyễn Như Ý bởi anh đã ở Công an phường tính cho đến lúc xảy ra vụ án là 24 năm 4 tháng.

Cuối năm 1975, học xong Trung cấp Cảnh sát, anh về làm cảnh sát khu vực ở Đồn Công an 33. Đến năm 1979, khi thành lập phường thì anh cũng là cảnh sát khu vực ở đây và lúc này, Đồn 33 đã đổi thành Công an phường Thụy Khuê.

Nói không ngoa thì Nguyễn Như Ý thuộc địa bàn phường Thụy Khuê đến từng hòn gạch lát đường. Còn đối với cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trong phường thì anh thuộc đến độ nghe bước chân ngoài cửa đã biết đó là ai. Ý cũng không thể nhớ được đã đi dự bao đám cưới, rồi những cuộc mừng con cháu đầy tháng, đầy năm, mừng thượng thọ... ở phường Thụy Khuê và tất nhiên với rất nhiều người ở phường thì anh thuộc lý lịch của họ đến 3 đời mà không cần giở sổ.

Sáng hôm ấy, Ý đang đi học lớp Đại học Cảnh sát tại chức vì được thảo luận tổ cho nên hơn 10 giờ các anh đã về. Vừa phóng xe máy vào đến sân Công an phường thì cảnh sát khu vực Nguyễn Trọng Trúc đang làm nhiệm vụ trực ban thay một người khác hốt hoảng chạy ra: "Anh ơi! Có vụ bắt cóc trẻ con ở làng Việt - Nhật. Đối tượng có vũ khí”. Ý hỏi ngay: "Ai báo? Điện thoại còn không?". Trúc đáp: "Còn anh ạ, bảo vệ làng Việt - Nhật thông báo”.

Ý chạy vào phòng trực ban nói chuyện điện thoại với bảo vệ. Anh Đội trưởng Đội Bảo vệ làng Việt - Nhật cho biết, ở nhà T42 nhà 9 tầng lục giác có một vụ bắt cóc cháu bé là con một cặp vợ chồng người Nhật đang công tác ở Việt Nam thuê phòng. Đối tượng có vũ khí nhưng không biết là vũ khí loại gì. Ý nói ngắn gọn: "Tôi yêu cầu anh cho đóng tất cả các cổng ra vào tại làng Việt - Nhật, không ai được vào và cũng không cho ai ra khỏi cổng lúc này". Rồi Ý chạy vào phòng, mở tủ, lấy khẩu súng ngắn K54 giắt vào thắt lưng, ra sân hô tất cả anh em sang làng Việt - Nhật.

Từ trụ sở Công an phường Thụy Khuê sang làng Việt - Nhật chỉ hơn 100m. Làng Việt - Nhật, vào thời điểm này là khu sang trọng và đẹp bậc nhất ở quận Tây Hồ. Xưa kia, đây là nơi Công ty Công viên trồng hoa, cây cảnh cho toàn thành phố. Đến năm 1995, một công ty của Nhật đã tới và liên doanh xây dựng Làng văn hóa Việt - Nhật. Vào thời điểm xảy ra vụ cướp và bắt con tin thì trong làng cũng mới chỉ có chưa đầy 50 người Nhật thuê nhà ở đây. Họ đều là những chuyên gia của một số cơ quan, tổ chức và công ty của Nhật đang có mặt tại Việt Nam.

Nguyễn Như Ý bảo Nguyễn Trọng Trúc thông báo ngay cho đồng chí Nguyễn Phúc Quang, Trưởng Công an quận Tây Hồ rồi anh em chạy sang làng Việt - Nhật.

Trung tá Nguyễn Như Ý (bên trái) và Trung tá Nguyễn Hữu Biên (ảnh chụp tháng 3/2009).

Chỉ không đến 10 phút sau tất cả cảnh sát hình sự, cảnh sát khu vực của Công an phường Thụy Khuê đã có mặt ở làng Việt - Nhật. Khi tới cổng, Ý yêu cầu nhân viên bảo vệ phong tỏa hết các ngõ ngách còn anh em công an vây quanh khu nhà lục giác. Ý yêu cầu một nhân viên bảo vệ đưa anh lên tầng 4, vừa lên đến sảnh tầng 4 thì đã thấy đối tượng xuất hiện ngay ngoài cửa. Tay trái quắp đứa bé áp vào bụng mình, tay phải cầm con dao Thái Lan áp vào cổ đứa bé. Còn đứa bé khóc ngằn ngặt vừa là bị đói sữa, vừa là bị bế trong tư thế quái gở và lại lạ hơi người.

Nhìn thấy Ý mặc cảnh phục, gã gào lên: "Chúng bay dẹp ra cho tao đi". Ý giơ hai tay, như thể để cho gã thấy mình không có vũ khí, rồi anh điềm tĩnh bảo gã: "Anh cứ bình tĩnh, nếu có yêu cầu gì cứ nói, chúng ta sẽ cùng thương lượng". Gã trợn mắt: "Không có thương lượng gì hết. Nếu chúng mày không đi xuống, tao sẽ giết thằng bé".

Thấy gã đang trong cơn kích động, Ý nói: "Thôi được, chúng tôi đi xuống đây. Nhưng anh cũng xuống rồi chúng ta nói chuyện". Rồi Ý và anh bảo vệ đi giật lùi xuống cầu thang mắt theo dõi từng nhất cử nhất động của gã. Hai người thì đi giật lùi, còn gã thì quắp thằng bé đi xuống. Đến hết tầng 1 thì gã đứng lại ở cửa. Chân phải để lên bậc cầu thang và đặt đứa bé lên đùi. Tay hắn vẫn lăm lăm con dao gí vào cổ đứa bé...

***

Trung tá Nguyễn Phúc Quang, Trưởng Công an quận Tây Hồ đang trên đường từ Học viện Chính trị Phân viện Hà Nội trở về Công an quận. Có tiếng chuông điện thoại di động, anh nhìn số máy và thấy đó là số máy của trực ban Công an phường Thụy Khuê. Chưa kịp hỏi người đầu dây là ai thì đã có tiếng nói gấp gáp: "Báo cáo anh, em là trực ban Công an Thụy Khuê. Ở làng Việt - Nhật xảy ra vụ bắt cóc con tin là cháu bé người Nhật. Đối tượng có vũ khí!". Trung tá Quang hỏi ngay: "Chỉ huy Công an phường đâu?". "Báo cáo anh, tất cả sang làng Việt - Nhật rồi".

Không hỏi thêm câu nào, Trung tá Quang bảo lái xe cho quay xe về ngay Việt - Nhật. Quang không cho lái xe bật còi ủ mà chỉ dùng đèn ưu tiên. Chiếc xe chạy như cướp đường, thậm chí vượt cả đèn đỏ và phóng ngược chiều trên đường Thụy Khuê về làng Việt - Nhật. Trên ôtô, anh dùng điện thoại di động gọi cho các Phó Công an quận cùng Trưởng Công an các phường Yên Phụ, phường Bưởi huy động tất cả cảnh sát hình sự và cảnh sát khu vực, mang theo vũ khí đến làng Việt - Nhật.

Biết Thiếu tướng Phạm Chuyên, Giám đốc Công an Hà Nội đang đi công tác tại TP HCM, cho nên anh gọi điện báo ngay cho Trung tá Nguyễn Đức Bình, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự rồi mới điện báo cáo Thiếu tướng Phạm Chuyên, Giám đốc Công an TP Hà Nội. Nhưng lúc này Thiếu tướng Phạm Chuyên đang cùng với đoàn giám sát pháp luật của TP Hà Nội công tác tại TP HCM. Dự hội nghị vừa xong, Thiếu tướng Phạm Chuyên đang trên đường về khách sạn.

Nghe Nguyễn Phúc Quang báo cáo, ông quay lại hỏi một người đi cùng đó là nhà báo Vũ Hùng, lúc đấy là phóng viên tờ Thời báo Kinh tế Việt Nam: "Làng Việt - Nhật nó ở chỗ nào hả Hùng?". Hùng nói ngay: "Làng Việt - Nhật ở cạnh Trường Chu Văn An và từ đấy sang khu Văn phòng Chính phủ chỉ 300m đường chim bay". Không suy nghĩ thêm một giây, lập tức Thiếu tướng Phạm Chuyên ra lệnh qua điện thoại: "Tuyệt đối không được nổ súng, bằng mọi cách đưa đối tượng ra khỏi làng Việt - Nhật, dồn nó về phía hồ. Báo ngay cho đồng chí Nguyễn Đức Nhanh".

Sau này, khi tổng kết vụ án, mọi người đều khẳng định rằng, đây là một quyết định cực kỳ thông minh, chính xác của Thiếu tướng Phạm Chuyên. Việc tiêu diệt một đối tượng bắt cóc con tin để cứu cháu bé ngay tại chỗ không phải là khó bởi cảnh sát hình sự có đủ các loại vũ khí để có thể vô hiệu hóa được ngay tức khắc hung thủ. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như có tiếng súng nổ ở một khu vực đặc biệt nhạy cảm như vậy. Bắn đối tượng chết ngay là việc “dễ” đối với các tay súng của cảnh sát đặc nhiệm. Nhưng nếu như cháu bé mới hơn 4 tháng tuổi bị rơi xuống hoặc đối tượng chưa chết ngay mà vẫn đủ thời gian để xuống tay với cháu bé thì hậu quả sẽ là khôn lường.

Mà kinh nghiệm cho thấy, trong những vụ đối tượng bắt con tin để khống chế cướp tài sản hoặc chạy trốn, thì việc cứu con tin bao giờ cũng phải được đặt lên hàng đầu. Cuộc giải cứu sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu như con tin bị sát hại hoặc bị thương vong. Còn với đối tượng gây án, có thể chưa bắt được lúc này thì sẽ bắt được lúc khác, nhất là đối với những kẻ đã xác định được danh tính.

Ra lệnh xong, Thiếu tướng Phạm Chuyên ngắt máy và bảo lái xe quay ngay về khách sạn. Không ăn uống gì cả, ông lập tức trưng dụng tất cả điện thoại của những người xung quanh và bày trước mặt 6 chiếc điện thoại di động, một chiếc để liên lạc với Đại tá Nguyễn Đức Nhanh, Phó giám đốc phụ trách cảnh sát, một chiếc để liên lạc với Đại tá Đỗ Kim Tuyến - Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, một chiếc để liên lạc với Nguyễn Phúc Quang, một chiếc để liên lạc với lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát và một chiếc để liên lạc với Trung tá Nguyễn Đức Bình - Trưởng phòng Cảnh sát hình sự và một chiếc dự phòng.

Là người điềm tĩnh, nhưng lúc này, Thiếu tướng Phạm Chuyên cũng cảm thấy "choáng" bởi lẽ Hà Nội chưa từng bao giờ xảy ra một vụ tương tự như vậy. Và đối với người lãnh đạo, không gì khó khăn, khổ sở bằng phải chỉ huy một cuộc giải cứu mà chắc chắn là cực kỳ khó khăn trong lúc phải cách xa hiện trường hơn ngàn cây số. Tuy vậy, trong lòng ông cũng thấy tự tin bởi vì lúc này, ông đang có những sĩ quan giúp việc rất bản lĩnh, có trình độ nghiệp vụ cao và có những CBCS cảnh sát hình sự thiện chiến.

Tự nhiên ông nhớ lại một vụ giải cứu con tin vô tiền khoáng hậu mà chính ông là người trực tiếp chỉ huy. Ấy là vào gần cuối năm 1985, trong chiến dịch 135 tấn công truy quét tội phạm hình sự. Công an Hà Nội truy bắt một đối tượng tên là Dương Văn Giáp ở Đông Anh. Khi Công an Hà Nội đến bắt anh ta lấy ngay vợ, khi ấy đang có chửa sắp đến tháng đẻ, làm con tin. Anh ta kề dao vào cổ vợ và đe dọa sẽ giết vợ ngay, nếu như Công an xông vào.

Trước tình thế nguy cấp, để bảo vệ con tin, đã có phương án đặt ra là tìm cách tiêu diệt... Nhưng sau khi nghiên cứu nguyên nhân và hoàn cảnh phạm tội của anh ta, ông đã quyết định rút quân và mở cho anh ta một con đường thoát là tự ra đầu thú. Quả nhiên, một ngày sau, Dương Văn Giáp đã ra đầu thú, chịu án phạt tù và khi trở về, anh trở thành một người làm ăn chí thú, có của ăn, của để. Và tất nhiên, anh coi ông là ân nhân của gia đình.

Nhưng đó là trường hợp không giống lần này. Vì cho đến giờ, chưa ai biết đối tượng tên tuổi là gì? Ở đâu? Nguyên nhân nào khiến gã liều lĩnh bắt cả con tin là người nước ngoài...? Không biết được những thông tin ấy, thì các biện pháp như thuyết phục, vận động hắn buông vũ khí là rất khó.

11 giờ 30 phút.

Trung tá Nguyễn Phúc Quang phóng xe đến làng Việt - Nhật thì đã thấy một bầu không khí căng thẳng tột độ đang bao trùm tại đây.

Mượn tạm một phòng bảo vệ, Nguyễn Phúc Quang lập “sở chỉ huy" ngay tại đó. Một mặt, anh bảo Thiếu tá Nguyễn Trọng Yên, Phó trưởng Công an quận vào tiếp xúc với đối tượng để làm "hạ hỏa" cái đầu nóng của hắn, một mặt anh nghe mọi người báo cáo lại tình hình. Những cảnh sát hình sự của Công an quận Tây Hồ cũng có mặt đông đủ. Lực lượng Công an có mặt tại làng Việt - Nhật lúc này khoảng hơn 50 người. Trong số những cảnh sát hình sự của Công an quận Tây Hồ có Đại úy Nguyễn Như Bi, Đội trưởng và Nguyễn Hữu Biên, một cảnh sát hình sự có tiếng là võ nghệ cao cường bởi anh từng là võ sư...

Thiếu tá Yên cùng Nguyễn Như Ý và Nguyễn Hữu Biên vào gặp đối tượng. Gã vẫn đứng ở giữa cầu thang, đứa bé vẫn để trên đùi, tay trái vẫn lăm lăm con dao. Thằng bé sau một cơn gào khóc có vẻ đã ngấm mệt nên ngủ gà gật. Vừa trông thấy Yên, hắn lại gào lên: "Nếu chúng bay không để cho tao đi thoát khỏi đây, tao sẽ giết thằng bé này". Yên lùi ra cách xa hắn khoảng 5m và nói nhẹ nhàng: "Anh cứ bình tĩnh... Nào, bây giờ anh muốn gì cứ nói. Mà thằng bé đang khát sữa, anh cho chúng tôi mang sữa cho cháu nhé". Gã nói ngay: "Nó vừa uống sữa rồi... Chúng mày không phải lo".

Yên nói: "Anh cứ đưa thằng bé cho chúng tôi, rồi anh muốn gì cũng được". Lập tức, gã nói ngay: "Thằng kia, đừng tưởng tao ngu. Tao mà thả nó, để chúng mày bắn chết tao à? Lấy cho tao một chiếc xe ôtô đến đây". Thiếu tá Yên bảo: "Ôtô thì sẽ có ngay. Chúng tôi sẽ để xe cho anh đi". Dường như gã đã sắp sẵn một kế hoạch tẩu thoát, cho nên gã nói ngay lập tức: "Mang chiếc xe đến, tao sẽ lái và đưa mẹ thằng bé này với nó lên xe... Tao sẽ...?".

Gã nói đến thế rồi chợt ngừng lại, bởi gã chợt nhớ ra là gã không biết lái xe. Mà đấy là tình tiết của bộ phim Mỹ mà gã đã xem. Gã xem nhiều quá, nên "nhập vai" và cũng nghĩ là mình biết lái xe. Thiếu tá Yên dặn Ý và Biên ở lại canh chừng rồi chạy ra báo cáo với Trưởng Công an quận.

Sau khi nghe Nguyễn Trọng Yên báo cáo lại tình hình và những yêu cầu của gã, Trưởng Công an quận Nguyễn Phúc Quang suy nghĩ và tính toán: "Nếu để xe cho gã lái, trên xe lại có hai con tin là người Nhật, ngộ nhỡ hắn quá căng thẳng, lái xe gây tai nạn, làm tổn hại đến con tin thì không được...".

Nghĩ như vậy, anh bèn chạy vào nói với gã: "Tôi là Trưởng Công an quận Tây Hồ. Chúng tôi sẽ đáp ứng yêu cầu của anh. Bây giờ như thế này. Xe ôtô thì có ngay, nhưng anh có biết lái xe không?". Gã nói: "Các ông đưa một chiếc xe taxi và cả người lái đến đây, tôi sẽ mang thằng bé này đi cùng. Nếu các ông đuổi theo, hoặc tìm cách bắt tôi, tôi sẽ giết thằng bé”.

Nghe hắn nói thế, Nguyễn Phúc Quang thở hắt ra như trút bớt được gánh nặng bởi như vậy là Công an sẽ có thêm cơ hội...

(Còn tiếp)

N.N.P

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ho-so-ve-mot-cuoc-giai-cuu-con-tin-ky-2-102737.html